CSVN – Trước những dự báo năm 2022 vẫn còn nhiều thách thức, ông Nguyễn Tiến Đức – Nguyên Phó TGĐ Thường trực VRG đề nghị các đơn vị tại Lào cần chủ động trong các lĩnh vực khai thác, chế biến, tiêu thụ để tiếp tục đạt được kết quả tốt trong năm 2022.
– Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về kết quả hoạt động của các đơn vị thành viên trực thuộc VRG tại Lào?
Ông Nguyễn Tiến Đức: Trong năm 2021 là một năm khó khăn của VRG nói chung và các công ty khu vực Lào nói riêng, do tình hình dịch bệnh Covid – 19 buộc nhiều quốc gia phải thực hiện các biện pháp phong tỏa, hạn chế đi lại, ảnh hưởng giao thương, ảnh hưởng đến lao động, phương án sản xuất, vận chuyển hàng hóa. Với những khó khăn trên nhưng các đơn vị khu vực Lào vẫn đảm bảo về mặt sản lượng khai thác, doanh thu, lợi nhuận và tiền lương cho NLĐ.
Thực hiện chỉ đạo các cấp về việc hoàn thành cao nhất mục tiêu kép, các đơn vị đã thực hiện đúng chủ trương, quy định về phòng chống dịch. Đảm bảo sức khỏe cho NLĐ và tổ chức sản xuất an toàn, tăng cường công tác tuyên truyền NLĐ và gia thuộc không hoang mang trước đại dịch, nâng cao ý thức phòng chống dịch. Có thể nói các đơn vị đã lên nhiều phương án tổ chức sản xuất để khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp thì ứng phó kịp thời. Song song đó, việc tiêm vaccine phòng ngừa Covid – 19 cho NLĐ cũng được các đơn vị chú trọng triển khai sớm, tạo sự yên tâm, gắn bó với công việc ở NLĐ. Toàn khu vực Lào đã có 4.728 NLĐ (đạt hơn 87%/tổng số lao động) được tiêm vaccine, trong đó lao động người Việt đã tiêm là 619 người, lao động người Lào đã tiêm là 4.109 người. Số lao động còn lại do bị bệnh nền và nghỉ thai sản nên chưa tiêm vaccine.
Nhờ hoạt động phòng chống dịch Covid – 19 đạt hiệu quả tốt, do đó tình hình SXKD ổn định. Năm 2021, tổng sản lượng khai thác của khu vực này đạt 36.000 tấn, chế biến 40.100 tấn, tiêu thụ 40.000 tấn. Ngay từ đầu năm, giá bán mủ cao su có dấu hiệu khởi sắc, các đơn vị đã tranh thủ thời điểm giá tốt để bán mủ, nhờ đó doanh thu năm 2021 đạt 1.140 tỷ đồng (vượt 5% kế hoạch), lợi nhuận đạt 379 tỷ đồng. Thu nhập bình quân NLĐ trên 7 triệu đồng/người/tháng. Lãnh đạo VRG ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của các đơn vị đã vượt qua khó khăn, thách thức để chung tay thực hiện hoạt động SXKD có hiệu quả. Đặc biệt xin cảm ơn NLĐ đã đồng hành, gắn bó cùng đơn vị, ra sức thi đua trong lao động sản xuất để các đơn vị hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.
Tết đến Xuân về, ai cũng mong muốn một cái Tết sum vầy bên gia đình và người thân, anh chị em người Việt làm việc tại Lào cũng không ngoại lệ. VRG ghi nhận những đóng góp của các cán bộ công nhân viên công tác xa xứ. Nhiều người thời gian dài chưa về thăm gia đình mà vì sự nghiệp phát triển chung của đơn vị ở lại tiếp tục cống hiến cho đơn vị, cho ngành cao su. Các đơn vị cũng chủ động sắp xếp, luân phiên cho cán bộ về quê thăm gia đình, có chính sách phù hợp động viên các lao động ở lại tiếp tục công tác. Nhân đây tôi kính chúc các anh chị em công tác tại Lào và gia đình nhiều sức khỏe, an khang – thịnh vượng, giữ vững niềm tin vào đơn vị, tiếp tục cùng công ty phát triển hơn nữa sự nghiệp phát triển cao su tại nước bạn Lào.
