Phát huy hiệu quả của các phong trào thi đua

CSVN – Càng trong giai đoạn khó khăn, phong trào thi đua càng phát huy vai trò trong việc động viên, khích lệ tinh thần thi đua lao động của NLĐ, là lời hiệu triệu tập hợp sức mạnh của tập thể để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, kế hoạch đề ra.

Công đoàn Cao su Bình Long trao thưởng cho NLĐ Nông trường Xa Trạch có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua nước rút
Bứt phá trong “cuộc đua” sản lượng

Bức tranh chung hiện nay của các ngành nghề đều có ít nhiều sự ảnh hưởng do đại dịch Covid – 19 bùng phát trong thời gian vừa qua. Trước tình hình đó, các hoạt động tổ chức sản xuất và phong trào, đoàn thể của ngành đều được tổ chức phù hợp với tình hình thực tế trong mỗi giai đoạn. Đối với phong trào thi đua của ngành cao su cũng vậy, ban lãnh đạo VRG và Công đoàn CSVN khẳng định càng khó khăn thì càng phát huy hơn nữa các công tác chăm lo đời sống cho NLĐ, động viên khích lệ NLĐ thi đua trên tất cả các mặt trận để giúp đơn vị khắc phục được khó khăn và tổ chức sản xuất an toàn, có hiệu quả.

Do đó, VRG và Công đoàn CSVN duy trì phát động và tổ chức có hiệu quả các phong trào thi đua mang tính đặc trưng của ngành như phong trào Thi đua nước rút cuối năm, phong trào Luyện tay nghề – Thi thợ giỏi, phong trào Lao động sáng tạo…

Thực tế năm nay do đại dịch nên các hoạt động lễ hội bị hạn chế, tuy vậy các đơn vị cũng chọn lựa thời điểm và bằng nhiều hình thức phù hợp để phát động phong trào thi đua giúp NLĐ hiểu được vai trò quan trọng của phong trào thi đua trong lao động sản xuất. Hiểu và thực hiện có hiệu quả chứ không phải phô trương về hình thức, không hô hào khẩu hiệu suông mà bằng những hoạt động, con số cụ thể.

Đến hẹn lại lên, phong trào thi đua nước rút năm nay được phát động rất đặc biệt bằng hình thức trực tuyến tại hệ thống 75 điểm cầu. Thế nhưng năm nay, thay vì mức thời gian tổ chức phong trào trong 3 tháng cuối năm thì nay ngành cao su chạy nước rút sớm hơn một tháng. Thời gian cuối năm cũng chính là thời điểm cây cao su cho nhiều sản lượng nhất, chính vì vậy phong trào này được khởi động sớm hơn một tháng để giúp VRG đạt được mục tiêu như những tháng đầu năm đề ra, đó là thực hiện vượt kế hoạch sản lượng.

Đối với các khu vực như miền núi phía Bắc và Duyên hải miền Trung, do tính chất đặc thù về thời tiết, do đó phong trào thi đua nước rút được tổ chức trong quý III, đây cũng là thời điểm các đơn vị đặt mục tiêu phải khai thác được 45% sản lượng/tổng sản lượng của năm. Không những vậy, tùy tình hình thực tế của đơn vị, ban TGĐ và Ban Thường vụ Công đoàn các công ty sẽ có phát động phong trào phù hợp với đơn vị mình ví dụ như Cao su Điện Biên phát động thi đua nước rút 5 tháng cuối năm. Trên thực tế những năm qua, Cao su Điện Biên cũng là đơn vị về trước kế hoạch sản lượng VRG giao trong thời gian sớm nhất và là lá cờ đầu trong khu vực miền núi phía Bắc.

Phong trào này khởi động sớm hơn so với mọi năm đã tạo ra một không khí thi đua sôi nổi trong toàn ngành, nhiều đơn vị đã có sự bứt phá trong “cuộc đua” về đích. Ở khu vực “anh cả” Đông Nam bộ sự chênh lệch tỷ lệ thực hiện sản lượng của các đơn vị không quá lớn, các đơn vị chỉ cách biệt nhau 0,5 – 1%. Tính đến ngày 9/10, top đầu trong khu vực Đông Nam bộ là Cao su Phú Thịnh đạt 81% kế hoạch, tiếp đến là Cao su Tây Ninh đạt 80%… Ở khu vực Tây Nguyên, Cao su EaH’Leo dường như đang tăng tốc để về đích, với tỷ lệ khai thác đạt 86,4%, xếp thứ hai là Cao su Krông Buk với 82%.

Tại khu vực miền Trung có Cao su Hương Khê – Hà Tĩnh (đạt 93%) và Cao su Quảng Trị (đạt 86%) đang là đơn vị dẫn đầu. Khu vực miền núi phía Bắc ghi nhận sự vượt trội của hai đơn vị Cao su Lai Châu 2 và Mường Nhé – Điện Biên trong top 3 những đơn vị trong khu vực có tỷ lệ khai thác sản lượng cao, ba đơn vị này thay nhau giữ vị trí nhất tuần trong báo cáo sản lượng hàng tuần của Ban Quản lý kỹ thuật VRG.

