CSVN – Chị Trần Thị Kim Tuyến – nhân viên văn phòng chi nhánh Công ty CP Chế biến gỗ Thuận An tại Bình Phước đã trải qua những ngày tháng không quên trong thời gian chi nhánh tổ chức sản xuất “3 tại chỗ”.
Chị chia sẻ đầy xúc động trong bài thi viết về cảm xúc “Những ngày lưu trú – 3 tại chỗ” do fanpage “Công nhân các khu công nghiệp Bình Phước và tuyển dụng” tổ chức. Bài viết của chị nhận được nhiều chia sẻ của bạn đọc, tổng kết cuộc thi, chị được trao giải nhì. Tạp chí Cao su Việt Nam giới thiệu những chia sẻ của chị, một nhân viên văn phòng kiêm “đạo diễn” khu bếp tập thể phục vụ gần 300 người lao động mỗi ngày.
Những ngày đầu ngược xuôi với bếp
Mình viết những dòng này khi đã cùng công ty bước sang ngày lưu trú thứ 44.
Vợ chồng mình cùng làm văn phòng trong chi nhánh Công ty CP Chế biến gỗ Thuận An tại Bình Phước. Ngoài ra mình còn quản lý bếp ăn công ty với khoảng 300 suất ăn mỗi ngày.
Khi nghe phong phanh công ty có thể sẽ thực hiện sản xuất theo phương án “3 tại chỗ”, mình như có luồng điện chạy ngang người. Nhẩm tính cho khoảng 300 người, ngày ăn 3 bữa chính, 1 bữa phụ là cả vấn đề, mà chỉ nghĩ đến thôi là đã nhức đầu. Ngày cầm tiền ứng từ công ty để mua thực phẩm bao gồm gạo, đường, mắm, muối, mì tôm dự trữ cho bếp ăn mà mình cứ bần thần.
Bên cạnh đầu tư cho căn tin, Ban giám đốc chi nhánh đã thông báo các chính sách, ưu đãi cho những ai ở lại cùng công ty sản xuất, vượt khó khăn do dịch bệnh Covid – 19. Ví dụ như được đem theo con nhỏ, cả ông bà nội ngoại đi theo trông trẻ, có gia đình 3, 4, 5 người. Công ty lo cho ăn uống đảm bảo sức khỏe, các chế độ đảm bảo an sinh.
Lãnh đạo đơn vị đã động viên mọi người cố gắng, mỗi cá nhân bớt chút xíu “cái tôi” để hòa nhập với tập thể, dù biết rằng, chẳng thể nào sánh được với lúc ở nhà, tự do, tự tại, nhưng trong hoàn cảnh này, chúng ta nào còn sự lựa chọn nào tốt hơn nữa???
Quay lại với bếp ăn, mình bắt đầu lên kế hoạch, sắp xếp công việc, động viên 2 chị bếp, thuê thêm người mới, mua sắm thêm vật dụng. Và rồi, đến ngày bắt đầu thì người mới không chịu làm vì sợ, mình gấp rút tìm người thay, nhưng chỉ được 2 ngày thì người thay này cũng bỏ chạy, đành nhờ chị gái xuống hỗ trợ.
Những ngày đầu cũng là lúc các chợ bị phong tỏa, đi lại khó khăn, thực phẩm khan hiếm, giá cả bị “đẩy lên trời”. Mình stress đến mất ăn, mất ngủ. Ngày đầu tiên cơm thừa. Ngày thứ 2 cơm thiếu, giám đốc phải ăn mì gói, ngày thứ 3 thì dần ổn định. Suốt 3 ngày liên tục, mình không ăn cơm, chỉ toàn uống sữa và làm việc 20, 21 tiếng/ngày, đến ngày thứ 4 thì toàn thân rệu rã, đau nhức khắp người. