CSVN – Nữ công nhân, viên chức, lao động (CNVC – LĐ) qua 92 năm hình thành và phát triển đã có những đóng góp to lớn vào quá trình đấu tranh, xây dựng và phát triển của đất nuớc nói chung và của ngành cao su nói riêng.
Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã khẳng định “Nói đến phụ nữ là nói đến một nửa của xã hội” và Bác đã rút ra kết luận: “Xem trong lịch sử cách mạng, chẳng có lần nào là không có đàn bà, con gái tham gia”, qua đó đã khẳng định trí tuệ, sáng tạo và tinh thần kiên cường, quật khởi của các tầng lớp phụ nữ qua bao thế hệ luôn xứng đáng 8 chữ vàng “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” mà Bác Hồ trao tặng.
Cùng với phụ nữ cả nước, phát huy phẩm chất phụ nữ Việt Nam cần cù, chịu khó, không ngại gian khổ trên mọi lĩnh vực hoạt động, nữ công nhân, viên chức, lao động (CNVC – LĐ) qua 92 năm hình thành và phát triển đã có những đóng góp to lớn vào quá trình đấu tranh, xây dựng và phát triển của đất nuớc nói chung và của ngành cao su nói riêng.
Thực tế cho thấy, hiện nay với 34.071 nữ CNVC- LĐ, chiếm 40,8% tổng số lao động, dù ở cương vị, lĩnh vực nào, các chị em cũng luôn thể hiện sự kiên nhẫn, bám sát công việc, phát huy tính năng động, sáng tạo, ý thức tổ chức kỷ luật và thực hành tiết kiệm trong lao động sản xuất, luôn thể hiện tác phong công nghiệp, tích cực học tập nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, tay nghề để thích ứng với cơ chế thị trường, phấn đấu nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, ứng dụng khoa học công nghệ, tích cực tham gia công tác quản lý, điều hành…, để góp phần quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ sản xuất kinh của công ty, đơn vị.
Bên cạnh đó, các cấp CĐ trong ngành cao su thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nữ CNVC -LĐ, đồng thời tích cực tham gia cùng chuyên môn góp ý vào các văn bản pháp luật, các chính sách có liên quan đến người lao động, đặc biệt là lao động nữ, tổ chức tuyên truyền, tọa đàm về chính sách, pháp luật, các vấn đề có liên quan đến lao động nữ và trẻ em gái, tuyên truyền đạo đức lối sống lành mạnh, kỹ năng sống, phòng chống bạo lực gia đình, HIVS, và các tệ nạn xã hội cho 50.803 lượt người tham gia.
Từ đó, nữ CNVC-LĐ phấn đấu rèn luyện theo các tiêu chí: có sức khỏe, tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, năng động sáng tạo, có lối sống văn hóa, có lòng nhân hậu, nhiều phụ nữ đã vượt qua tự ti, mặc cảm, vượt khó vươn lên thành đạt trong lao động sản xuất và tổ chức tốt cuộc sống gia đình. Nhiều chị có gia đình hạnh phúc, nuôi con khỏe, dạy con ngoan, thành đạt trong cuộc sống.
Đặc biệt từ đầu năm 2021, trước tình hình dịch Covid-19 trong đợt bùng phát lần thứ 4 vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp, đến đầu tháng 10, Việt Nam có hơn 800.000 ca nhiễm, trong đó ngành cao su có hơn 240 ca nhiễm và trên 1.000 ca tiếp xúc gần. Nhiều địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, do đó một số công ty, đơn vị phải dừng sản xuất hoặc xây dựng phương án làm việc “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 địa điểm”, nhiều người lao động ở trong khu vực bị cách ly, phong tỏa, đã ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình sản xuất kinh doanh của các công ty, đơn vị, nhất là đời sống, việc làm, thu nhập và sức khỏe của CNVC- LĐ gặp nhiều khó khăn.
