CSVN – Tháng chín về, trong xốn xang của bao thế hệ học trò, thầy cô giáo cả nước đón chào năm học mới. Như thường lệ, những đứa trẻ ở vùng có dịch chúng tôi cũng dậy rất sớm để đón chờ ngày lễ trọng đại của thời áo trắng. Nhưng lễ khai giảng năm nay thật đặc biệt – ngồi trước màn hình, dự lễ trực tuyến.
Tiếng trống khai giảng vang lên, vẫn có quốc ca hùng tráng, vẫn có thầy hiệu trường đọc thư chúc mừng, vẫn có lời hứa đại diện của tập thể các thầy cô và đại diện học sinh đọc lời hứa quyết tâm… nhưng tất cả đều thực hiện bằng hình thức trực tuyến. Nhìn những em nhỏ nghiêm trang kính cẩn chào cờ, lòng tôi bồi hồi những xúc cảm thiêng liêng của những ngày khai giảng xưa cũ trong “Tôi đi học” của nhà văn Thanh Tịnh: “Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học”.
Tại một trường PTTH, cô hiệu trưởng đến từ rất sớm, cũng đánh trống khai trường, bài diễn văn vang vọng trong sân trường đầy nắng nhưng vắng bóng học trò:“Chúng ta đang sống trong thời khắc đầy thử thách gian nan, nhưng chúng ta còn hạnh phúc hơn biết bao bạn bè khác khi đang còn phải gồng mình giành giật sự sống trong khu điều trị hoặc cách ly tập trung, và biết bao em nhỏ mãi mãi không còn hơi ấm của gia đình vì dịch bệnh. Cô tin rằng các con sẽ vững tin, nỗ lực tiếp thu kiến thức với những tiết học áp dụng công nghệ mới…Tuy gặp khó khăn nhưng tất cả chúng ta đều đồng lòng cố gắng và vươn lên. Chúc cho sự bình yên của chúng ta, chúc năm học 2021 – 2022 thành công rực rỡ …”. Tiếng trống là sự khởi đầu, là sự thúc giục, nó như một hồi kèn xung trận để các thế hệ học sinh cố gắng vươn lên trong học tập trong một năm đầy bất trắc, tai ương. Tôi tự hứa với lòng mình phải thật cố gắng, thật nỗ lực để không phụ công ơn thầy cô dìu dắt và cả những tần tảo cha mẹ sớm khuya nuôi nấng cho đứa con được đến trường học tập. Một chút nuối tiếc, một chút bâng khuâng … Sao tôi yêu đến thế hình ảnh thầy cô, bè bạn, tôi yêu mái trường rợp mát cây xanh đến mùa nở rộ màu tím của hoa bằng lăng, màu đỏ thắm của hoa phượng, màu vàng chói chang của hoa điệp vàng…
Bất chợt nhìn qua khung cửa sổ, những tán lá xanh um của vườn cao su cứ vươn lên ngạo nghễ. Bất chợt nhớ lời dặn dò nhắc nhớ trong thư gởi động viên, thăm hỏi sinh viên là con em người lao động toàn ngành ở các địa phương thực hiện giãn cách xã hội vì dịch bệnh của vị Chủ tịch HĐQT VRG: “Đường đời phía trước còn nhiều chông gai thử thách, dịch bệnh chỉ là một trong những thử thách mà chúng ta cần phải đối mặt và vượt qua nó. Có một thông điệp hay và ý nghĩa về cây cao su chú muốn gửi đến các cháu “Nếu bạn cảm thấy mình mất đi một thứ gì đó thì hãy nhìn cây cao su mùa rụng lá. Dù mất đi bộ lá, cây vẫn đứng thẳng và cho những dòng vàng trắng vào mùa vụ mới”. Mặc dù phải đối mặt với muôn vàn khó khăn do đại dịch Covid – 19 gây ra, nhưng lãnh đạo Tập đoàn tin tưởng các cháu vẫn gắn bó, tự tin để cùng nhau vượt qua khó khăn như hiện nay…”.
Điều đó khiến tôi bùi ngùi xúc động và như được truyền thêm năng lượng tích cực thấy mình thật hạnh phúc khi được sống tháng ngày bình yên trong sự quan tâm, bảo bọc của cha mẹ, thầy cô và bè bạn. Và, phút giây này tôi biết trân trọng quý giá những khoảnh khắc của quá khứ, vững tin vào hiện tại, sống tiếp cho tháng ngày mai sau tươi đẹp, để thấy rằng mình sống có trách nhiệm với chính mình và với loài cây đã nuôi sống gia đình mình trong những ngày gian khó.
MINH KHÔI
Related posts:
- Thiêng liêng - Tượng đài Chi bộ Phú Riềng Đỏ
- Những cây cao su đầu tiên tại Thảo Cầm Viên - Sài Gòn
- Cao su Đồng Nai giải nhất Hội diễn Khu vực V
- Nhớ vị tư lệnh Binh đoàn cao su 23
- Chung tay thực hiện mô hình cà phê sách nông thôn
- Ngôi làng cổ của phu công tra
- Sẽ giải thể một số đội bóng chuyền
- Vườn cao su Lô 9: Minh chứng sống qua hàng thế kỷ
- Vườn cây cao su bảo tồn ở Cao su Phú Riềng
- Nét đẹp ngành cao su qua ảnh của Võ Minh Mẫn