CSVN – Bằng niềm đam mê với nghề và ý chí vượt khó trong lao động sản xuất, Thái Thị Minh, 42 tuổi, nữ công nhân khai thác mủ cao su thuộc Đội 7, Công ty 75, Binh đoàn 15 (Bộ Quốc phòng) là tấm gương sáng đã thầm lặng cống hiến, đóng góp vào sự phát triển bền vững của đơn vị trên vùng đất biên giới tỉnh Gia Lai.
Gắn bó với nghề cao su là quyết định đúng đắn
Giữa tháng 8/2021, chúng tôi về Công ty 75 để gặp chị, cũng là lúc Tây Nguyên đang cao điểm của mùa mưa, những cơn mưa rừng xối xả ảnh hưởng không nhỏ đến công việc khai thác mủ cao su, nên nhiệm vụ thu hoạch vì thế mà vất vả hơn nhiều. Nhưng bằng niềm đam mê, kinh nghiệm dày dặn cộng với đức tính cần cù, chịu khó, nữ công nhân Thái Thị Minh luôn dẫn đầu về năng suất, sản lượng khai thác.
Trao đổi với chúng tôi ngay trên lô cao su, ông Nguyễn Trọng Lâm, Đội trưởng Đội 7, Công ty 75 cho biết: “Chúng tôi rất tự hào khi đội sản xuất của mình có một nữ công nhân ưu tú như chị Minh, người luôn có ý thức kỷ luật tốt, chịu khó học hỏi, áp dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, không ngừng nâng cao tay nghề và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Điều đó thật đáng trân trọng”.
Có được những thành tích thật tự hào, đó là liên tục 7 năm liền (2014-2020) đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở, 2 lần nhận Bằng khen của Bộ Quốc phòng cùng nhiều thành tích nổi bật khác trong phong trào “Thi đua Quyết thắng” của Binh đoàn 15, giai đoạn 2014-2019, nhưng chị Thái Thị Minh luôn khiêm nhường, bình dị trong cuộc sống, chị vẫn cho rằng là mình chưa thật giỏi so với nỗ lực của anh chị em công nhân ở đây.
Chị chia sẻ: “Có lẽ, gắn bó với núi rừng Tây Nguyên, gắn bó với nghề cao su là quyết định đúng đắn nhất trong cuộc đời của mình, vì thế, tôi luôn cố gắng rèn luyện bản thân mỗi ngày, công việc cho dù khó đến mấy, tôi cũng không nản lòng”.
Qua mỗi năm càng yêu nghề, yêu đường dao cạo
Rời quê hương Hà Tĩnh từ khi còn là một thiếu nữ còn rất trẻ, cuộc sống ban đầu với bộn bề lo toan, thiếu thốn để hôm nay, chị không nghĩ mình lại có được một cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc nơi đại ngàn xa xôi như bây giờ. Theo chị, có lẽ là nhờ “cái duyên” với Binh đoàn 15, với Công ty 75, với đất rừng biên giới Gia Lai.
Chị Minh tâm sự: “Lúc mới vào làm công nhân khai thác mủ cao su, tôi chỉ nghĩ phải làm để kiếm tiền mưu sinh. Nhưng không ngờ, qua mỗi năm tôi lại càng thêm yêu nghề, yêu đường dao cạo khi nào không hay. Tôi vẫn thường xuyên rèn luyện để nâng cao tay nghề, khai thác hiệu quả vườn cây đúng quy trình kỹ thuật để đạt năng suất cao, duy trì ổn định hết chu kỳ khai thác”.
Bên cạnh những nỗ lực, cố gắng vượt bậc trong sản xuất, nữ công nhân Thái Thị Minh còn năng nổ, nhiệt tâm trong hoạt động đoàn thể. Là Chi hội phó Chi hội phụ nữ của Đội 7, chị Minh luôn giữ vai trò nòng cốt, tiên phong trong công tác tập hợp chị em thành một khối đoàn kết, thống nhất trong thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế và xây dựng gia đình văn hóa.
Tranh thủ buổi tối, ngày nghỉ, chị đến từng nhà, tuyên truyền, động viên chị em công nhân tích cực tham gia sinh hoạt hội để cùng chia sẻ tâm tư, nguyện vọng, trao đổi kinh nghiệm, tháo gỡ những vướng mắc trong đời sống lao động.
Vợ chồng chị không chỉ tích lũy tiền lương, thưởng hằng tháng mà còn kết hợp tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình, mỗi năm đều cho thu nhập từ 400-500 triệu đồng, xây dựng được nhà cửa khang trang, hai con học hành chăm chỉ càng khiến cho anh chị yên tâm chăm lo phát triển đời sống; gia đình chị nhiều năm liền được công nhận là “Gia đình văn hóa”.
THU HIỀN – VĂN CHIẾN
Related posts:
- Kế thừa tình yêu cao su qua 4 thế hệ
- Nam công nhân tay nghề giỏi
- Gặp người công nhân cao su dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc
- Lan tỏa tinh thần yêu thương của tổ chức Công đoàn đến với người khó khăn
- Đong yêu thương, thêm cảm xúc
- Nữ cán bộ Công đoàn gương mẫu
- Ba thế hệ gắn bó với nghề cao su qua nhiều thập kỷ
- Một lòng theo nghiệp cao su
- Người gắn bó với 1 chu kỳ cây cao su
- Đậu Văn Thao - Tấm gương trong lao động sản xuất