Khu vực Campuchia năm nay có sự vươn lên rõ rệt của Cao su Tân Biên – Kampong Thom khi liên tục giữ vững vị trí nhất tuần trong bảng tổng hợp sản lượng của khu vực, hiện đang có tỷ lệ khai thác đạt 83%. Theo sau đó là Cao su Đồng Nai – Kratie và Chư Sê – Kampong Thom. Tại Lào, Cao su Quasa – Geruco và Cao su Việt Lào đang cạnh tranh nhau từng chút một về tỉ lệ khai thác, hai đơn vị chỉ cách nhau 0,8%.

Nhờ hiệu quả của phong trào này mang lại nên tính đến thời điểm hiện nay, trong toàn ngành đã có nhiều công nhân khai thác hoàn thành kế hoạch sản lượng năm 2021 như Lê Thị Nguyệt – Cao su Tân Biên, Nguyễn Văn Chiến – Cao su Bình Long…

Một buổi sinh hoạt Công đoàn tại nông trường của Cao su Sơn La
“Nở rộ” nhiều sáng kiến làm lợi hàng tỷ đồng

Text Box: KYÕ THUAÄTNhìn từ yêu cầu thực tiễn của việc phát triển bền vững đòi hỏi các ngành nghề sản xuất, nhất là lĩnh vực trồng, chăm sóc, khai thác và chế biến cao su cần phải ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sản xuất xanh – sạch – thân thiện với môi trường, đảm bảo an toàn cho NLĐ. Chính vì vậy phong trào Lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong những năm gần đây của VRG “nở rộ” hơn bao giờ hết.

Qua phong trào đã có nhiều sáng kiến đem lại hiệu quả tổng hợp trong hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị. Nhiều “cây sáng kiến” của các đơn vị được phát hiện, bồi dưỡng và tạo điều kiện để phát triển hơn nữa trong hoạt động lao động sáng tạo. Đặc biệt, trong năm 2021, hưởng ứng phong trào “75 nghìn sáng kiến vượt khó, phát triển”, toàn ngành đã có 500 sáng kiến tham gia. Trong đó có 4 sáng kiến được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khen thưởng. 15 sáng kiến được Hội đồng sáng kiến VRG công nhận sáng kiến cấp Tập đoàn.

Nói về phong trào Lao động sáng tạo của VRG, ông Phan Mạnh Hùng – Chủ tịch Công đoàn CSVN nhấn mạnh: “Năm 2021 là một bước phát triển của hoạt động phong trào Lao động sáng tạo trong toàn ngành. Qua các đề tài, sáng kiến hưởng ứng tham gia chương trình “75 nghìn sáng kiến vượt khó, phát triển” và các hồ sơ đề nghị trao giải Cao su Việt Nam năm nay đã có sự phát triển về số lượng và cả chất lượng của phong trào này. Và đây cũng là một phong trào truyền thống cần được duy trì và phát huy mạnh hơn nữa trong thời gian tới”.

Có thể kể đến những sáng kiến tiêu biểu được VRG công nhận năm 2021 như: Thiết kế chế tạo hệ thống thiết bị phân lót hố trồng cây cao su; Thiết kế chế tạo hệ thống thiết bị liên hợp 4 trong 1 (ông Phạm Ánh Phương – TCT Cao su Đồng Nai); Giải pháp Nâng cao hiệu quả trong quản lý khai thác thu hoạch mủ và chăm sóc vườn cây kinh doanh (ông Lê Thanh Tú – Phó TGĐ VRG và các cán bộ Ban Quản lý kỹ thuật, Viện nghiên cứu CSVN); Ban hành quy trình công tác phòng Chống dịch bệnh trong giai đoạn mới và kịch bản khi có trường hợp nhiễm bệnh Covid-19 tại  đơn  vị  ở  Campuchia  (ông  Nguyễn  Văn  Luyến  – TGĐ và các cán bộ Công ty CPCS Phước Hòa – Kampong Thom)…

Các sáng kiến đã đem lại hiệu quả thiết thực trong thực tiễn sản xuất của VRG nói chung và các đơn vị nói riêng. Có sáng kiến làm lợi hàng tỷ đồng/năm, tiết giảm nhân công lao động, tiết kiệm thời gian sản xuất, đảm bảo sức khỏe và tăng thu nhập cho NLĐ… Nhờ đó, nhiều sáng kiến của các đơn vị không chỉ được ứng dụng trong đơn vị đó mà còn được nhân rộng ra toàn ngành để các đơn vị khác học hỏi và ứng dụng linh động phù hợp với tình hình thực tế tại đơn vị mình.

HÀ KHUÊ