Các khu công nghiệp VRG: Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp phòng chống dịch, sản xuất tốt

CSVN – Mặc dù tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp từ đầu năm 2021 đến nay, tuy nhiên, các KCN thuộc VRG đã triển khai nhiều biện pháp để thực hiện tốt mục tiêu kép vừa phòng chống dịch, vừa duy trì phát triển sản xuất. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của các KCN luôn chủ động đưa ra nhiều giải pháp ứng phó trong từng thời điểm, hỗ trợ các doanh nghiệp. Do đó, kết quả SXKD tương đối tích cực.

126 phần quà được Công đoàn KCN Long Khánh trao tặng cho NLĐ Xí nghiệp cơ điện bị phong tỏa trong KCN. Ảnh: Trọng Nhân
Nhiều biện pháp ứng phó để thực hiện kế hoạch

Để đảm bảo hoàn thành kế hoạch SXKD năm 2021, các KCN hướng dẫn, hỗ trợ các nhà đầu tư. Thực hiện các thủ tục theo Quyết định số 23/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) trong việc tổ chức 3 tại chỗ tại nhà máy và thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch bệnh theo yêu cầu địa phương.

Ban quản lý các KCN tổ chức mô hình làm việc phù hợp với tình hình dịch bệnh, bố trí cho NLĐ làm việc và sinh hoạt tại chỗ để đảm bảo hoạt động liên tục của các dịch vụ hạ tầng toàn KCN như công tác đảm bảo an ninh, trật tự; công tác cấp nước, cấp điện; xử lý nước thải, rác thải… Cập nhật liên tục các chỉ đạo của địa phương, chỉ đạo của Tập đoàn để phổ biến cho các DN trong khu.

Giữ liên lạc 24/24 với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của địa phương và kết nối 24/24 với các DN trong KCN để xử lý kịp thời các phát sinh liên quan đến dịch tễ. Kết nối với các nhà đầu tư có quan tâm để cung cấp các thông tin cần thiết nhằm thu hút các nhà đầu tư vào các KCN còn quỹ đất ngay sau khi tình hình dịch được kiểm soát và ổn định.

Tùy theo thực tế, các KCN có phương án cụ thể miễn, giảm, giãn, hoãn chi phí để hỗ trợ nhà đầu tư bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Trước diễn biến ngày càng phức tạp của đại dịch Covid – 19, các KCN nâng cao cảnh giác, có nhiều giải pháp ứng phó phòng, chống dịch theo từng thời điểm cụ thể. Đẩy mạnh làm việc trực tuyến thông qua công nghệ, đảm bảo chặt chẽ nguyên tắc 5K, test nhanh 3 – 7 ngày/lần, test PCR trước và sau mỗi kíp làm 3 tại chỗ.

Linh hoạt làm việc theo từng thời điểm

Trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp, các KCN đã linh hoạt bố trí làm việc trực tuyến và 3 tại chỗ, đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, giữ gìn an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường trong KCN, tích cực phối hợp địa phương theo dõi tình hình trong khu cách ly tạm thời bệnh nhân F0. KCN An Điền bố trí NLĐ làm việc 1/3 số lượng với nhân viên văn phòng, riêng lực lượng bảo vệ và nhà máy xử lý nước thải vẫn làm việc 100% 3 tại chỗ.

Hỗ trợ các DN cho NLĐ test nhanh 3 ngày 1 lần. KCN Long Khánh đã bố trí khu nhà văn phòng làm khu cách ly tạm thời trong KCN với diện tích 420m2, quy mô 20 giường, đảm bảo các vật dụng sinh hoạt cá nhân cần thiết, điện, nước, nhà vệ sinh và an toàn về phòng cháy chữa cháy.

Ông Nguyễn Anh Tuấn – TGĐ KCN Tân Bình, chia sẻ: “KCN Tân Bình bố trí 50% làm việc trực tuyến và 50% làm việc 3 tại chỗ. Bản thân tôi cũng làm việc 3 tại chỗ để theo sát, hỗ trợ các DN. Lực lượng NLĐ của công ty làm việc 3 tại chỗ kết nối 24/24 với DN và thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đảm bảo phòng chống dịch. Do ảnh hưởng của dịch, nên số lượng DN hoạt động chỉ còn 1/3, từ 15.000 NLĐ giảm còn 4.900 người.

