Anh Đức Trung kính mến!
Chồng em hơn em 5 tuổi, năm nay anh 50, cùng là công nhân khai thác mủ cao su. Con gái đầu lòng của em lấy chồng ở thị xã, hai đứa đều đi làm cho một doanh nghiệp Nhà nước, không khá giả nhưng yên ổn. Đứa con trai của em thì lận đận. Nó ở với chị, chị có chồng, anh rể cũng rất thương em nhưng nó học hành không sáng như chị. Thi đại học 2 lần rớt cả hai, thôi, cho đi nghĩa vụ. Rồi về, chị gái lo tiền cho em học tiếng Nhật làm thợ việc. Được cái nó ngoan, nghe lời chị lắm. Thời gian học tiếng Anh chị nó lo hết. Rồi bao nhiêu là tiền thủ tục để đi. Các con trang bị cho hai vợ chồng em máy vi tính để nối Internet nói chuyện với con, rồi đọc báo, điện thoại biết kết bạn Zalo.
Vợ chồng em ở hơi xa thị trấn, vườn hương hỏa của nội rộng, ba má chồng đều vắn số sớm. Chồng em siêng năng và sáng trí, nên vườn được quy hoạch thành trang trại, gọn gàng ngăn nắp, đẹp đẽ… Tiền thu nhập từ trang trại góp và vay mượn một ít của bà con cho con trai đi Nhật, một năm là chúng em đã trả hết nợ.
Chuyện của em là đứa con trai đã về nước hồi đầu năm 2021. Cháu về cũng cách ly kỹ càng theo quy định. Cách ly là ở nhà đây thôi. Bây giờ là chuyện tương lai của cháu. Nó có tiếng Nhật, có tay nghề, chị nó nói sẽ tìm công ty cho nó ở thành phố, hoặc thị xã. Nhưng chồng em nói vợ chồng rồi sẽ già, con trai phải chăm sóc cha mẹ, nên điền viên, không đi đâu nữa.
Chồng em sợ cảnh xa con. Nhất là khi dịch bệnh như vầy, ảnh nói phải biết cuộc sống ở quê là tiên cảnh. Em rất phân vân. Chị nó nói là chị nhìn xa trông rộng. Ba nó thì nhất quyết, ở đây, cưới vợ, ôm cơ ngơi, không lăng xăng chi nữa. Anh Đức Trung thấy sao? Cảm ơn anh!
EM GÁI
Em gái thân mến!
Anh Đức Trung rất ngưỡng mộ gia đình em. Vợ chồng siêng năng sáng trí, cả hai con đều rất ngoan. Gia đình cho con trai đi nghĩa vụ quân sự là trách nhiệm công dân và rèn người, ít nhất cũng rèn được nếp quân phong quân kỷ. Hết nghĩa vụ, chị gái nghĩ cho nó đi con đường xuất khẩu lao động là sáng trí thật đấy. Đi cho biết chân trời thế nào. Là xứ người, nước Nhật kỷ cương, nước Nhật hiện đại, đi vậy học được nhiều điều lắm. Chắc chắn cháu là một công nhân khác hẳn với cung cách, nghĩ suy, cư xử như người công nhân chỉ ở trong nước. Vì vậy, anh Đức Trung không hoàn toàn đồng ý với cách nghĩ của chồng em: “Ở đây, ôm cơ ngơi, vui thú điền viên”
Đại dịch này sẽ đặt con người lại đúng vị trí mà mỗi người cần biết mình là ai. Là sống chậm đi, là sống với thiên nhiên, là yêu lấy môi trường mình ở, chăm sóc nó, là người thân và gia đình là quan trọng nhất. Là những gì lành mạnh trong suy nghĩ, trong cách sinh nhai, không cần nhiều tiền, không tham lam ham hố.
Tuy vậy, anh Đức Trung nghĩ, con trai em vẫn còn quá trẻ, cháu biết tiếng Nhật, có tay nghề cao… nên cho cháu làm việc và trải nghiệm ở môi trường phù hợp như cách “nhìn xa trông rộng” của chị gái. Có như thế mới tôi luyện, trưởng thành và nâng cao tay nghề, không phí hoài tuổi xuân với bao khát khao cống hiến.
Hiện tại, dịch bệnh đang lây lan, tạm thời cho cháu lui về với đồng rộng, như cách nghĩ của chồng em, xây dựng những cái đang có đi, theo nếp sống của người Nhật và rồi sẽ làm du lịch, làm cho làng quê cùng đẹp lên, sáng lên, yên bình, thịnh vượng…
Nhưng trong tương lai, khi dịch bệnh được khống chế, thành phố trở về cuộc sống bình thường mới, em hãy bàn bạc “thấu tình đạt lý” cho chồng em hiểu và thuận theo nguyện vọng của con trẻ. Sau này khi vợ chồng em đã già thì con cái lui về ruộng vườn, phụng dưỡng cha mẹ già, vui sống với thiên nhiên hữu tình, tâm an thân lạc cũng chưa muộn phải không em?
ANH ĐỨC TRUNG
Related posts:
- Ngành cao su hướng về đồng bào miền Trung
- Nhiệm kỳ 2017 – 2023 Công đoàn cao su Chư Prông phát triển được 1.112 đoàn viên
- Bình Dương đứng đầu cả nước về thu nhập bình quân đầu người
- Hạnh phúc gia đình xuất hiện "bóng đen"
- Việt Nam đối mặt đợt dịch nguy hiểm nhất từ trước tới nay
- TP HCM: Cập nhật mới toa thuốc điều trị Covid-19 tại nhà
- Thủ tướng: 'Khu công nghiệp phải vừa sản xuất, vừa chiến đấu'
- "Đất lành chim đậu"
- Lao động trẻ em và nỗi lo người lớn
- Bổ sung các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chịu tác động của dịch COVID-19