CSVN – Hệ thống cao su tự nhiên có tiềm năng đáng kể trong việc tăng cường đóng góp vào việc giảm thiểu biến đổi khí hậu.
Các hoạt động dựa vào sử dụng đất, bao gồm cả lâm nghiệp và nông nghiệp có vai trò quan trọng trong việc đạt được các mục tiêu của thỏa thuận Paris. Các đồn điền cây hàng hóa, ở cả bình diện nông nghiệp và lâm nghiệp, đang được mở rộng nhanh chóng, gây ra những hậu quả đáng kể đối với việc sử dụng đất và các bể chứa carbon liên quan. Cây cao su (Hevea brasiliensis) được trồng trên khắp thế giới để lấy mủ và sản xuất cao su tự nhiên (NR), một nguyên liệu thô chiến lược.
Khoảng 13 triệu gia đình nông hộ nhỏ (40 triệu người) sống nhờ canh tác cao su. Bài báo này tổng hợp các nghiên cứu sẵn có, chủ yếu từ kết quả của một hội thảo gần đây do IRSG phối hợp với CIFOR/FTA, IRRDB và CIRAD tổ chức. Những kiến thức về phát thải khí nhà kính (greenhouse gas emissions, GHG) liên quan đến các hệ thống cao su tự nhiên, bao gồm các bể hấp thụ carbon của cao su và các tác động tiềm tàng của biến đổi sử dụng đất, đã được nêu ra nhằm chỉ ra tiềm năng của các hệ thống cao su tự nhiên trong việc giảm thiểu biến đổi khí hậu, bao gồm thông qua cải thiện quản lý, tăng cường sử dụng gỗ cao su và cao su thiên nhiên thay thế cho nguyên liệu không tái tạo.
Cây cao su – nguồn dự trữ carbon hiệu quả: Vòng đời của vườn cây cao su được chia thành hai giai đoạn: giai đoạn chưa trưởng thành (kiến thiết cơ bản) – từ khi trồng đến khi thu hoạch mủ (sau 5 đến 7 năm) – và giai đoạn trưởng thành bắt đầu thu hoạch mủ — thông qua cạo mủ. Khi sản lượng mủ giảm, cây cũ được khai thác và trồng cây mới. Độ dài vòng đời có thể thay đổi từ 30 – 35 năm. Nhiều nghiên cứu về trữ lượng carbon của cây cao su cho thấy đồn điền cao su tạo thành trữ lượng carbon có thể được so sánh với một số hệ thống lâm nghiệp hoặc nông lâm kết hợp. Vòng đời càng dài trữ lượng carbon của cả cây và đất càng cao.
Tác động của thay đổi sử dụng đất: Những thay đổi về độ che phủ đất trên quy mô lớn đang diễn ra khắp các khu vực nhiệt đới do nhu cầu vật liệu ngày càng tăng trên toàn cầu, làm gia tăng lo ngại về tác động của chúng đối với nạn phá rừng và phát thải liên quan. Trong ba thập kỷ qua, diện tích trồng cao su đã tăng 1,8 lần và đạt 14,1 triệu ha. Từ năm 2008 – 2018, nó đã tăng 24%. Sự tăng trưởng này thể hiện rõ nhất ở khu vực sông Mekong và Côte d’Ivoire. Việc mở rộng dự kiến sẽ tiếp tục, mặc dù với tỷ lệ thấp hơn, với các dự báo cho thấy mức tăng 2,4% mỗi năm trong thập kỷ tới. Nhu cầu này cũng có thể bị ảnh hưởng bởi ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trong các lĩnh vực khác nhau.
Việc chuyển đổi từ rừng nhiệt đới và nông nghiệp du canh sang độc canh cao su đã cải thiện đáng kể sinh kế của nhiều nông hộ nhỏ. Tuy nhiên nó cũng làm gia tăng quan ngại về tác động của những thay đổi như vậy đối với đa dạng sinh học, chất lượng đất, nguồn nước sẵn có, các dịch vụ hệ sinh thái và sinh kế của người dân địa phương. Việc chuyển đổi từ các mục đích sử dụng đất khác nhau sang trồng cao su có ảnh hưởng đáng kể đến lượng khí thải carbon phụ thuộc vào việc sử dụng đất ban đầu. Việc chuyển đổi từ rừng hoặc nông nghiệp du canh có thể dẫn đến lượng khí thải carbon đáng kể từ các bể chứa carbon trên và dưới mặt đất. Tuy nhiên, thiệt hại có thể khác nhau.