– Theo ông, các đơn vị khu vực Lào phải tập trung vào những yếu tố nào để hoạt động SXKD năm 2022 tiếp tục có hiệu quả?
Ông Nguyễn Tiến Đức: Các đơn vị khu vực Lào được dự đoán trong năm tới sẽ vẫn phải tiếp tục đối mặt với tình hình phức tạp của diễn biến dịch bệnh Covid – 19. Do đó, các đơn vị cần năng động trong thực hiện nhiệm vụ, cần phải lưu ý một số vấn đề sau:
Về lĩnh vực nông nghiệp: Các đơn vị phải làm tốt công tác chăm sóc vườn cây, chuẩn bị công tác phòng chống cháy an toàn cho vườn cây, phòng trị bệnh kịp thời. Tiếp tục chăm sóc vườn cây KTCB và tái canh trồng mới sinh trưởng và phát triển tốt. Tập trung đầu tư thâm canh vườn cây, ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất.
Đảm bảo khai thác mủ đúng quy trình kỹ thuật, đúng tiềm năng vườn cây. Công tác chuẩn bị đầu mùa cạo cần có kế hoạch cụ thể, hoàn tất trước thời điểm cạo xả miệng cạo; Linh động và ổn định nhịp độ cạo ngay từ đầu năm, nếu mở cạo rải vụ để điều tiết lao động thì chậm nhất là vào tháng 8. Thực hiện nghiêm túc quy định về sử dụng thuốc kích thích mủ, bám sát theo quy trình kỹ thuật năm 2020 và các văn bản chỉ đạo của VRG đã ban hành trước đây.
Về lĩnh vực chế biến: Chủ động về vật tư, hóa chất, công cụ dụng cụ, điện, nước và phương tiện vận chuyển… để đảm bảo mủ khai thác đến đâu chế biến kịp thời đến đó không bị tồn đọng. Tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá và quản lý hiệu quả chất lượng sản phẩm mủ các loại, đạt chất lượng theo tiêu chuẩn quy định, hạn chế mủ hạ phẩm cấp, ngoại hạng. Làm tốt công tác vệ sinh công nghiệp, xử lý nước thải đạt yêu cầu, gìn giữ môi trường trong sạch và sắp xếp bảo quản tốt sản phẩm không để hư hỏng xuống cấp.
Đối với công tác tiêu thụ cần tăng cường xúc tiến tiêu thụ, quan hệ tốt với khách hàng truyền thống, tìm kiếm thêm nhiều khách hàng tiềm năng nhất là khách hàng ở khu vực. Giá bán phấn đấu bằng hoặc cao hơn giá VRG quy định để đảm bảo kế hoạch doanh thu, chi phí và lợi nhuận.
Về lao động, tiền lương: Trên cơ sở kế hoạch lao động được VRG thỏa thuận, các công ty cần quản lý tốt lực lượng lao động trực tiếp, chủ động thu tuyển lao động, tránh tình trạng thiếu hụt lao động cạo mủ. Đảm bảo thu nhập và đời sống tinh thần cho NLĐ yên tâm công tác, gắn bó lâu dài với công ty. Đây cũng là yếu tố quan trọng nhằm đảm bảo cho đơn vị hoàn thành tốt kế hoạch sản lượng hàng năm.
– Xin trân trọng cảm ơn những chia sẻ của ông!
QUỲNH MAI (thực hiện)
Related posts:
- Các khu công nghiệp VRG: Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp phòng chống dịch, sản xuất tốt
- 236 cán bộ VRG tham gia Hội nghị tập huấn công tác pháp chế doanh nghiệp
- Trao sổ hưu cho nguyên Phó TGĐ VRG Trần Thoại
- Ea Wy quyết tâm về đích trước thời hạn
- Thành lập trung đội tự vệ Cao su Hàm Rồng
- Tiến Nông Gia Lai tiếp sức cho nông dân trồng chanh dây
- Cao su Điện Biên quan tâm nâng cao đời sống người lao động
- VRG linh hoạt vượt khó để hoàn thành kế hoạch năm 2023
- Cao su Chư Păh chung tay xây dựng nông thôn mới
- Cao su Quảng Nam thực hiện tốt quy chế phối hợp với công an tỉnh