Trước tình hình đó, các đơn vị đã xây dựng các phương án làm việc phù hợp, hình thức hỗ trợ kịp thời cho CNVC-LĐ nói chung và nữ CNVC-LĐ nói riêng với tổng số tiền chi hỗ trợ là 10 tỷ 331 triệu đồng (trong đó từ nguồn tài chính Công đoàn là 3 tỷ 432 triệu đồng, từ chuyên môn hỗ trợ là 6 tỷ 898 triệu đồng), cụ thể tổ chức thăm hỏi tặng quà cho 372 nữ CNVC-LĐ là F0, F1, F2 với số tiền 231,800 triệu đồng; cấp phát trang bị đồ dùng, bữa ăn thực hiện “3 tại chỗ” cho 722 nữ CNVC-LĐ với số tiền 664,220 triệu đồng; trang bị bình xịt, dung dịch sát khuẩn, khẩu trang tại nơi làm việc cho 4.749 nữ CNVC-LĐ với số tiền 730,418 triệu đồng; hỗ trợ cho 776 nữ CNVC-LĐ ở vùng cách ly, phong tỏa với số tiền 654,105 triệu đồng và hỗ trợ nữ CNVC-LĐ dừng việc với số tiền 757,200 triệu đồng.
BCH Công đoàn tiến hành thương lượng, thỏa thuận ký kết thỏa ước lao động tập thể, trong đó có các điều khoản chi tiết về chính sách dành riêng cho lao động nữ, đảm bảo có lợi hơn so với quy định của pháp luật như: Khuyến khích nghỉ hưởng nguyên lương ngày kỷ niệm 8/3 hoặc 20/10, lao động nữ trong thời gian nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi, ngoài chế độ được người sử dụng lao động cho nghỉ thêm 10 phút mỗi ngày, chi bồi dưỡng cho lao động nữ sau khi sinh con lần thứ nhất hoặc lần thứ 2, chi bồi dưỡng cho lao động nữ có thai từ tháng thứ 7 trở lên; Ngoài ra tổ chức tham quan nghỉ mát, thăm hỏi ốm đau, trợ cấp khó khăn nhân dịp kỷ niệm 8/3 và 20/10.
BCH CĐ cũng phối hợp với lãnh đạo của cơ quan, công ty, đơn vị, khuyến khích và tạo điều kiện cho nữ CNVC-LĐ được học tập, bồi dưỡng kiến thức về chính trị, văn hóa, chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp. Qua đó, có một số đoàn viên nữ được tin tưởng bố trí vào các vị trí quản lý, lãnh đạo các cấp. Từ đầu năm đến nay số nữ được tạo điều kiện học tập văn hóa là 230 chị, chuyên môn nghiệp vụ là 650 chị, Chính trị là 163 chị. Số nữ được đề bạt bổ nhiệm công tác Đảng là 66 chị; Chính quyền là 73 chị; Đoàn thể là 22 chị. Tính đến nay số nữ tham gia cấp ủy các cấp là 437 chị, đạt 22,2%; chính quyền là 675 chị, đạt 20%; BCH CĐ là 544 chị, đạt 31,3%; giữ chức vụ chủ tịch, phó chủ tịch là 109 chị, đạt 27,52%; trúng cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026 là 24 chị, đạt 44,45%.
Việc thực hiện các phong trào thi đua trong nữ CNVC-LĐ luôn được các cấp CĐ quan tâm, tạo điều kiện giúp cho chị em vượt qua khó khăn, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ tốt nhiệm vụ được giao. Ban nữ công quần chúng đã khéo léo lồng ghép sao cho phù hợp để thực hiện tốt các phong trào thi đua như: phong trào “Lao động giỏi”, “lao động sáng tạo”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, đặc biệt là phong trào “Luyện tay nghề, thi thợ giỏi” để đảm bảo chất lượng vườn cây và phấn đấu đạt năng suất cao, chính vì vậy chị em đã không ngừng luyện tay nghề phấn đấu giảm lỗi kỹ thuật.
