Tăng cường thị phần của sản phẩm cao su có chứng chỉ PEFC

CSVN – Ngày 10/9, ông Huỳnh Văn Bảo – Thành viên HĐQT – TGĐ VRG đã có buổi trao đổi trực tuyến với đại diện tổ chức Chứng nhận chứng chỉ rừng PEFC, trong khuôn khổ chương trình Hỗ trợ cao su bền vững (SSR) của PEFC về các hoạt động hợp tác của VRG với PEFC nhằm phát huy vai trò của cây cao su và sản phẩm cao su trong việc phát triển kinh tế, cải thiện xã hội và môi trường, quảng bá và tăng cường thị phần của những sản phẩm cao su có chứng chỉ PEFC.

Ông Huỳnh Văn Bảo – Thành viên HĐQT – TGĐ VRG đang trao đổi trực tuyến với đại diện tổ chức PEFC.

Thưa ông, xin ông có thể cho biết những lợi ích từ khi VRG bắt đầu hợp tác với PEFC?

Ông Huỳnh Văn Bảo: Quản lý rừng trồng bền vững là yêu cầu theo Luật Lâm nghiệp 2017 của Việt Nam mà các doanh nghiệp như VRG cần tuân thủ. Việc cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững cho doanh nghiệp và tổ chức được Nhà nước Việt Nam khuyến khích theo nguyên tắc tự nguyện.

Trước nhu cầu của thị trường và khách hàng ngày càng tăng về cao su thiên nhiên, gỗ cao su và sản phẩm cao su bền vững, VRG đã nhận thức được quản lý và sản xuất bền vững là mục tiêu quan trọng trong chiến lược phát triển của VRG và chứng chỉ quản lý rừng bền vững là bằng chứng thể hiện khả năng của VRG đáp ứng yêu cầu mới của thị trường.

Từ 2019, VRG đã có kế hoạch giao các công ty thành viên xây dựng phương án quản lý rừng cao su bền vững để được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo hệ thống chứng nhận rừng Việt Nam (VFCS) và theo tiêu chuẩn quốc tế của PEFC.

Thông qua sự phối hợp với Tổng cục Lâm nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, VRG đã nhận được sự hỗ trợ của PEFC từ năm 2019, đặc biệt là việc đào tạo, hướng dẫn để tiếp cận với hệ thống chứng chỉ quản lý rừng bền vững và chuỗi hành trình sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời, quảng bá và tìm kiếm khách hàng cho các sản phẩm của Tập đoàn đã được PEFC chứng nhận.

Việc hợp tác với PEFC phù hợp với chiến lược kinh doanh của Tập đoàn nhằm khẳng định hiệu quả kinh tế cần gắn với bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội. Đây cũng là xu hướng tất yếu của các doanh nghiệp trên toàn cầu, đồng thời, phù hợp với yêu cầu của Chính phủ Việt Nam về quản lý rừng bền vững.

Hợp tác với PEFC đã mang đến cho VRG nhiều lợi ích trước mắt và lâu dài, cụ thể như sau:

Đến tháng 8/2021, đã có 12 công ty thành viên của VRG được PEFC xác nhận đạt chứng chỉ quản lý rừng bền vững trên 54.000 ha trồng cao su và chứng chỉ chuỗi hành trình sản phẩm cho 22 nhà máy chế biến mủ cao su. Kết quả này được công bố trên website của PEFC và được giới thiệu, tiếp thị thông qua một số hội thảo quốc tế, đã nâng cao uy tín và thương hiệu của VRG và các công ty được chứng nhận.

Một số khách hàng đã quan tâm đặt mua cao su thiên nhiên bền vững và gỗ cao su bền vững của Tập đoàn có chứng chỉ PEFC và gắn logo PEFC, mở ra cơ hội phát triển các sản phẩm bền vững của VRG được tổ chức quốc tế chứng nhận đến với nhiều nguồn khách hàng trên thế giới.

