Nàng Châu Long thời hiện đại

CSVN – 15 năm làm công nhân cao su nuôi chồng ăn học lên đến chức bí thư xã. Đó là câu chuyện của chị Rah Lan Thanh, công nhân NT Ia Glai (Cao su Chư Sê), ví như nàng Châu Long nuôi chàng Lưu Bình đi thi trong tích xưa.

Niềm vui của vợ chồng chị Thanh và anh Quy khi xem lại những kỷ niệm còn lưu giữ trên điện thoại.
“Lúc đầu mình cũng không thích đâu”

Tổ ấm của gia đình chị Thanh nằm giữa trung tâm làng Del. Chị Rah Lan Thanh nổi tiếng khắp làm vì là một CN tiêu biểu, hết mình vì công việc, một đời vì chồng con.

Ngược thời gian, tuổi thơ chị trải qua những năm tháng vất vả. Bố mẹ ly hôn lúc mới 15 tuổi, anh trai theo vợ lập nghiệp nơi xa, mẹ và 3 chị em Thanh phải nương tựa vào nhau mà sống. Cánh cửa đến trường cũng đóng lại từ ấy, tương lai trở nên mịt mờ khó đoán, càng khó khăn hơn khi mẹ cũng thôi làm CN cao su.

Từ đó, chiếc gùi trên vai Thanh cùng mẹ sớm tối khắp buôn làng, lên nương xuống rẫy, làm thuê cuốc mướn phụ mẹ nuôi 2 em nhỏ. Được 3 năm, nghe lời mẹ khuyên Thanh nộp đơn xin làm CN cao su để mong thay đổi cuộc sống. Đó là lúc Thanh tròn 18.

Thuở bé cho đến lớn Thanh luôn chăm chỉ học hành, giúp mẹ làm nương rẫy nên chưa một lần biết yêu, càng không dám để ý đám con trai trong làng vì ngại gia cảnh nghèo khó. Vào CN được vài tháng, mẹ báo: “Đã chọn thằng Quy làm chồng cho con rồi”. “Lúc đó mình hết sức bất ngờ. Và không thích đâu, nhưng thương mẹ, không muốn mẹ vất vả nên đồng ý. Khi đó, Quy đang làm Bí thư Đoàn Thanh niên xã, mình cũng chỉ nghe nói chứ chưa biết nhiều về anh ấy”, chị Thanh kể.

Thế rồi, cuộc hôn nhân đã được diễn ra như dự định mà theo lời chị là “mẹ đặt đâu, con ngồi đó” và cũng chưa kịp tìm hiểu gì về nhau.

Anh Rah Lan Quy – Bí thư xã Ia Glai (thứ 4 từ trái sang) trong lần thay mặt bà con khu vực phong tỏa nhận món quà hỗ trợ của Công ty TNHH MTV Cao su Chư Sê.
15 năm nuôi chồng ăn học

Đầu năm đi làm CN, cuối năm lấy chồng, cứ ngỡ sẽ đỡ bộn bề, vất vả hơn khi bắt đầu cuộc sống mới. Nhưng tất cả đều không như suy nghĩ, chị bắt đầu một hành trình mới là nuôi chồng, nuôi con ăn học.

Xông xáo, năng động trong công việc nên Quy được xem là hạt nhân để xây dựng lực lượng cán bộ người địa phương. Sau vài năm làm Bí thư Xã đoàn, Quy được cử đi học để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Chặng đường 15 năm tham gia những lớp học, khóa đào tạo nghiệp vụ đến nâng cao, các lớp học chính trị, quản lý Nhà nước… lần lượt được anh hoàn thành tốt.

Một mình sớm tối trên lô, chị Thanh luôn hoàn thành tốt mọi việc ở tổ, năm nào cũng hoàn thành vượt sản lượng nhưng không quên vai trò của người mẹ hiền, người vợ đảm. Chồng đang đi học nên lương của chồng chẳng bao nhiêu, nhiều khi không đủ trang trải. Từ năm 2003 trở đi, ngành cao su khó khăn, nhất là tiền lương CN thấp. Biết vậy, chị Thanh luôn thắt lưng buộc bụng vừa lo tiền ăn học cho 2 con, tiền sinh hoạt trong gia đình với 4 miệng ăn nhưng vẫn dành một phần gửi cho anh.

Chị tâm sự: “Cuộc sống gia đình mình lúc ấy thật sự túng thiếu, mình phải cố gắng hết sức để xoay xở. Bản thân không dám sắm sửa, dành hết tiền lương cho việc học của chồng và con, việc ăn uống trong nhà. Chồng là người của công việc nên những ngày hiếm hoi được về phép, chồng cũng dành cho công việc hoặc đi gặp dân làng”.

Việc trên lô, rồi việc ở nương rẫy, chăm hai con nhỏ đang độ tuổi đến trường… Vất vả là vậy nhưng chị luôn tự nhủ phải luôn cố gắng để chồng thành công và con cái nên người. Con gái lớn của anh chị biết mẹ vất vả nên ý thực học tập tốt, chăm ngoan, học giỏi và được nhận vào trường dân tộc nội trú tỉnh. Những ngày đó, chồng vẫn tiếp tục đi học, chỉ còn chị và cậu con trai nhỏ sớm tối bên nhau.

Thu nhập từ lương CN được cải thiện đáng kể vào năm 2009 trở đi, tuy nhiên chi phí cho sinh hoạt và học tập nơi xa của chồng khá tốn kém. Biết vậy, chị càng nỗ lực hơn trên vườn cây để tiền lương, tiền thưởng được nhiều thêm, quyết trở thành hậu phương vững chắc cho cả chồng lẫn con. Chị chăm chỉ, tích cực phát triển kinh tế gia đình từ nương rẫy, canh tác và tăng gia với đàn gà, luống rau trên mảnh vườn của gia đình để có thêm thu nhập.

Nhờ hậu phương vững chắc nơi Thanh, sau khi hoàn thành các khóa học, anh Quy trở về quê nhà công tác. Năm 2018, anh được bầu làm Bí thư xã Ia Glai cho đến nay. Những gian truân của chị Thanh cũng đến hồi kết thúc, chị tận hưởng niềm vui mãn nguyện khi chồng thành công. Chắc hẳn, từ nay về sau, chuyện của chị Thanh nuôi chồng ăn học sẽ được dân làng Del truyền tai nhau mãi như một tấm gương sáng về nghị lực vượt khó vươn lên trong cuộc sống.

GIA LINH