Một nghiên cứu ước tính rằng một đồn điền cao su tồn tại trong 30 năm tích trữ nhiều carbon hơn hệ thống du canh với thời gian bỏ hoang 5 năm. Phát hiện này đúng ngay cả khi tính đến lượng khí thải tạo ra từ quá trình làm đất trước khi trồng cao su. Tuy nhiên, lợi ích này sẽ bị mất đi nếu nền nông nghiệp du canh bị cao su dời chỗ và đến lượt nó thay thế rừng tự nhiên.
Sự đóng góp tiềm năng của cao su tự nhiên đối với việc giảm thiểu biến đổi khí hậu phụ thuộc vào việc canh tác cao su thay thế những gì và vào cách thức nó được tiến hành. Tác động tiêu cực khi nó thay thế rừng nguyên sinh, rừng thứ sinh hoặc làm thay đổi các hệ thống du cư lấn chiếm rừng. Tác động trung tính hoặc hơi tích cực khi nó thay thế các hệ thống du canh, chủ yếu phụ thuộc vào độ dài thời gian bỏ hoang của hệ thống được thay thế. Tác động tích cực khi nó được trồng trên đất bạc màu nghiêm trọng, khi hệ thống đa dạng có thể lưu trữ carbon hiệu quả như rừng thứ sinh, cải thiện sản lượng sẽ giảm nạn phá rừng. Thành công có thể cao hơn nếu quy hoạch sử dụng đất xác định các khu vực có lợi nhuận kinh tế và môi trường cao nhất và bao gồm các mối quan tâm về thích ứng. Hầu hết các tác động do thay đổi sử dụng đất là đặc thù của từng địa phương.
Quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất có thể đi một chặng đường dài để hạn chế các tác động tiêu cực. Nó có thể bảo tồn các khu vực có trữ lượng carbon cao và đó là quan trọng đối với việc bảo tồn đa dạng sinh học hoặc các vấn đề môi trường khác bằng cách định hướng phát triển cao su đối với các khu vực đã bị suy thoái.
Cải thiện quản lý và sản lượng góp phần tăng trữ lượng carbon và giảm nạn phá rừng: Có thể giảm thiểu việc thay đổi mục đích sử dụng đất và mất rừng thông qua các hệ thống thâm canh, bằng cách tăng sản lượng mủ bằng vật liệu di truyền được cải thiện, quản lý tàn dư hữu cơ, cải thiện công tác thu hoạch mủ và đa dạng hóa hệ thống sản xuất. Vật liệu di truyền rất quan trọng để đạt được năng suất cao hơn và ổn định. Các nhà chọn tạo giống cây trồng đang cố gắng tạo ra các dòng vô tính mạnh mẽ, cho năng suất cao về cả mủ và gỗ, kháng được các bệnh chính và có thời gian trưởng thành sớm hơn. Chất lượng đất cũng rất quan trọng để duy trì và tăng sản lượng.
Việc để lại một phần hoặc toàn bộ sinh khối cây giữa các hàng trồng có ảnh hưởng tích cực đến chất lượng đất. Những biện pháp cải tiến như vậy làm tăng chất hữu cơ trong đất cũng làm tăng trữ lượng carbon trong đất, góp phần vào tác động giảm thiểu biến đổi khí hậu. Xói mòn đất do mưa xảy ra phổ biến ở các đồn điền cao su, làm giảm lượng carbon hữu cơ trong đất. Việc giữ lại hệ thực vật tự nhiên trong đồn điền cao su làm giảm xói mòn, giảm độ chua, duy trì trữ lượng carbon và tình trạng dinh dưỡng của đất. Việc xen canh hợp lý trong các đồn điền cao su có thể làm tăng trữ lượng carbon mà không làm giảm tốc độ tăng trưởng và năng suất của cao su, duy trì hoặc cải thiện tình trạng màu mỡ của đất và giảm chi phí canh tác.