Một số DN làm việc 3 tại chỗ, đơn hàng giảm, tồn kho nhiều, sản xuất cầm chừng, phải nuôi công nhân tại xưởng. Công ty thuờng xuyên thăm hỏi, động viên DN, NLĐ, nắm bắt tình hình sản xuất, phòng chống dịch, ghi nhận những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện 3 tại chỗ để kịp thời hỗ trợ, hoặc kiến nghị lãnh đạo các cấp để kịp thời giải quyết. Chúng tôi luôn đồng hành và tích cực hỗ trợ tối đa cho các DN vượt qua đại dịch”.

Tính đến hết tháng 8, KCN Dầu Giây đã cho thuê 199 ha đất, đạt hơn 90% diện tích có thể cho thuê của toàn dự án. Tổng doanh thu hơn 84,6 tỷ đồng (đạt gần 60% kế hoạch). Lợi nhuận sau thuế hơn 48,4 tỷ đồng (đạt hơn 67,8% kế hoạch). Hiện nay, công ty có 32 lao động, tiền lương bình quân tháng 8 đạt hơn 13,5 triệu đồng/người/tháng.

Lãnh đạo công ty cho biết, do diễn biến dịch bệnh còn nhiều phức tạp, do đó trong tháng 9 này, công ty tiếp tục tăng cường công tác phòng chống dịch. Đồng thời, xem xét hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh cho các nhà đầu tư bị ảnh hưởng do dịch bệnh. Đối với hoạt động kinh doanh, công ty tiến hành thương thảo hợp đồng thuê lại đất với các nhà đầu tư đã ký biên bản thỏa thuận để hoàn thành kế hoạch đề ra. Hỗ trợ các thủ tục pháp lý để nhà đầu tư sớm triển khai thực hiện dự án.

Đảm bảo “3 tại chỗ” ở Công ty TNHH Hong Yi Furniture trong KCN Tân Bình. Ảnh: Nam Lâm
Linh hoạt nhiều giải pháp thực hiện tốt mục tiêu kép

Trong thời gian qua, Ban quản lý các KCN thường xuyên phối hợp với các cấp chính quyền địa phương hỗ trợ, kiểm tra, giám sát các DN thực hiện 3 tại chỗ trong KCN, quản lý chặt chẽ NLĐ và phương tiện ra vào KCN. Thường xuyên nhắc nhở, hỗ trợ truyền tải thông tin của các cấp chính quyền để DN nắm vững và thực hiện tốt.

Đảm bảo thực hiện tốt mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch, vừa sản xuất tốt”. Đặc biệt, quan tâm giải quyết thỏa đáng những khó khăn của NLĐ trong quá trình làm việc và lưu trú tại DN. Tùy tình hình thực tế của DN, các KCN xem xét giảm, giãn thời gian thanh toán phí sử dụng hạ tầng và phí quản lý hạ tầng đến 31/12/2021.

“KCN An Điền có 82 DN hoạt động, dịch kéo dài gây ảnh hưởng, đã có 15 DN ngừng hoạt động do không đủ nguồn nguyên liệu để sản xuất, số lượng công nhân đông không thực hiện được 3 tại chỗ và 1 cung đường 2 điểm đến. Công ty vẫn tích cực hỗ trợ các DN về mặt an ninh trật tự, PCCN, tuyên truyền phòng chống dịch.

Hỗ trợ xử lý các hồ sơ, thủ tục pháp lý; lên danh sách, liên hệ và sắp xếp cho NLĐ xét nghiệm PCR miễn phí để giảm bớt chi phí cho các DN. Hiện tại, công ty đang cho các DN giãn nộp tiền duy tu, quản lý hạ tầng. Các DN kiến nghị giảm, miễn tiền duy tu, quản lý hạ tầng KCN, công ty đang báo cáo Tập đoàn xin chỉ đạo” – Ông Trần Quốc Thái – TGĐ KCN An Điền, cho biết.