Với tính cần cù chịu khó mà số chị em đạt tay nghề khá giỏi tăng dần lên hằng năm, tỷ lệ nữ đạt tay nghề loại giỏi là 58%, tăng 1,2% so với năm 2010; tỷ lệ nữ có tay nghề trung bình giảm xuống còn 26,5% (giảm 4,1% so với năm 2010), nhiều chị đã đạt giải cao, là kiện tướng, bàn tay vàng tại Hội thi Bàn tay vàng thu hoạch mủ cao su cấp toàn ngành.
Ngoài ra, các cấp còn phát động phong trào phát triển kinh tế gia đình bằng hình thức xây dựng các hình thức gây quỹ: “Vì nữ CNVC-LĐ nghèo”, quỹ “Tiết kiệm xoay vòng”…để hỗ trợ cho các chị có hoàn cảnh khó khăn vay xoay vòng không tính lãi, phát triển kinh tế gia đình với mức thu nhập cao nhất 250 triệu đồng/hộ/năm. Hàng năm số nữ CNVC-LĐ hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch chiếm tỷ lệ trên 50%, trên 80% được khen thưởng phụ nữ Hai giỏi. Qua đó thể hiện sự nỗ lực đóng góp không nhỏ của nữ CNVC-LĐ trong việc phấn đấu hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh của công ty, đơn vị và của Tập đoàn.
Có thể nói, thông qua các hoạt động chăm lo và phong trào thi đua trong nữ CNVC-LĐ trong thời gian qua, các cấp CĐ trong toàn ngành đã góp phần thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng về công tác phụ nữ trong tình hình mới. Để tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế của nữ CNVC-LĐ trong quá trình phát triển bền vững của ngành cao su Việt Nam vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cần phải quan tâm thực hiện:
Thứ nhất, tiếp tục nỗ lực hơn nữa, phấn đấu vươn lên để nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ, thực hiện mục tiêu vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới để hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch của công ty, đơn vị góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành cao su Việt Nam.
Thứ hai, xác định được công tác tuyên truyền vận động là cực kỳ quan trọng. Ông bà ta từ xưa đã có câu“Tư tưởng không thông, vác cái bình đông cũng nặng”. Do đó cần quan tâm đến công tác tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức Phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước, gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nâng cao trình độ mọi mặt cho nữ CNVC-LĐ và vận động chị em tích cực hăng say tham gia vào các hoạt động để vừa hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn cũng hoàn thành được trọng trách của người phụ nữ mà gia đình giao phó.
Thứ ba, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình”gắn với phong trào “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo” góp phần quan trọng trong việc hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch của công ty, đơn vị nói riêng và Tập đoàn nói chung, vượt qua đại dịch Covid – 19.
Thứ tư, quan tâm, chăm lo tạo điều kiện cho nữ CNVC-LĐ an tâm công tác và kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nữ CNVC-LĐ và khen thưởng, biểu dương kịp thời gương tiêu biểu xuất sắc trên các lĩnh vực để động viên đông đảo chị em CNVC-LĐ an tâm công tác, phấn đấu vươn lên để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
TRƯƠNG THỊ HUẾ MINH
(Phó Chủ tịch CĐ Cao su Việt Nam)
Related posts:
- Lô cao su có năng suất trên 2 tấn/ha trong năm đầu mở cạo
- Công đoàn Cao su Chư Prông: Thi “Mâm cơm cuối tuần”
- Sản xuất phân hữu cơ sinh học từ công nghệ nuôi trùn quế
- Tết "ấm" của công nhân cao su
- Đón đọc Tạp chí Cao su Việt Nam Xuân Nhâm Dần 2022
- Lễ kỷ niệm 94 năm truyền thống ngành cao su
- CĐ Cao su VN tặng 2 nhà “Mái ấm Công đoàn”
- Khối thi đua nông nghiệp Gia Lai ủng hộ 20 triệu đồng phòng chống dịch
- Công ty CP Gỗ MDF VRG Kiên Giang thông báo tuyển dụng
- Nụ cười tháng 5!