Đa dạng các mô hình xen canh hiệu quả

CSVN – Chủ trương xen canh trong vườn cây cao su kiến thiết cơ bản (KTCB) đã được các đơn vị triển khai từ nhiều năm trước đây và đem lại hiệu quả tích cực. Do vậy, năm 2021, các đơn vị tiếp tục thực hiện xen canh với nhiều loại cây trồng đa dạng hơn và mô hình hiệu quả hơn, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Các đơn vị cụ thể hóa chủ trương trồng xen canh tại đơn vị mình để nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Ảnh: Vũ Phong.
Giúp nâng cao hiệu quả sử dụng đất và tăng thu nhập cho NLĐ

Xen canh trong vườn cây cao su (có thể trồng xen trong suốt quá trình sinh trưởng của cây cao su) có thể được xem là phương pháp canh tác truyền thống và chính thức được khuyến khích thực hiện và cụ thể hóa bằng các văn bản chỉ đạo của VRG. Để các đơn vị có thể “rộng đường” thực hiện mô hình mang lại hiệu quả cao trong hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị, VRG đã có định hướng rõ ràng gắn với chủ trương nâng cao hiệu quả sử dụng đất bằng Quy trình xen canh được ban hành năm 2015 và Quy định về quản lý trồng xen năm 2016 và được tinh chỉnh, bổ sung cụ thể trong Quy trình kỹ thuật cây cao su năm 2020 (có bổ sung thêm hình thức luân canh).

Thực tế tại các đơn vị tính từ khi có chủ trương trồng xen đến nay, việc trồng xen trên vườn cây cao su giúp nâng cao hiệu quả sử dụng đất và tăng thu nhập cho NLĐ, tạo thêm quỹ đất cho sản xuất nông nghiệp đối với người dân địa phương… Các loại cây trồng xen canh hàng năm thường được các đơn vị ưu tiên thực hiện là trồng lúa nương, khoai lang, các loại cây họ đậu, dưa hấu… Có thể kể đến một số đơn vị nổi bật trong việc trồng xen như: Cao su Mang Yang, Chư Păh, Chư Sê, Chư Prông, Krông Buk, Ea H’Leo, Phú Riềng, Tây Ninh. Ngoài ra còn mô hình trồng xen có hiệu quả khác là cây công nghiệp như cà phê ở khu vực Tây Nguyên hoặc cây chuối ở khu vực Đông Nam bộ.

Theo số liệu thống kê của Ban Quản lý kỹ thuật, tổng diện tích dự kiến thực hiện xen canh trong năm 2021 là 1.936 ha. Trong đó, trồng cây gỗ lớn, nguyên liệu dăm gần 532 ha; Luân canh trồng cây gỗ lớn, nguyên liệu dăm, cao su “gỗ – mủ” tại Cao su Đồng Nai 688 ha; Xen canh trồng cao su “gỗ – mủ”, cà phê hơn 207 ha; Luân canh cây hàng năm 508 ha, tập trung tại Krông Buk với hơn 206 ha khoai lang, Chư Sê 151 ha khoai lang, Tây Ninh 150 ha mía.

Đẩy mạnh trồng xen cao su “mủ – gỗ”

Ông Phạm Hải Dương – Trưởng ban Quản lý kỹ thuật VRG chia sẻ: “Năm 2021, VRG vẫn tiếp tục thực hiện chủ trương khuyến khích trồng xen các loại cây hàng năm trên vườn cây tái canh, KTCB nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, góp phần làm giảm suất đầu tư và nâng cao chất lượng vườn cây. Chính sách xen canh của các công ty cao su là khuyến khích, ưu tiên cho CNLĐ công ty và NLĐ địa phương thực hiện. Bên cạnh xen canh cây hàng năm truyền thống, năm nay VRG tiếp tục sẽ phát triển các mô hình xen canh theo đai, theo khoảng lớn để trồng các loại cây lâm nghiệp lấy nguyên liệu, gỗ lớn. Trong đó có cả cây cao su “mủ – gỗ” trên vườn cao su nhằm thực hiện chủ trương phát triển bền vững, tạo nguồn nguyên liệu gỗ cho các nhà máy chế biến”.

Các mô hình trồng xen cao su “gỗ – mủ” (cao su lấy gỗ trồng xen trên vườn cây cao su) thì từ năm 2015 – 2020 toàn VRG đã có 20 mô hình với 462,4 ha với các mật độ và thiết kế và giống khác nhau được thiết lập ở khu vực Đông Nam bộ. “Nhiều giống cao su mới theo hướng gỗ đã được đưa vào thử nghiệm và đạt kết quả tốt. Đây là cơ sở và kinh nghiệm để định hướng xây dựng các mô hình sản xuất trong thời gian tới. Ban Quản lý kỹ thuật sẽ phối hợp với Viện Nghiên cứu Cao su để đánh giá và đề xuất hướng triển khai thực hiện trong thời gian tới nhằm hoàn thiện các mô hình sản xuất hiệu quả, phù hợp với từng vùng miền”, lãnh đạo Ban Quản lý kỹ thuật cho biết.

Trong buổi làm việc về kế hoạch nông nghiệp năm 2021 của VRG, ông Trần Ngọc Thuận – Chủ tịch HĐQT VRG khẳng định: “Chủ trương trồng xen trên vườn cây KTCB là chủ trương đúng đắn. VRG đã ban hành các quy trình, quy định về quản lý trồng xen, do đó các đơn vị phải cụ thể hóa tại đơn vị mình để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, không được để trống một khoảnh đất nào. Đối với việc trồng xen các loại cây lâm nghiệp để phục vụ nguyên liệu gỗ cho ngành cao su cần phải giao kế hoạch cụ thể cho các đơn vị để đảm bảo nguồn nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy. Song song đó, VRG yêu cầu các đơn vị hợp tác phải cam kết thu mua nguồn nguyên liệu từ các công ty thực hiện trồng xen theo mô hình này”.

MINH NHIÊN