Nhằm hỗ trợ, chia sẻ những khó khăn với doanh nghiệp trong KCN, trong tháng 8 vừa qua, Công đoàn các KCN này đã phối hợp với Ban TGĐ tổ chức tặng quà lương thực, thực phẩm thiết yếu, như: bánh kẹo, nước yến, sữa… cho NLĐ bị phong tỏa và NLĐ sản xuất 3 tại chỗ trong KCN. Theo đó, KCN Dầu Giây hỗ trợ quà và thực phẩm cho các DN 3 tại chỗ với chi phí 52 triệu đồng. KCN Long Khánh tặng lương thực thực phẩm cho một công ty bị phong tỏa trong KCN với chi phí hơn 25 triệu đồng…

KCN Nam Tân Uyên thường xuyên thăm hỏi doanh nghiệp về tình hình sản xuất, lao động, cách phòng chống và ứng phó với dịch, theo dõi và cập nhật hàng ngày thông tin 3 tại chỗ, 1 cung đường – 2 địa điểm của doanh nghiệp. Nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong việc thực hiện 3 tại chỗ để kiến nghị với lãnh đạo các cấp kịp thời giải quyết. Đồng thời kiến nghị VRG và HĐQT công ty có chính sách phù hợp hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Nhằm góp sức vào công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn thị xã Tân Uyên, công ty đã hỗ trợ Quỹ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của UBND thị xã với số tiền 500 triệu đồng.

Đẩy mạnh tiêm vaccine từ nhiều nguồn

Các KCN phấn đấu đến cuối năm 2021, 100% NLĐ cùng gia thuộc tiêm vaccine và hỗ trợ các nhà đầu tư trong KCN tiêm vaccine 100%. “KCN Bắc Đồng Phú đã tiêm vaccine mũi 2 hơn 85% NLĐ. Tích cực hỗ trợ kết nối và chuẩn bị cơ sở vật chất để tiêm cho công nhân trong KCN với tổng cộng 3 đợt tiêm và đã tiêm 3.320 mũi 1, 189 chuyên gia Trung Quốc và 662 công nhân trong KCN đã được tiêm mũi 2” – ông Phạm Phi Điểu – TGĐ KCN Bắc Đồng Phú, cho biết.

KCN Long Khánh hiện có 26 DN đăng ký sản xuất theo phương án 3 tại chỗ với số lao động 3.443 người. 25 DN hoạt động bình thường. Qua 2 đợt tiêm vaccine đã có 25 DN được tiêm với số lượng là 5.199 người. KCN Dầu Giây hiện có 14 DN thực hiện phương án 3 tại chỗ với 844 lao động. 1 DN và 4 nhà thầu thực hiện phương án “1 cung đường 2 địa điểm” với 650 lao động và 4 DN ngừng hoạt động sản xuất với 2.441 lao động. Trong tháng 8 có 16/19 DN được tiêm mũi 1 với 1.941 NLĐ.

KCN Tân Bình đã tiêm gần 100% NLĐ và hỗ trợ 4.900 lao động (100%) các DN tiêm vaccine. KCN An Điền cũng đã tiêm mũi 2 cho 53/59 NLĐ, hỗ trợ liên hệ nguồn vaccine, trả chi phí trang thiết bị, thuê lực lượng y tế địa phương để tiêm mũi 1 cho 3.852 công nhân và 230 chuyên gia người nước ngoài (gần 100%, do một số NLĐ nằm trong khu phong tỏa chưa tiêm được).

KCN Nam Tân Uyên đã tiêm vaccine cho 138/141 lao động toàn đơn vị, 3 trường hợp còn lại chưa tiêm do đang ở chế độ thai sản và điều trị bệnh. Hỗ trợ 8.128 lao động các DN tiêm đợt 1 và dự kiến tiêm đợt 2 với khoảng 3.035 lao động.

Trong thời gian tới, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các KCN tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, địa phương, Tập đoàn và thường xuyên theo dõi, kiểm tra các DN thực hiện 3 tại chỗ. Các KCN tiếp tục hỗ trợ các DN và kết nối với nhiều nguồn nhằm hỗ trợ các DN tiêm vaccine, nỗ lực thực hiện tốt mục tiêu kép.

NHÓM PV