CSVN – Đại dịch Covid – 19 hoành hành đã làm cho nhiều gia đình lâm vào thế khó. Đâu đó trên đường phố Sài Gòn có những mảnh đời lam lũ bươn chải, chật vật mưu sinh.
Vất vả mưu sinh giữa đại dịch
Trên đường đi làm, chúng tôi gặp những người ở tuổi xế chiều, đáng ra họ phải được nghỉ ngơi bên con cháu nhưng vì đại dịch Covid – 19 đã “bào” hết những gì họ tích cóp được nên giờ họ vẫn phải lang thang trên khắp những nẻo đường để kiếm sống qua ngày bằng nhiều việc như nhặt ve chai, bán vé số, buôn thúng bán bưng. Ở thời điểm bình thường cuộc sống của họ đã rất khó, nay lại càng khó hơn.
Chú Trần Văn Hai ở trọ tại TP.Thủ Đức chia sẻ: “Chú năm nay đã 61 tuổi, công việc của chú khi chưa có dịch là chạy xe xích lô chở khách du lịch theo hợp đồng cho đội xe của Công ty du lịch Sài Gòn tourist. Vợ chú đã tuổi rồi, làm nghề bán vé số và nhặt ve chai. Khi dịch Covid – 19 bùng phát, cô chú không thể tiếp tục công việc vì du lịch đóng băng, chú không có khách, vé số thì không được bán vì giãn cách. Thời gian này, thật sự chật vật với đôi vợ chồng già, không có con, không người thân bên cạnh”.
“Cuộc sống khó khăn nên trong những ngày giãn cách chú với vợ vẫn bất chấp nguy hiểm đi nhặt ve chai hàng ngày về chất trên gác, hết dịch bán kiếm tiền trả tiền trọ cho chủ nhà. Nhờ có những mạnh thường quân, chính quyền địa phương cứu trợ lương thực nên cô chú mới có bữa ăn, sống qua ngày”, chú tâm sự.
Cũng là người lâm vào thế khó trong mùa dịch, anh Trần Văn Sơn, 46 tuổi, quê ở Cà Mau, đang làm nghề chạy xe ôm chia sẻ: “Ở quê nhà anh không có ruộng đất, một mình lên Sài Gòn kiếm sống bằng công việc động phổ thông. Công việc nặng nhọc vất vả, anh làm không nổi vì sức khỏe yếu dần nên chuyển nghề chạy xe ôm để dành dụm được tiền gởi về cho vợ nuôi hai đứa nhỏ nhưng giờ dịch bỗng chốc tràn lan, mấy tháng nay không mình không có tiền gửi về quê. Cũng may mà có mấy nhà hảo tâm giúp đỡ, giờ chỉ mong vấn đề đi lại giữa các tỉnh thuận tiện hơn để về quê với gia đình”.
Chung sức, đồng lòng vượt qua đại dịch
Thời điểm TP.HCM là điểm nóng về dịch bệnh, rải rác 21/22 quận huyện đều có số ca nhiễm tăng cao, nên có rất nhiều điểm bị phong tỏa, đường phố vắng vẻ khác hẳn so với ngày thường.
Trong thời gian giãn cách đã có không ít những tấm lòng vàng, những nhà hảo tâm, mạnh thường quân dang tay giúp sức. Có nhiều máy ATM gạo, bếp ăn từ thiện 0 đồng… khắp phố phường Sài Gòn để hỗ trợ cho cho những người khó khăn. Đội ngũ y bác sĩ, các chiến sĩ quân đội, công an, những tình nguyện viên xung phong vào tuyến đầu chống dịch… Đó là những hình ảnh đẹp không thể nào quên được trong lòng mỗi người dân Việt Nam.
Chắc rằng mỗi chúng ta ai cũng không thể quên những tháng ngày gian nan ấy. Chúng ta có quyền tự hào, tự hào mình là người Việt Nam, người dân ta với tinh thần tương thân tương ái, truyền thống “lá lành đùm lá rách” chia sẻ giúp đỡ lẫn nhau những lúc hoạn nạn. Điều đặc biệt hơn, điều khó quên là qua mấy lần dịch bệnh kéo dài, cuộc sống nhiều người bị ảnh hưởng nặng nề, nhưng chúng ta đã vẫn trụ vững và không để ai ở lại phía sau.
Dẫu biết rằng cuộc chiến chống dịch bệnh Covid – 19 còn kéo dài, nhưng với sức mạnh đoàn kết, chung sức, đồng lòng của người dân, Sài Gòn sẽ sớm vượt qua khó khăn để thích ứng với cuộc sống bình thường mới.
VŨ PHONG
Related posts:
- Công đoàn Cao su Việt Nam tập huấn chính sách, pháp luật
- Lan tỏa tinh thần thi đua
- Nhiều hoạt động ý nghĩa hướng về người lao động - vốn quý của đơn vị
- Nhiều dấu ấn đậm nét trong Tháng Thanh niên của tuổi trẻ VRG
- Cao su Sơn La chăm lo tốt đời sống cho người lao động
- Chị Lường Thị Liên – Công nhân Nông trường Châu Sơn, Cao su Sơn La: Đón Tết to nhờ cao su
- Trường Cao Đẳng Cao su đạt giải nhất Hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc
- Vẫn trăn trở với chuyện thu nhập của người lao động ngành cao su
- Ông Huỳnh Kim Nhựt – Phó TGĐ VRG, Chủ tịch Công đoàn Cao su Việt Nam: "Hợp sức vượt khó hoàn thành n...
- Tổ khai thác sản lượng cao nhiều năm liền