Nghệ nhân “giữ hồn” sử thi Tây Nguyên

CSVN – Được ví như cây đại thụ, mang hồn cốt của núi rừng, các già làng, nghệ nhân hát, kể sử thi ở buôn làng Gia Lai dù tuổi cao, sức yếu và cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng vượt lên tất cả là tình yêu và trách nhiệm gìn giữ, truyền ngọn lửa đam mê văn hóa dân tộc đến thế hệ trẻ. Pơnh là một những nghệ nhân như thế, người “giữ hồn” cho văn hóa sử thi Tây Nguyên.

Nghệ nhân ưu tú Pơnh.
Pho sử thi sống của núi rừng

Ở độ tuổi 95 mùa rẫy đi qua, những gì mà nghệ nhân ưu tú Pơnh – dân tộc Ba na, làng Bia Bre, xã Ia Pết, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai đóng góp vào kho tàng sử thi, mà người Ba na gọi là Hơmon là không thể cân đo, đong đếm. Dân làng coi ông là pho sử thi sống của núi rừng. Với trí nhớ siêu phàm, chất giọng và làn hơi hiếm có, nghệ nhân Pơnh thuộc hàng chục sử thi dài của người Ba na.

Ông là tác giả hát kể của hai sử thi nổi tiếng “Dio Hao Jrang” và “Atâu So Hle, Kơne Gơseng”; cùng truyện thơ “Dăm Sơdang” được xuất bản năm 2008. Ông có tài diễn xướng dân gian. Hát kể sử thi nổi tiếng, ông Pơnh đã 2 lần được phong tặng các danh hiệu cao quý. Năm 2006, ông được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tặng Kỷ niệm chương đồng thời được công nhận là Nghệ nhân dân gian. Năm 2019, ông vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Đây là một niềm tự hào không chỉ của riêng nghệ nhân Pơnh và gia đình, mà là của cả làng, cả huyện. Bởi, toàn tỉnh Gia Lai, sau 2 đợt lập hồ sơ đề nghị, chỉ mới có 23 người Ba na, Jrai có được vinh dự này.

Tài năng là vậy, nhưng với nghệ nhân Pơnh hành trình tìm kiếm lớp người kế cận để tiếp tục công việc lưu giữ cái vốn quý văn hóa dân tộc là điều khiến ông nhọc nhằn, trăn trở. Ông chia sẻ: “Trước đây làng mình có nhiều người kể Hơmon, mấy người già đó nay đã đi hết, còn một mình tôi còn sống, nhưng chắc cũng chẳng bao lâu nữa đâu!”.

Tình yêu văn hóa dân tộc hướng đến cái cao đẹp, trường tồn

Với nghệ nhân Pơnh, thì những cuốn sách sử thi cùng tấm bằng công nhận Nghệ nhân dân gian, nghệ nhân ưu tú đã ngã màu thời gian vừa là tài sản tinh thần vô giá, lại vừa là chứng nhân những kỷ niệm khốn khó giữa ông với vợ – người con gái Ba na xinh đẹp, luôn ủng hộ, đồng hành cùng chồng trên suốt chặng đường dài đã qua. Tình yêu văn hóa dân tộc đã đưa vợ chồng nghệ nhân Pơnh vượt lên mọi thứ danh lợi vật chất hướng đến cái cao đẹp, trường tồn.

Bà Dơr, vợ nghệ nhân Pơnh trải lòng: “Tôi biết chứ, không còn Hơmon được nữa, trong lòng của Pơnh buồn lắm. Lòng tôi cũng buồn như Pơnh vậy. Chỉ mong con cháu sẽ học, sau này biết Hơmon như Pơnh”. Nghệ nhân ưu tú Pơnh cho biết thêm: “Xưa Hơmon trên rẫy, ở nhà, đốt lửa lên, mọi người đến nghe chật kín cả sân. Nay không còn nữa, lâu lâu mình mới hát cho lũ cháu nghe thôi. Mình còn mấy cuốn sách khi chết sẽ để lại cho con cháu nó biết, không quên đi văn hóa của người Ba na”.

Nghệ nhân Pơnh từng là người đã hát kể hàng chục sử thi Ba na và truyện thơ. Trong đó, có nhiều câu chuyện đã được sưu tầm, biên soạn và xuất bản, được giới chuyên môn đánh giá cao. Ông chính là người đã có những đóng góp lớn cho kho tàng văn hóa dân gian của huyện Đăk Đoa và tỉnh Gia Lai. Với các nghệ nhân thì danh hiệu sẽ không có ý nghĩa gì nếu như thế hệ con cháu hôm nay không mặn mà với văn hóa truyền thống.

Làm sao để những giai điệu trầm hùng mãi được cất lên giữa ngôi nhà rông bập bùng ánh lửa; những bản trường ca, sử thi của người Ba na sẽ được lưu truyền qua bao thế hệ chính là niềm mong mỏi lớn của người nghệ nhân tài hoa Pơnh.

HÀ ĐỨC THÀNH