Đạt được chứng nhận của PEFC đã tạo điều kiện cho VRG đáp ứng kỳ vọng của khách hàng là sản phẩm của VRG được quản lý và sản xuất theo quy trình bền vững, không tác động tiêu cực đến môi trường và xã hội, có nguồn gốc hợp pháp và có thể truy xuất được nguồn gốc của sản phẩm.

Về lâu dài, VRG mong muốn tiếp tục hợp tác với PEFC để phát huy vai trò của cây cao su và sản phẩm cao su trong việc phát triển kinh tế, cải thiện xã hội và môi trường, giảm thiểu những mặt hạn chế của ngành cao su về đa dạng sinh học bằng những mô hình nông lâm kết hợp, phục hồi rừng có hiệu quả cao. Đồng thời, quảng bá và tăng cường thị phần của những sản phẩm cao su có chứng chỉ PEFC.

– Đâu là những thách thức mà các yếu tố trong chuỗi giá trị ngành cao su gặp phải? Có những trở ngại nào VRG nhìn thấy trong quá trình lấy chứng chỉ quản lý rừng bền vững (SFM) và chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm (CoC), trong ngành cao su nói riêng, thưa ông?

Ông Huỳnh Văn Bảo: Thách thức lớn hiện nay trong chuỗi giá trị của ngành cao su là nhiều khách hàng chưa biết đến và chưa sẵn sàng tiêu thụ sản phẩm từ cao su thiên nhiên và gỗ cao su có chứng chỉ PEFC để tạo thành chuỗi giá trị hoàn chỉnh được chứng nhận bền vững từ khâu nguyên liệu đến sản phẩm cuối cùng.

Ngoài thách thức trên, còn một số trở ngại ban đầu trong quá trình lấy chứng chỉ quản lý rừng bền vững (SFM) và chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm (CoC) đối với VRG nói riêng và ngành cao su nói chung.

Đó là cần thời gian để đào tạo NLĐ về nhận thức và kỹ năng về quản lý và sản xuất bền vững; Đồng thời, cần có chi phí đầu tư ban đầu lớn để thuê các đơn vị tư vấn có năng lực hỗ trợ xây dựng, thực hiện các giải pháp cải tiến, tập huấn, đào tạo, mua sắm trang thiết bị để bảo vệ môi trường và tăng cường kết nối cộng đồng như xây dựng bản đồ số, đánh giá tác động và xây dựng, sửa chữa công trình chống xói mòn đất, thu gom và xử lý chất thải, tham vấn cộng đồng về phương án quản lý rừng bền vững…

Bên cạnh đó, cần bố trí chi phí cho tổ chức chứng nhận đánh giá và duy trì chứng nhận. Một số đơn vị thuộc VRG thiếu nhân lực thực hiện cũng ảnh hưởng đến tiến độ so với kế hoạch đề ra.

Tuy nhiên, với những khó khăn, thách thức trên, VRG nhận thấy đây cũng là cơ hội để VRG vươn lên, tiên phong và điển hình trong việc thực hiện chứng chỉ rừng bền vững hướng đến phát triển ngày càng vững mạnh hơn.

– Tỉ lệ mở rộng/phổ biến của chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm (CoC) ở Việt Nam trong một vài năm trở lại đây ra sao, thưa ông?

Ông Huỳnh Văn Bảo: Đến đầu tháng 9/2021, trên website của PEFC cho thấy tại Việt Nam có 42 nhà máy gỗ và sản phẩm ngoài gỗ đạt chứng chỉ PEFC- CoC về chuỗi hành trình sản phẩm. So với 20.000 nhà máy trên thế giới đã có chứng chỉ PEFC-CoC, thì tỷ lệ chứng chỉ này ở Việt Nam còn rất ít, chỉ đạt dưới 1%.

Xét trong tổng số 42 nhà máy có PEFC-CoC tại Việt Nam, có 22 nhà máy chế biến mủ cao su của 12 công ty thành viên VRG. Đây là những đơn vị tiên phong trong ngành cao su Việt Nam hiện nay, chiếm tỷ lệ khá cao, đạt 52,4%.

