Trồng xen: Phát huy hiệu quả các loại cây trên cùng diện tích

CSVN – Với chủ trương trồng nhiều loại cây trên cùng một diện tích, các đơn vị ở Tây Nguyên đã giải quyết được bài toán trong việc quản lý suất đầu tư, nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm nhiều năm qua.

Mô hình tiêu biểu trong việc trồng xen nhiều loại cây trên cùng một diện tích tại Cao su Krông Buk
Phát triển cộng sinh

Sau khi có chủ trương trồng xen trong cao su tái canh năm 2015, các công ty trên địa bàn Tây Nguyên bắt đầu tổ chức liên kết, giao khoán với các doanh nghiệp và NLĐ tiến hành trồng xen một số loại cây. Các cây trồng được chia làm 2 loại là cây công nghiệp và cây ngắn ngày, cây công nghiệp bao gồm cà phê và hồ tiêu (loại này được trồng số lượng ít tại Cao su Chư Sê), trong khi đó cây ngắn ngày được nhiều NLĐ và các hộ gia đình chọn trồng xen là khoai lang, hoa màu và dược liệu.

Ông Nguyễn Văn Hiền – TGĐ Cao su Krông Buk cho hay: “Trong giai đoạn vừa qua, với giá bán mủ cao su thấp việc tìm nguồn chi phí để giảm áp lực về suất đầu tư cho tái canh trồng mới chu kỳ 2 là một vấn đề cấp thiết đối với mỗi đơn vị. Chính vì thế, công ty đã chọn phương án trồng xen cây cà phê cùng đồng hành với cây cao su tái canh hàng năm đối với diện tích thuận lợi về nguồn nước, khí hậu, thổ nhưỡng để nâng cao hiệu quả sử dụng đất”.

Nhiều thiết kế giãn hàng cao su đã được thực hiện, từ mật độ 413 cây/ha cho đến 555 cây/ha với nhiều hình thức khác nhau như 15x5x2m, 15x6x2,2m đến 21x6x2m hay 27×5,5x2m….dù với thiết kế nào, các đơn vị vẫn thực hiện đúng yêu cầu về mật độ cây cao su/ha theo quy định của Ban QLKT VRG.

Qua 5 năm triển khai, các đơn vị đều có những đánh giá, nhận xét và so sánh sự sinh trưởng của cây cao su trồng thuần với cây cao su có trồng xen. Từ số liệu của các công ty cho thấy, nhìn chung sự sinh trưởng vòng vanh của cao su chưa có sự khác biệt rõ ràng, thậm chí ở một số nơi cây cao su có trồng xen còn tăng trưởng tốt hơn so với trồng thuần, điển hình số liệu so sánh tại Cao su Krông Buk trong 2 năm 2018 và 2019 giữa vườn cây trồng xen và không trồng xen. Năm 2018, mức tăng vanh bình quân của cao su trồng thuần là 8,2cm trong khi cao su trồng xen là 8,3cm còn cao su trồng thuần năm 2019 có mức tăng vanh là 5,9cm, trong khi đó vườn cao su trồng xen có mức tăng là 6,5cm.

Theo ông Bùi Duy Đốc – Phó TGĐ Cao su Chư Sê, những diện tích trồng xen được tưới nước, bón phân thường xuyên cho các loại cây ngắn, dài ngày, vì thế cây cao su cũng được hưởng lợi. Qua tổng kết, một số mô hình xen canh như: cà phê, keo lai tại một số hộ nhận khoán cho thấy, cây cao su trên diện tích này phát triển tốt hơn.

Còn bà Phạm Thị Lanh – Trưởng Phòng Kỹ thuật nông nghiệp Cao su Mang Yang cho biết: “Việc trồng xen các loại cây hoa màu đã góp phần cải tạo đất, giúp cho cây sinh trưởng tốt hơn do cây cao su cũng được hưởng lợi từ nguồn phân bón và nước tưới trong mùa khô. Mặt khác, một số hạng mục chăm sóc vườn cây KTCB không cần phải thực hiện như làm cỏ, phát dọn, chống cháy, không phải trồng thảm phủ…”.

