Dù ai xuôi ngược bốn bề
Chưa đến Ông Hổ chưa về An Giang
Thực tình tôi chưa được đến mảnh đất Cù Lao nổi tiếng hiền hòa này, hôm mấy anh em hưu trí gặp nhau và thống nhất “lên tour” miền Tây ghé Cù lao Ông Hổ, anh Trần Ngọc Thành – nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Cao su VN hứa sẽ là “chủ xị” trong cuộc gặp mặt tại Đồng Tháp quê anh, và cùng đoàn sẽ khám phá nét đặc sắc, thú vị của Cù lao Ông Hổ.
Dịch Covid – 19 đã làm tiêu tan những dự định, nhưng qua điện thoại chúng tôi vẫn tiếp tục sẽ thực hiện chuyến đi khi điều kiện cho phép trong thời gian gần nhất.
Qua lời kể của những người đã từng đến Cù lao Ông Hổ, càng làm thôi thúc trong tôi muốn đến khám phá thêm về mảnh đất này.
Mấy trăm năm trước đất cù lao này là vùng rừng cây xanh tốt, rất nhiều muông thú sinh sống, khi người Việt khai phá, phần thì chúng bỏ cù lao về phía núi sinh sống phần bị người dân săn bắt. Đây là vùng đất bồi phù sa nên canh tác nông nghiệp rất tốt cộng với nghề chài lưới quanh năm, cuộc sống thanh bình, phóng khoáng. Để có địa danh Cù lao Ông Hổ, xin được kể có thể có người còn chưa biết.
Ấy là chuyện hai vợ chồng ông Năm Vạn, nhà nghèo không con, làm nghề thả lưới ven sông, trong khi cùng bà thu lưới thì thấy đám lục bình trong đó có một con mèo đang cố bám vào. Ông thấy tội nghiệp con mèo lạnh ướt, vội vớt lên, hóa ra đó lại là một con cọp con. Bà khuyên ông nên thả về rừng, nhưng ông Năm nhất quyết đem nó về nhà nuôi với mong muốn dù là thú dữ nhưng nuôi dạy đàng hoàng thì nó cũng sẽ sống chung với mình.
Ngày tháng cọp con lớn lên quanh quẩn trong căn nhà lá đơn sơ của ông bà. Để dạy nó, ông Năm sắm một cái roi nhỏ bằng ngón tay, khi nó hung hăng gầm gừ hoặc là đuổi gà rượt chó là ông lấy roi ra, nhẹ thì rầy, nặng thì ông đánh, sau nhiều lần nó được thuần hóa và biết nghe lời ông.
Những năm 20 của thế kỷ 19, một trận dịch tả tràn qua và ông bà Năm cũng chết trong trận dịch này. Dân làng Cù lao chôn ông bà cạnh nhau, hổ con cô đơn buồn bã, nó cứ quanh quẩn vào ra từ căn nhà lá đến 2 nấm mồ của ông bà Năm mà chẳng chịu đi đâu. Dân làng thấy vậy cũng thương nhưng sợ nó chẳng ai dám tới gần, họ mang thức ăn đứng từ xa quăng vào cho nó.
Một hôm tối trời, cơn giông lớn ập vào Cù lao, căn nhà lá của ông Năm sập tan tành, đến sáng nhiều người đến thì không thấy cọp con đâu, ai cũng bảo vậy là nó đã vượt sông về vùng Bảy Núi rồi.
Năm sau thấy có dấu chân cọp trở về đất Cù lao, mọi người hoảng sợ tập hợp trai tráng buổi tối thay nhau canh chừng, và họ thấy con cọp về nhưng chỉ nằm hoặc ngồi quanh quẩn khu mộ và căn nhà của ông bà Năm, có người còn thấy rõ đó là con cọp cụt đuôi (con cọp ngày trước ông bà Năm vớt về nuôi năm nào).
Từ đó dân làng không khua chiêng gõ mõ đuổi nó nữa, hàng năm cứ vào dịp giỗ đợt dịch tả thì con cọp lại về, có năm nó tha con heo rừng, có năm thì con nai về đặt trên mộ ông Năm. Vì vậy dân cù lao không gọi là con hổ nữa mà gọi là Ông Hổ vì nó hiếu nghĩa chẳng khác con người.
Mấy chục năm sau, người dân cù lao phát hiện xác con hổ cụt đuôi chết đuối dạt vào, họ chôn xác con hổ cạnh mộ ông bà Năm, lập miếu thờ và cũng từ đó Cù lao Ông Hổ trở thành địa danh nổi tiếng của mảnh đất này, mặc dù địa danh hành chính là xã Mỹ Hòa Hưng, thuộc thành phố Long Xuyên.
Cuộc sống bình thường mới, cánh hưu trí chúng tôi vẫn hẹn nhau chờ ổn sẽ thực hiện chuyến đi đầu tiên cùng anh Ba Thành về miền Tây đến Cù lao Ông Hổ – vùng đất cây xanh trái ngọt, chất hiền hòa – hào sảng – lịch thiệp chân chất của con người nơi đây và cũng là dịp hành hương về quê hương của cố Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng – nhà cách mạng kiên trung, người con ưu tú của dân tộc.
MINH ANH
Related posts:
- “Báo, đài” cao su
- "Tiếng hát CN Cao su 2015": Phong phú đời sống tinh thần người lao động
- 239 trại sinh tham gia trại hè tại Đà Lạt
- Hội thao là sân chơi thực chất của người lao động VRG
- Trường Cao đẳng Công nghiệp Cao su: Sẵn sàng cho mùa tuyển sinh 2018
- Xứng danh phụ nữ "Giỏi việc nước, đảm việc nhà"
- Thương lắm mùi cao su của mẹ
- Cao su Dầu Tiếng nhất toàn đoàn Hội thao Khu vực V
- Thi tìm hiểu 40 năm giải phóng miền Nam
- Ngày hè của con em công nhân cao su