Tăng cường sử dụng gỗ cao su: Hệ thống cao su tự nhiên có thể góp phần giảm phát thải tổng thể khi gỗ rừng trồng được sử dụng thay thế cho nhiên liệu hóa thạch như than cốc. Gỗ cao su còn được dùng sản xuất đồ nội thất. Việc tăng cường sử dụng gỗ cao su cũng sẽ làm giảm nhu cầu khai thác gỗ rừng, giảm áp lực lên rừng tự nhiên.
Thay thế vật liệu tổng hợp bằng cao su thiên nhiên: Cao su thiên nhiên được dùng để sản xuất lốp xe, các vật liệu chống rung, chống động đất và thiết bị y tế. Nó là chất thay thế xanh hơn cho chất đàn hồi có nguồn gốc từ dầu mỏ (chiếm khoảng 47% thị trường chất đàn hồi toàn cầu vào năm 2020). Cao su tự nhiên có nhiều đặc tính lý tưởng để thay thế nhựa trong dệt may, giày dép và xây dựng. Nhiều nghiên cứu đang được tiến hành để cải thiện các thuộc tính của NR liên quan đến giảm xóc, khả năng chống dầu, độ thấm khí, độ bám ướt và khả năng chống lăn. Các sản phẩm khác đã được nghiên cứu tiền thương mại, bao gồm cao su xốp và keo. Một loại cao su xốp đặc biệt cho thấy đặc tính hấp thụ âm thanh và giảm rung tuyệt vời, và một loại keo gốc nước không độc hại, thân thiện với môi trường và ít mùi hơn. Việc tái sử dụng và tái chế cũng đang đạt được những tiến bộ đáng kể, đặc biệt là đối với lốp xe có thể được tái chế cho các con đường và tòa nhà tạo ra các bể chứa carbon lâu dài.
Cao su tự nhiên và hành động vì khí hậu: Sản xuất cao su thiên nhiên đối với hành động vì khí hậu và phát triển bền vững, cần được các cơ chế và kế hoạch quốc gia và quốc tế công nhận. Với thỏa thuận Paris và các cam kết đóng góp do quốc gia xác định (Nationally Determined Contributions, NDC), người ta đã thừa nhận tốt hơn về sự hiệp lực và đánh đổi giữa giảm thiểu và thích ứng cũng như hiệp lực với phát triển bền vững, mở ra những cách thức bổ sung để tích hợp tốt hơn việc sử dụng đất, đặc biệt trong sản xuất cao su. Hầu hết các quốc gia đã lồng ghép các mục tiêu và biện pháp thực hiện NDC liên quan đến sử dụng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất và lâm nghiệp (Land Use, Land-Use Change and Forestry, LULUCF) bao gồm giảm mất rừng, trồng rừng và quản lý rừng bền vững. Một số trong số họ cũng có các mục tiêu liên quan đến phát triển năng lượng sinh học.
Việc thực hiện các mục tiêu rộng lớn của LULUCF có thể bao gồm các biện pháp liên quan đến cao su, bao gồm cả việc đổi mới rừng trồng. Hơn nữa, việc sửa đổi định kỳ các NDC tạo cơ hội để lồng ghép các mục tiêu liên quan đến cao su một cách rõ ràng. Việc thực hiện NDC ở các nước tiêu thụ có thể bao gồm các biện pháp thúc đẩy việc sử dụng cao su tự nhiên để thay thế các sản phẩm không thể tái tạo, hoặc tăng tuổi thọ của carbon dự trữ trong các sản phẩm cao su – chẳng hạn như trộn cao su lốp mài với nhựa đường để tạo ra mặt đường bền lâu hơn. Ở cấp độ quốc tế, cũng có cơ hội để tiềm năng giảm thiểu biến đổi khí hậu của cao su thiên nhiên được công nhận và đánh giá cao hơn.
Kết luận
Hệ thống cao su tự nhiên có tiềm năng đáng kể trong việc tăng cường đóng góp vào việc giảm thiểu biến đổi khí hậu. Nó bao gồm bản thân cây cao su như một bể chứa carbon, quản lý tốt hơn việc sử dụng đất và thay đổi mục đích sử dụng đất; cải tiến thực hành quản lý để tăng năng suất và carbon của đất, cũng như tăng cường sử dụng gỗ cao su và cao su tự nhiên để thay thế cho các vật liệu không tái tạo. Việc hiện thực hóa tiềm năng này đòi hỏi phải có nghiên cứu và phát triển, phối hợp hành động trong các cảnh quan và dọc theo chuỗi giá trị, tạo điều kiện cho các chính sách cũng như sự công nhận và hỗ trợ phù hợp ở cấp quốc tế.
