Vượt Covid, ngành gỗ thắng lợi

CSVN – Đại dịch Covid-19 tác động không nhỏ nhưng năm 2021 các đơn vị chế biến gỗ trực thuộc VRG đã đạt được những con số khá ấn tượng với tổng doanh thu ước tính trên 7.100 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 780 tỷ đồng.

Công nhân Gỗ Thuận An tăng cường sản xuất thời điểm “3 tại chỗ”. Ảnh: Vũ Phong
Áp dụng linh hoạt công tác phòng chống dịch

Có thể khẳng định, đây là năm các đơn vị chế biến gỗ trực thuộc VRG đã có sự nỗ lực vượt bậc hoàn thành cơ bản mục tiêu kép. Đối với Công ty CP Gỗ MDF VRG – Kiên Giang, để thích ứng với trạng thái “bình thường mới”, công ty đã triển khai công tác sản xuất đi đôi với phòng chống dịch, đề ra nhiều giải pháp, phương án thích ứng linh hoạt phù hợp với môi trường làm việc tại đơn vị. Tùy theo tính đặc thù của từng công việc, phân vùng nguy cơ nơi ở tại địa phương cũng như vị trí của người lao động.

Ông Lê Thanh Phương – Phó Phòng KHVT-XDCB phân tích, các phương án phòng chống dịch luôn tạo ra “3 lớp phòng thủ” chống Covid-19. Nhận thức được sự tác động tiêu cực mà đại dịch Covid – 19 gây ra, Công ty CP Gỗ MDF VRG – Quảng Trị đã xây dựng kế hoạch chi tiết nhằm giảm thiểu thiệt hại. Bên cạnh việc yêu cầu toàn thể NLĐ thực hiện nghiêm các chỉ thị, quy định về công tác phòng chống dịch của Chính phủ, UBND tỉnh Quảng Trị và VRG. Riêng đối với lái xe vận chuyển thành phẩm, nhập hàng hóa, khách hàng vào công ty phải có phiếu test Covid còn hiệu lực, đo thân nhiệt, ghi chép đầy đủ thông tin và quyét mã QR.

Ngoài ra, các trưởng bộ phận thực hiện báo cáo hàng ngày về thông tin của NLĐ mình phụ trách để bố trí lao động khác tăng ca bù vào lao động thiếu hụt nếu có nhiều trường hợp phải đi cách ly. Đồng thời bố trí thay phiên nhau nghỉ bù nhưng vẫn đảm bảo lao động tối thiểu để vận hành sản xuất.

Nằm trong tâm của đại dịch Covid – 19, Công ty CP chế biến gỗ Thuận An phải gánh chịu sự tổn thất nặng nề. Tại Xí nghiệp Tinh chế Trung tâm, dây chuyền sản xuất phải ngưng hoạt động hoàn toàn 2 tháng. Trước đó, toàn công ty phải làm việc 3 tại chỗ. Điều này không chỉ ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện sản lượng mà kéo theo đó chi phí phát sinh quá cao đã làm giảm doanh thu, lợi nhuận của Gỗ Thuận An.

Bà Lê Thị Xuyến – TGĐ công ty cho biết: “Để thực hiện nhiệm vụ kép, vừa sản xuất, vừa chống dịch, từ giữa tháng 7, chúng tôi đã triển khai phương án 3 tại chỗ. Đây là biện pháp hữu hiệu lúc bấy giờ để Gỗ Thuận An không bị đứt gãy chuỗi sản xuất. Và để thực hiện tốt phương án này, chúng tôi đã chuyển đổi một phần diện tích nhà xưởng thành khu vực tạm trú, đồng thời lắp đặt thêm khu vực vệ sinh, đảm bảo phục vụ sinh hoạt cho NLĐ lưu trú tại công ty. Tuy nhiên, trong tháng 9 và 10, toàn bộ hoạt động sản xuất tại Xí nghiệp Tinh chế Trung tâm phải dừng lại vì dịch bùng phát quá mạnh buộc tỉnh Bình Dương phải dùng biện pháp khóa chặt và đông cứng trên địa bàn đơn vị trú đóng”.

Công nhân kỹ thuật Gỗ MDF VRG- Kiên Giang tuân thủ 5K trong điều hành sản xuất. Ảnh: Vũ Phong
Mở rộng thị trường tiêu thụ

Trong quý III, đại dịch đã ảnh hưởng trực tiếp đến đầu ra của sản phẩm. Đối với Gỗ MDF VRG – Quảng Trị, trong hệ thống 38 khách hàng nội địa thì có đến 36 khách hàng nằm trong vùng đỏ. Song, nhờ xây dựng các kịch bản ứng phó từ trước nên đơn vị này đã chủ động thực hiện giải pháp tăng cường lượng hàng xuất khẩu, trong đó đẩy mạnh đàm phán với khách hàng truyền thống, đồng thời tìm kiếm thị trường mới gần hơn nhằm giảm chi phí vận chuyển, đảm bảo lợi nhuận, cụ thể là thị trường Hàn Quốc… Chính vì vậy, sản phẩm của công ty vẫn tiêu thụ tốt.

Là đơn vị đi sau trong lĩnh vực chế biến gỗ MDF, nhưng đây cũng là năm mà Công ty CP Gỗ MDF VRG – Kiên Giang đã chứng minh được chất lượng sản phẩm của mình trên thị trường. Các chủng loại ván ép có thế mạnh như: HMR E2, MMR E2, MDF Carb… đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu qua thị trường khó tính như Nhật Bản và các nước Châu Âu.

Ông Dương Tấn Thanh- Phó TGĐ công ty cho biết: “Ngoài việc không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến công tác chăm sóc khách hàng, đảm bảo đơn hàng ổn định, không tăng giá, giao đúng hẹn và thanh toán linh hoạt… Vì thế MDF VRG – Kiên Giang luôn giữ chân được khách hàng lớn. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, công ty sản xuất đến đâu, tiêu thụ đến đó, không có sản phẩm tồn kho”.

Đánh giá về hiệu quả của các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực chế biến gỗ, Phó TGĐ VRG Trương Minh Trung cho biết, tính đến nay, VRG có 15 công ty chế biến gỗ thành viên với 17 nhà máy sản xuất và 1 nhà máy thuê để sản xuất có tổng công suất thiết kế trên 1,065 triệu m3/năm.

“Trong năm 2021, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn ra hết sức phức tạp, làm ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động SXKD của nhiều đơn vị thành viên, nhưng với sự nỗ lực của mình, các đơn vị đã cơ bản hoàn thành kế hoạch Tập đoàn giao, với tổng sản lượng sản xuất dự kiến hơn 1,26 triệu m3; tổng doanh thu trên 7.100 tỷ đồng. Trong năm ghi nhận 14/16 đơn vị tiếp tục có lãi với lợi nhuận dự kiến hơn 780 tỷ đồng”, ông Trương Minh Trung nhấn mạnh.

Cũng theo ông Trương Minh Trung, dự báo năm 2022 vẫn còn những khó khăn do tình hình dịch Covid-19 diễn biến khó lường, các đơn vị phải chủ động nhận diện những khó khăn vướng mắc hiện có, cũng như đánh giá những thế mạnh, cơ hội tiềm năng để xây dựng kế hoạch SXKD đảm bảo sản xuất tốt, liên kết phối hợp sản xuất giữa các công ty thành viên, tiếp tục thực hiện các giải pháp linh hoạt và hiệu quả trong sản xuất, hỗ trợ nguyên liệu cho sản xuất …

NG. CƯỜNG – VŨ PHONG