Nghệ thuật trình diễn đón đầu xu hướng

CSVN – Để đưa một chương trình nghệ thuật biểu diễn chuyên nghiệp đến với công chúng thì giải pháp xây dựng chương trình biểu diễn online, sân khấu online đang là cách thức phù hợp nhất trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài.

NSƯT Xuân Bắc – MC chương trình “Cháy lên” có hàng nghìn khán giả xem trực tiếp Ảnh Internet.
Nhiều chương trình kết nối nghệ sĩ với khán giả

Chương trình nghệ thuật trực tuyến “Tổ quốc trong tim” do Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam thực hiện đã diễn ra tại 5 điểm cầu Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Nghệ An, Bình Thuận và Paris (Pháp). Chương trình gồm nhiều tiết mục nghệ thuật đặc sắc, được biểu diễn và Livestream trên kênh YouTube, Fanpage, Facebook của Cục Nghệ thuật biểu diễn, với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ, ca sĩ nổi tiếng từ Bắc – Trung – Nam. Các bài hát và bản nhạc biểu diễn trong chương trình là các tác phẩm nổi tiếng, thể hiện tình yêu quê hương, đất nước như: “Tiếng gọi Việt Nam”, “Những bông hoa trong vườn Bác”, “Anh vẫn hành quân”…

Đây là một chương trình nghệ thuật không có sân khấu biểu diễn, không có phòng thu, mỗi ca sỹ, nghệ sỹ tham gia chương trình tự chuẩn bị trước bài ca, bản nhạc, sẽ hát và chơi trực tiếp. Ở mỗi đầu cầu, các nghệ sỹ chia sẻ và trao đổi những tình cảm cũng như hát những bài hát, bản nhạc mà họ đã từng biểu diễn rất thành công từ trước đó. Khán giả được thưởng thức những giọng ca và các nhạc công nổi tiếng ở khắp mọi miền nhưng rất gần gũi thân thương như không có khoảng cách.

Chương trình “Ở nhà cùng vui” do Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam chủ trì, phối hợp cùng Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Tuổi Trẻ Việt Nam, Nhà hát Kịch Việt Nam. Chương trình đã diễn ra tại 5 đầu cầu Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Trưng Vương (Đà Nẵng). Chương trình đã thu hút đông đảo người xem qua mạng xã hội và truyền hình trực tiếp của VTV…

Chương trình nghệ thuật online “Cháy lên” diễn ra tại 5 điểm cầu: Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Tuồng Việt Nam, Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam và đầu cầu TP. HCM. Qua 2 số đã có hàng nghìn khán giả xem trực tiếp và hàng chục nghìn khán giả bày tỏ yêu thích thông qua nền tảng số, mạng xã hội facebook…

Các chương trình nghệ nói trên, được đón nhận rất nồng nhiệt vì bản thân nó được diễn ra đúng thời điểm, được xây dựng khá hoàn chỉnh về mặt nội dung. Sự thành công của các chương trình này chính là sự chân thật, gần gũi khác hẳn với những chương trình được dàn dựng công phu, phát sóng khác.

Đón đầu xu hướng

Thời gian qua, nhiều nhà hát danh tiếng trên thế giới đã ứng dụng mô hình nhà hát online và đạt được những hiệu quả nhất định. Một trong số đó có chương trình liveshow kéo dài gần nửa tháng của nhà hát Bolshoi nổi tiếng ở Nga trong quãng thời gian dịch Covid-19 bùng phát.

Tại Việt Nam, trong giai đoạn dịch bệnh, không có nguồn thu, thì giải pháp sử dụng Internet và nền tảng kỹ thuật số, lập các kênh YouTube… đã tạo nên các sân khấu biểu diễn trực tuyến như là một cứu cánh giúp nhiều nghệ sĩ, đơn vị nghệ thuật kịp thích nghi với hoàn cảnh.

Trong kỷ nguyên số hiện nay, để xây dựng mô hình nhà hát online hiệu quả, đòi hỏi tác phẩm phải có sức sống, khán giả thật sự có nhu cầu thưởng thức nghệ thuật và trả tiền để thưởng thức tác phẩm mình yêu thích. Xa hơn, cần tạo nền tảng về cơ sở vật chất mang tính đồng bộ, cách thức thực hiện chuyên nghiệp, để thu hút được lượng khán giả theo dõi đông đảo hơn. Nghệ thuật trình diễn online vừa là giải pháp hữu ích trước đại dịch vừa là kênh quảng bá cho các tác phẩm nghệ thuật, để kéo khán giả đến sân khấu, nhà hát khi cuộc sống xã hội trở lại bình thường.

DUY VŨ