Thỏa thuận Paris đã thay đổi sâu sắc cách thức xác định hành động vì khí hậu, đặt trọng tâm vào các NDC, vào các hành động, ưu tiên và cụ thể của quốc gia. Điều này mang lại cơ hội bổ sung cho các lĩnh vực quan trọng quốc gia có ảnh hưởng rộng rãi hơn trong việc xác định, thực hiện và sửa đổi NDC. Cao su tự nhiên rõ ràng là trường hợp cụ thể trong phạm vi các nước sản xuất, ở các khu vực truyền thống và phi truyền thống đối với cao su. Những năm gần đây người ta ngày càng chú trọng đến vai trò của khu vực tư nhân trong hành động vì khí hậu, với tầm quan trọng hơn là các sáng kiến của các bên khác ngoài chính phủ. Điều này tạo ra cơ hội đáng kể để tăng cường khả năng hiện diện và hội nhập của cao su trong các cuộc đàm phán quốc tế và cơ chế tài chính. Ngành cao su có thể huy động hành động với các cơ chế hợp tác được tổ chức tốt giữa các quốc gia và với khu vực tư nhân thông qua IRSG và giữa các tổ chức nghiên cứu thông qua IRRDB.
Cam kết đóng góp do quốc gia xác định (Nationally Determined Contribution, NDC) là kế hoạch hành động về khí hậu của mỗi quốc gia nhằm cắt giảm lượng khí thải và thích ứng với các tác động của khí hậu. Các cam kết này đã được các nước đồng ý trong “Thỏa thuận Paris”. Mỗi bên tham gia được yêu cầu thiết lập NDC và cập nhật NDC 5 năm một lần.
Thỏa thuận Paris (Paris Agreement) là một thỏa thuận tại Hội nghị về Biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc 2015 trong khuôn khổ của Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) chi phối các biện pháp giảm carbon dioxide từ năm 2020. Thỏa thuận này đã được đàm phán trong Hội nghị lần thứ 21 về Biến đổi khí hậu của các Bên (COP) và được thông qua ngày 12 tháng 12 năm 2015. Với các mục tiêu dài hạn để hướng dẫn tất cả các quốc gia: giảm đáng kể lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu để hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu trong thế kỷ này ở mức 20C trong khi theo đuổi các nỗ lực hạn chế mức tăng hơn nữa ở mức 1,50C; đánh giá quá trình thực hiện cam kết đóng góp của các quốc gia (NDC) 5 năm một lần; cung cấp tài chính cho các nước đang phát triển để giảm thiểu biến đổi khí hậu, tăng cường khả năng phục hồi và nâng cao khả năng thích ứng với các tác động của khí hậu. (Lược dịch từ báo cáo “Natural rubber contributions to mitigation of climate change” do IRSG tổng hợp từ các báo cáo trong hội thảo trực tuyến về hệ thống cao su tự nhiên và biến đổi khí hậu vào ngày 23–25 tháng 6 năm 2020. Báo cáo này sẽ được trình bày tại Đại hội Lâm nghiệp Thế giới lần thứ 15 (The XV World Forestry Congress) tổ chức vào tháng5/2022 tại Seoul, Hàn Quốc).
NGUYỄN ANH NGHĨA
(VIỆN NGHIÊN CỨU CAO SU VIỆT NAM)
Related posts:
- Để vườn cây chất lượng tốt, năng suất cao
- Nhìn lại 2020 hướng tới 2021 - 2025
- "VRG quyết liệt thực hiện các giải pháp để tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh"
- Lô cao su có năng suất trên 2 tấn/ha trong năm đầu mở cạo
- Người tổ trưởng Công đoàn tận tâm, nhiệt huyết với công việc
- Nuôi ong lấy mật ở Cao su Sơn La
- Lễ kỷ niệm 94 năm truyền thống ngành cao su
- Gỗ Thuận An đẩy mạnh bán hàng qua kênh thương mại điện tử
- Cao su Lai Châu: Thu nhập người lao động đạt 6,3 triệu đồng/người/tháng
- Cao su Chư Mom Ray: Kết hợp 3 giải pháp để duy trì năng suất cao