VRG đang xây dựng lộ trình và hỗ trợ 47 nhà máy còn lại của VRG phấn đấu đạt chứng chỉ PEFC-CoC trong thời gian sớm nhất, phù hợp với điều kiện thực tế và nhu cầu của thị trường.

Ông có thể chia sẻ bài học mà VRG rút ra sau những dự án thí điểm chứng nhận bền vững trong ngành cao su là gì?

Ông Huỳnh Văn Bảo: Trong quá trình tham gia thực hiện các chứng nhận bền vững trong ngành cao su, VRG đã rút ra được một số bài học để phát huy thế mạnh và khắc phục một số mặt còn hạn chế nhằm tăng cường hiệu quả phát triển bền vững trong tương lai.

Kết quả đến tháng 8/2021, VRG có 12 thành viên đạt chứng chỉ quản lý rừng bền vững VFCS/PEFC cho hơn 54.000 ha và chứng chỉ chuỗi hành trình sản phẩm PEFC cho 22 nhà máy chế biến mủ cao su. Kết quả này cho thấy quy trình sản xuất và giải pháp quản lý hiện nay của nhiều thành viên VRG đủ điều kiện đáp ứng các tiêu chí của hệ thống chứng nhận quản lý rừng bền vững tại Việt Nam và của tổ chức quốc tế PEFC. Qua đó, các cơ quan quản lý Nhà nước và các cổ đông đã đánh giá cao năng lực phát triển theo hướng bền vững của Tập đoàn.

Để có được kết quả như trên, cần phải có sự quan tâm sâu sát, quyết tâm và chỉ đạo quyết liệt từ cấp cao nhất là Hội đồng Quản trị Tập đoàn đến các lãnh đạo của các đơn vị thành viên.

Qua thực hiện chứng chỉ VFCS/PEFC, các thành viên của VRG đã tiếp cận và triển khai kịp thời một số giải pháp cải tiến để nâng cao trách nhiệm về bảo vệ môi trường và tăng cường kết nối với cộng đồng, góp phần nâng cao uy tín và hình ảnh của VRG cũng như của các thành viên tại vùng dự án ở địa phương. Một số khách hàng đang có nhu cầu mua nguyên liệu và sản phẩm bền vững đã bắt đầu đàm phán với VRG để xây dựng kế hoạch tiêu thụ dài hạn sản phẩm có chứng chỉ VFCS/PEFC của VRG và các thành viên với giá cao hơn thị trường. Đây là những tín hiệu tích cực cho thấy hướng đi của VRG phù hợp với xu thế của thị trường và là động lực để Tập đoàn cùng với các thành viên tiếp tục tăng cường sản phẩm có chứng chỉ.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn một số thành viên, đơn vị gặp khó khăn trong việc đáp ứng các tiêu chí của chứng chỉ bền vững, đặc biệt là kế hoạch giao đất, quy hoạch phát triển kinh tế còn nhiều biến động hoặc hồ sơ pháp lý về đất chưa hoàn chỉnh ở một số địa phương. Do đó, cần có sự hỗ trợ của các cơ quan thẩm quyền để có kế hoạch ổn định, dài hạn và hoàn chỉnh hồ sơ pháp lý cho các diện tích đất giao cho doanh nghiệp sản xuất.

Ngoài ra, gỗ cao su của các doanh nghiệp Nhà nước phải tuân thủ theo quy định về thanh lý tài sản Nhà nước qua thủ tục đấu giá. Do gỗ cao su chưa được xem là hàng hóa mua bán theo cơ chế thị trường, đã làm giảm khả năng đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường về thời gian, quy mô… Cần sớm có cơ chế hợp lý cho gỗ cao su của doanh nghiệp Nhà nước để hòa nhập vào thị trường trong nước và thế giới.

Xin trân trọng cám ơn ông!

P.V (ghi)