VRG chia sẻ kinh nghiệm về phát triển bền vững tại hội thảo của PEFC

CSVNO – Nhằm chia sẻ một số kết quả, kinh nghiệm của doanh nghiệp và cao su tiểu điền đã đạt chứng chỉ quốc tế PEFC về quản lý bền vững rừng cao su và chuỗi hành trình sản phẩm, đồng thời, xây dựng kết nối với thị trường, ngày 22/9, Hệ thống chứng chỉ rừng quốc tế PEFC đã tổ chức Hội thảo trực tuyến “Chứng nhận cao su bền vững PEFC – góc nhìn từ những người tiên phong”.

Các diễn giả báo cáo tại hội thảo
PEFC đẩy mạnh hỗ trợ cao su bền vững

Buổi hội thảo trực tuyến là một phần trong Chiến dịch hỗ trợ cao su bền vững của PEFC. Chiến dịch hỗ trợ những người sản xuất cao su, tạo ra sự kết nối giữa sản xuất, bảo vệ rừng, và nâng cao đời sống của người trồng cao su.

Tại hội thảo, các diễn giả đã chia sẻ, thảo luận lợi ích của chứng nhận PEFC, bao gồm cải tiến hệ thống quản lý, giảm thiểu rủi ro, mở rộng khả năng tiếp cận thị trường, cải thiện sinh kế và năng suất của các tiểu điền; trả lời các câu hỏi kỹ thuật thường gặp trong quá trình thực hiện chứng chỉ; giải thích rõ ràng về tất cả các loại hình chứng nhận, bao gồm chứng nhận quản lý rừng bền vững cho các cao su tiểu điền và doanh nghiệp, chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm cho các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị cao su.

Chương trình phát triển bền vững của VRG giai đoạn 2019 – 2024

Với 15 năm làm việc trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương để triển khai các phương pháp quản lý rừng bền vững nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường, ông Richard Laity – Quản lý PEFC khu vực Đông Nam Á đã trình bày về các phương thức PEFC hỗ trợ các thành phần trong chuỗi sản xuất cao su, giới thiệu phương pháp tiếp cận từ địa phương và hỗ trợ cho việc xây dựng các đánh giá rủi ro môi trường và xã hội trong ngành cao su.

Đến nay, PEFC đã công nhận chứng chỉ quản lý rừng (FM) cho hơn 330 triệu ha tại 44 quốc gia, chiếm 75% diện tích rừng được chứng nhận trên thế giới, và chứng chỉ chuỗi hành trình sản phẩm (CoC) cho khoảng 20.000 công ty/tổ chức của 70 quốc gia. PEFC hiện có 55 thành viên quốc gia và đã công nhận 49 hệ thống chứng nhận rừng quốc gia. Hệ thống chứng nhận rừng quốc gia của Việt Nam (VFCS) đã được PEFC công nhận từ ngày 29/10/2020, mở ra cơ hội cho các sản phẩm có chứng chỉ VFCS/PEFC thâm nhập vào thị trường thế giới đang yêu cầu sản phẩm được sản xuất và quản lý bền vững.

Hệ thống chứng chỉ rừng quốc tế PEFC đã thí điểm chứng nhận sản phẩm cao su thiên nhiên và gỗ cao su trên khắp Đông Nam Á. Bên cạnh loại hình chứng nhận đơn cho các chủ rừng là các công ty, nhờ hợp tác với những cao su tiểu điền ở tất cả các quy mô, PEFC đã áp dụng thành công loại hình Chứng nhận theo nhóm, cho phép các tiểu điền phối hợp và triển khai các biện pháp quản lý bền vững cùng nhau. Kinh nghiệm từ những người tham gia các dự án thí điểm đã mang lại giá trị quý báu cho ngành cao su trong việc thực hiện chứng nhận PEFC.

12 công ty thành viên VRG được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững
Trên 54.500 ha cao su của VRG đạt chứng chỉ VFCS/PEFC-FM

Tại hội thảo, ông Diệp Xuân Trường – Phó Ban Công nghiệp VRG đã báo cáo chia sẻ kinh nghiệm đã thực hiện và dự kiến kế hoạch tiếp theo để mở rộng số lượng diện tích cao su và nhà máy đạt chứng chỉ VFCS và PEFC.

“Tại Việt Nam, Cơ quan thành viên quốc gia của PEFC – VFCS (Hệ thống chứng chỉ rừng Việt Nam) được vận hành dưới sự quản lý của Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam đã kết nối và hướng dẫn VRG tạo điều kiện hỗ trợ cho các thành viên trong Tập đoàn, xây dựng phương án quản lý rừng bền vững và đăng ký thực hiện chứng chỉ rừng. Đến tháng 8/2021, đã có trên 54.500ha cao su của 12 công ty thành viên VRG được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững VFCS/PEFC-FM và 22 nhà máy chế biến mủ cao su được cấp chứng chỉ chuỗi hành trình sản phẩm PEFC-CoC” – ông Trường, cho biết.

Một số hình ảnh mủ cao su được cấp chứng chỉ chuỗi hành trình sản phẩm PEFC-CoC

Việc triển khai các chứng chỉ VFCS / PEFC đã mang lại cho VRG những lợi ích bao gồm cải thiện hệ thống quản lý nội bộ, tăng hiệu quả đầu tư, giảm tác động tiêu cực đến môi trường và xã hội, tạo dựng lại niềm tin của thị trường vào năng lực của VRG trong quản lý rừng cao su bền vững và sản xuất có nguồn gốc, mở đầu cho VRG cơ hội để thỏa mãn nhu cầu thị trường mới. Một số khách hàng có kế hoạch dài hạn mua cao su thiên nhiên được chứng nhận PEFC của VRG. Cần có sự hợp tác giữa các tác nhân trong toàn bộ chuỗi cung ứng ngành cao su để cam kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm có chứng nhận, nhằm phát triển ngành cao su bền vững.

Định hướng mủ cao su được cấp chứng chỉ chuỗi hành trình sản phẩm PEFC-CoC giai đoạn 2021 – 2023

Hệ thống chứng chỉ rừng quốc tế PEFC đã thí điểm chứng nhận sản phẩm cao su thiên nhiên và gỗ cao su trên khắp Đông Nam Á. Bên cạnh loại hình chứng nhận đơn cho các chủ rừng là các công ty, nhờ hợp tác với những cao su tiểu điền ở tất cả các quy mô, PEFC đã áp dụng thành công loại hình Chứng nhận theo nhóm, cho phép các tiểu điền phối hợp và triển khai các biện pháp quản lý bền vững cùng nhau. Kinh nghiệm từ những người tham gia các dự án thí điểm đã mang lại giá trị quý báu cho ngành cao su trong việc thực hiện chứng nhận PEFC.

TUỆ LINH