“Thị trường cao su năm 2022 trở đi tương đối thuận lợi”

CSVN – Nhân dịp Xuân Nhâm Dần 2022, ông Trần Thanh Phụng – Phó TGĐ VRG đã chia sẻ với Tạp chí Cao su Việt Nam về công tác tiêu thụ cao su của các đơn vị thành viên VRG trong năm 2021 và dự báo thị trường tiêu thụ cao su trong năm 2022 và những năm tiếp theo.

Ông Trần Thanh Phụng – Phó TGĐ VRG

Thưa ông, ông nhận xét như thế nào về công tác tiêu thụ cao su của các đơn vị thành viên VRG trong năm 2021, khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp?

Ông Trần Thanh Phụng: Trước hết nói về tình hình thị trường cao su năm 2021 diễn biến trong bối cảnh thế giới đón nhận đợt dịch thứ ba và thứ tư, công tác tiêu thụ hàng hóa nói chung bị ảnh hưởng nhất định, nhất là tình hình thiếu hụt container và chi phí vận tải tăng cao tác động rất lớn đến công tác xuất khẩu và gây áp lực lên giá cao su. Tuy nhiên, các quốc gia trên thế giới đã dần dần thích nghi trong điều kiện bình thường mới nên sản xuất đã có sự phục hồi. Trong khi đó, nguồn cung cao su thế giới do tác động của dịch bệnh Covid, bệnh rụng lá và thời tiết không thuận lợi ở các quốc gia sản xuất cao su lớn đã làm cho nguồn cung tăng chậm hơn nhu cầu khiến cho yếu tố cung cầu cao su năm 2021 tương đối cân bằng. Bên cạnh đó, các yếu tố cơ bản khác như giá dầu trong năm 2021 đang tăng với mức giá từ 60 – 80USD/thùng cũng hỗ trợ cho giá cao su. Tuy vậy, diễn biến thị trường giá cả cao su trong năm 2021 không theo một xu hướng nhất định. Giá cả thị trường cao su trong năm tạo thành những đợt sóng khá lớn. Chẳng hạn, giá cao su đã giảm sâu và kéo dài trong các tháng 9 và tháng 10. Tuy nhiên, thị trường cao su trong năm 2021 xét về giá cả trung bình cả năm đã tăng khoảng 27% so với năm 2020.

Trong điều kiện diễn biến thị trường như vậy, các công ty thành viên VRG đã chủ động hơn trong việc tuân thủ chủ trương của lãnh đạo Tập đoàn là sản xuất đến đâu, tiêu thụ đến đó. Để làm được điều này, lãnh đạo Tập đoàn chú trọng đầu tư hơn trong công tác đánh giá, phân tích và dự báo thị trường hàng tuần để làm cơ sở cho việc ban hành giá sàn một cách linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tiêu thụ của các đơn vị, cũng như chủ động điều tiết mức tồn kho hợp lý. Ước tính năm 2021, toàn Tập đoàn sẽ tiêu thụ trên 450 nghìn tấn cao su, trong đó gần 50% là hợp đồng dài hạn. Giá bán bình quân đạt được cao hơn 27% so với năm 2020. Nói chung, công tác tiêu thụ năm 2021 của toàn Tập đoàn sẽ hoàn thành vượt mức kế hoạch năm 2021 về số lượng và doanh thu.

Ông đánh giá như thế nào về thị trường tiêu thụ cao su năm 2022?

Ông Trần Thanh Phụng: Giao dịch thị trường cao su hiện nay không giống như thời kỳ giao dịch truyền thống, giá cả chủ yếu chịu sự ảnh hưởng của yếu tố cung cầu. Giá cả giao dịch hiện nay chịu rất nhiều sự tác động khác, thậm chí chịu tác động bởi yếu tố không lường trước, chẳng hạn như dịch bệnh Covid, những yếu tố không thuộc lĩnh vực cao su như các biến động địa chính trị, xu hướng của dòng vốn đầu tư, tỷ giá các đồng tiền giao dịch cao su như USD, NDT hay Yên Nhật… Do đó, để đánh giá và dự báo thị trường là một việc khó khăn và có tính chất tương đối.

Tuy nhiên, nếu chỉ dựa trên hai yếu tố cơ bản nhất là cung cầu và giá dầu thì cả hai yếu tố này sẽ hỗ trợ tốt cho giá cao su trong năm 2022 và những năm tiếp theo.

