Các công ty cao su khu vực Campuchia: Tăng trưởng nhanh trong năm 2021

CSVN – Với sự quyết tâm, nỗ lực, chung sức vượt khó vừa thực hiện tốt phòng chống dịch Covid-19 -vừa đảm bảo hiệu quả SXKD, các công ty cao su khu vực Campuchia đã gặt hái được nhiều thành công, đóng góp lớn vào việc hoàn thành nhiệm vụ chung của VRG. Nhiều đơn vị đạt kết quả nổi bật, là điểm sáng của toàn ngành.

Lãnh đạo VRG và Công đoàn CSVN thăm nhà máy chế biến Cao su Phước Hòa – Kampong Thom, vào ngày 14/12/2021. Ảnh: Thị Ngọc Thà
Bứt phá hoàn thành nhiệm vụ

Sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đối với hoạt động SXKD của các đơn vị thành viên VRG tại Campuchia, như: dịch bệnh lây nhiễm vào trong vùng dự án, tăng chi phí đầu vào khi phải gánh thêm chi phí phòng chống dịch bệnh; việc thông quan mủ cao su nhiều lúc gặp khó khăn phải ngưng trệ, chi phí thông quan tăng cao hơn so với bình thường… Tuy nhiên, vượt qua nhiều khó khăn thách thức, các công ty đã đoàn kết, năng động sáng tạo ra sức thi đua, hăng say lao động, nên đã giữ vững sản xuất, ổn định việc làm, chăm lo tốt cho NLĐ.

“Năm 2021, các đơn vị khai thác được 109.116 tấn mủ cao su (vượt 8,41% so với KH, vượt 8.466 tấn), nhiều hơn 22.761 tấn so với năm 2020. Tiêu thụ 105.185 tấn mủ. Doanh thu 3.795 tỷ đồng; lợi nhuận dự kiến trên 700 tỷ đồng. Tiền lương bình quân của NLĐ trên 7,2 triệu đồng/người/tháng. Gần 100% NLĐ và gia thuộc đã được tiêm vaccine ngừa Covid-19” – Ông Oknha Leng Rithy – Trưởng Văn phòng đại diện VRG tại Campuchia, cho biết.

Đặc biệt là trong bối cảnh cực kỳ khó khăn trước tác động của đại dịch, các công ty đã tích cực chăm lo NLĐ về vật chất, tinh thần, đảm bảo sức khỏe tốt, yên tâm gắn bó lâu dài với đơn vị. Đây là một thành quả rất đáng tự hào trong bối cảnh bức tranh kinh tế chung vẫn còn nhiều khó khăn.

VRG hiện có 16 công ty đầu tư trải dài trên 7 tỉnh tại Campuchia trong lĩnh vực trồng, chăm sóc, khai thác, chế biến mủ cao su với tổng giá trị trên 800 triệu USD và trồng trên 90.000 ha cao su. Diện tích đã đưa vào khai thác gần 75.000 ha. Tổng số lao động đang làm việc tại các đơn vị thành viên khoảng 18.000 lao động và dự kiến đến năm 2022, khi các đơn vị đưa tất cả diện tích trên 90.000 ha cao su vào khai thác thì nhu cầu sử dụng lao động trực tiếp trên 20.000 người. Ngoài ra, còn tạo thêm hàng nghìn việc làm cho lao động thời vụ.

Điểm sáng của toàn ngành

Các công ty đều có tăng trưởng tốt hơn và cơ cấu tỷ trọng ngày càng chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu của Tập đoàn. Nhiều đơn vị nổi bật là điểm sáng của toàn ngành, như: Tân Biên – Kampong Thom lợi nhuận 25 triệu đồng/ha, 12 triệu đồng/tấn; Bà Rịa – Kampong Thom lợi nhuận 20 triệu đồng/ha, 10 triệu đồng/tấn; Chư Sê – Kampong Thom lợi nhuận 15 triệu đồng/ha lợi nhuận, 10 triệu đồng/tấn; Phước Hòa – Kampong Thom lợi nhuận 9 triệu đồng/ha, 6 triệu đồng/tấn…

Phát biểu tại Lễ công bố hoàn thành kế hoạch sản lượng trước 46 ngày của Cao su Tân Biên – Kampong Thom, ông Hoem Oun – Tổng cục trưởng Tổng cục Cao su Campuchia, nhận định: “Các công ty trực thuộc Tập đoàn đã có những dự án hiệu quả tại vùng xa xôi, hẻo lánh, góp phần ổn định, nâng cao đời sống của người dân ở các vùng khó khăn, xây dựng một nếp sống mới cho nông thôn Campuchia. Các dự án cao su phát triển rất thành công. Các công ty đã có nhiều chương trình xã hội với địa phương, chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân. Thu nhập của công nhân cao su, theo tôi đánh giá là cao hơn so với mức trung bình ở Campuchia”.

Luôn là lá cờ đầu toàn diện của khu vực Campuchia, năm 2021, Cao su Chư Sê – Kampong Thom khai thác 23.410 tấn mủ (vượt 10% KH, tương đương 2.110 tấn) năng suất bình quân 11 tấn/người, 2 năm liên tiếp trong CLB 2 tấn; chế biến 24.450 tấn (vượt 13% KH); tiêu thụ 19.564 tấn. Doanh thu đạt 839 tỷ đồng (vượt 3% KH). Lợi nhuận 168,16 tỷ đồng (vượt trên 43% KH). Tỷ suất lợi nhuận/doanh thu 18,5%, trong đó C.R.C.K.2 là 25,48%; Bean Heack là 11,50%. Tiền lương bình quân của 3.318 lao động trên 8,5 triệu/người/tháng.

Chia sẻ về định hướng phát triển bền vững trong thời gian tới, ông Nguyễn Duy Linh – TGĐ Cao su Chư Sê – Kampong Thom, cho biết: “Công ty sẽ duy trì vườn cây luôn đạt năng suất trên 1,8 tấn/ha và gia công trên 20.000 tấn mỗi năm. Nhằm chuẩn bị cho công tác tái canh chu kỳ 2 cây cao su tại dự án, công ty đã có kế hoạch từ khâu chọn giống đến lập vườn nhân, vườn ươm và thanh lý các diện tích nhằm chủ động trong công tác tái canh. Bên cạnh đó, để chủ động trong công tác sản xuất khi vườn cây đi vào tái canh, công ty cũng đã quy hoạch xây dựng nhà máy gỗ. Dự kiến năm 2026 sẽ đi vào hoạt động, mỗi năm chế biến từ nguồn nguyên liệu là gỗ cây cao su với diện tích 1.000 ha/năm”.

Vượt khó đạt được nhiều kết quả nổi bật, năm 2021, các công ty cao su khu vực Campuchia đã thành công ngoài mong đợi trong SXKD, là điểm sáng từ trước đến nay. Cũng là tiền đề, động lực để các công ty phấn đấu hơn nữa trong những năm tiếp theo nhằm mang lại hiệu quả trong SXKD cao nhất.

TRẦN HUỲNH