Rõ ràng, việc trồng xen các loại cây trồng khác trong vườn cao su không những làm gia tăng giá trị sử dụng đất, mà còn làm nền đất cao su có dinh dưỡng phong phú, nguồn nước tưới dồi dào, cây cao su phát triển tốt hơn so với chỉ trồng chuyên canh cao su. Không những thế, các loại cây trồng khác trên vườn cao su tái canh đều mang lại giá trị kinh tế cho các doanh nghiệp hoặc hộ gia đình nhận liên kết, nhận khoán.

Hiệu quả trong lợi ích kép từ việc trồng xen, trong đó không ít hộ gia đình là NLĐ của nhiều công ty đã nâng cao được thu nhập, ổn định cuộc sống và yên tâm gắn bó với vườn cây, với đơn vị. Đồng thời, giúp các công ty trụ vững trong hoạt động sản xuất kinh doanh nhiều năm qua khi giá mủ luôn ở mức thấp và đảm bảo việc làm, thu nhập cho NLĐ.  

Nâng cao giá trị kinh tế trên từng hecta

Hiện nay, suất đầu tư/ha cao su KTCB tại khu vực Tây Nguyên dao động từ 58,4 – 62,3 triệu đồng/ha tùy theo hạng đất. Theo tính toán của lãnh đạo Cao su Krông Buk, mỗi ha cao su trồng thuần là 62,3 triệu đồng/ha, trong khi với cao su trồng xen là 53,2 triệu đồng/ha. Như vậy, mỗi ha cao su trồng xen cà phê thì suất đầu tư thấp hơn khoảng 9 triệu đồng so với cao su trồng thuần.

Trong khi đó, theo đại diện Phòng Nông nghiệp kỹ thuật Cao su Chư Prông thì, tiền công cho 1ha cao su trồng thuần trong 7 năm KTCB trên 20,9 triệu đồng, còn 1ha cao su có trồng xen chỉ mất hơn 12,1 triệu đồng.

Hiện toàn Tây Nguyên có hơn 10 công ty trồng và chăm sóc cao su thuộc VRG, nhưng chỉ có một số công ty tiến hành trồng xen do đến thời kỳ thanh lý để tái canh chu kỳ thứ 2, chủ yếu tập trung vào các công ty trên địa bàn Gia Lai và Đắk Lắk như Cao su Krông Buk trồng xen 987,4 ha cà phê, Cao su Chư Sê trên 2.555 ha gồm cả cây ngắn ngày và dài ngày, chiếm 47,6% tổng diện tích, Cao su Chư Păh hơn 600 ha, Cao su Mang Yang trên 1.000 ha…

Với lượng diện tích khá lớn khi thực hiện việc liên kết trồng xen, ông Trương Minh Tiến – TGĐ Cao su Mang Yang cho biết, riêng năm 2019 giá trị thu về trên 1 tỷ đồng từ nguồn xen canh để phục vụ cho công tác chăm sóc vườn cây KTCB.

Trong khi đó, với 47,65% diện tích trồng xen canh từ năm 2015 đến nay, Cao su Chư Sê đã thu về tổng số tiền trên 24,4 tỷ đồng, riêng năm 2020 thu được hơn 8,64 tỷ đồng chủ yếu từ các loại cây trồng dài ngày như cà phê, hồ tiêu 1.018 ha, cây ăn trái 693 ha, cây ngắn ngày 730 ha…

Trước hiệu quả kép của việc trồng xen, các công ty không chỉ chủ trương trồng xen canh các loại cây truyền thống phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của vùng đất đỏ Tây Nguyên mà hiện đang tiến hành liên kết, liên doanh triển khai trồng xen với việc ứng dụng công nghệ cao để trồng chuối xuất khẩu, cây dược liệu và trồng dâu nuôi tằm.

VĂN VĨNH