Về cung cầu: Theo Hiệp hội các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC), thị trường cao su thiên nhiên đang ở ngưỡng thâm hụt trong một thời gian dài có thể kéo dài đến năm 2031 do khoảng cách cung và cầu ngày càng lớn. Đây chắc chắn là một tin tốt cho những người trồng cao su.

Năm 2023 dự kiến sẽ chứng kiến nguồn cung cao su toàn cầu thiếu hụt ngày càng gia tăng trong những năm tiếp theo cho đến năm 2028. Dự báo này đã được thực hiện trên cơ sở đánh giá xu hướng trồng và khả năng mở rộng diện tích cao su trưởng thành ở các quốc gia sản xuất cao su.

Ngành cao su thiên nhiên đã thoát ra thời kỳ kéo dài nguồn cung dư thừa dẫn đến một thời gian dài khủng hoảng. Năm 2022, mặc dù diện tích cao su trưởng thành toàn cầu dự kiến sẽ mở rộng thêm gần 250.000 ha nhưng sự gia tăng sản lượng do đó có thể được hấp thụ bởi nhu cầu toàn cầu mạnh mẽ.

Nhu cầu tiêu thụ cao su toàn cầu phục hồi mạnh.

Về giá dầu: Giá dầu có mối liên quan mật thiết với giá cao su thiên nhiên bởi sản phẩm cao su nhân tạo có xuất phát từ dầu mỏ. Nếu giá dầu từ mức 60USD/ thùng trở lên thì đây đã là mức giá hỗ trợ cho giá cao su không giảm xuống mức thấp lịch sử trước đây. Trong khi đó, giá dầu hiện nay đã đạt trên dưới 80USD/thùng. Dự báo khả năng giá dầu năm 2022 sẽ xoay quanh mức này.

Tuy nhiên, xu hướng mạnh lên của đồng Dollar có thể có hạn chế nhất định đến giá cao su, ngoài ra diễn biến dịch bệnh toàn cầu vẫn là điều còn quan ngại và không thể dự báo được. Nếu trong điều kiện dịch bệnh được kiểm soát và kinh tế phát triển thời kỳ hậu Covid thì xu hướng thị trường cao su năm 2022 trở đi tương đối thuận lợi, thậm chí là khởi sắc trong điều kiện cung cầu cao su sẽ thiếu hụt từ năm 2023 trở đi.

– Các đơn vị thành viên VRG phải chuẩn bị gì để ứng phó linh hoạt với thị trường tiêu thụ cao su năm 2022, thưa ông?

Ông Trần Thanh Phụng: Thời kỳ khủng hoảng cung cầu cao su và giá cả giảm sâu đến mức lịch sử vừa qua đã đem lại cho những những người kinh doanh trong ngành cao su những kinh nghiệm và bài học quý giá. Trước hết, sự biến động của thị trường nói chung và cao su nói riêng vận động có tính chất chu kỳ. Điều đó, đòi hỏi các bên liên quan trong chuỗi cung ứng cần có những hành động chung để giảm thiểu sự tác động có tính chu kỳ đó và bảo đảm cho sự phát triển bền vững. Các quốc gia sản xuất cao su chủ chốt hiện nay đang nỗ lực thực hiện các hành động này. Đối với những nhà sản xuất và xuất khẩu cao su, việc tham gia vào các hành động chung này là cần thiết. Bên cạnh đó, việc áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng và giá thành sản phẩm cần được tiếp tục. Các công cụ quản trị đạt chứng nhận quốc tế như ISO, FSC, PEFC… cần được duy trì, phổ biến và áp dụng rộng rãi trong các đơn vị thành viên.

Thứ hai, với vai trò là người sản xuất, người mua là rất quan trọng. Mối quan hệ này cần phải được xây dựng, củng cố, phát triển và duy trì một cách lâu dài trên nền tảng hợp tác hỗ trợ nhau và trên cơ sở lợi ích chung được chia sẻ.

Thứ ba, công tác nắm bắt thông tin, đánh giá, phân tích và dự báo thị trường có vị trí quan trọng trong kinh doanh ở bất kỳ lĩnh vực hay doanh nghiệp nào. Tùy theo mức độ nắm bắt và dự báo tốt ở mức nào sẽ quyết định sự chủ động trong các quyết định kinh doanh, giảm thiểu sự bất ngờ trước diễn biến của thị trường.

– Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của ông!

TRẦN HUỲNH (thực hiện)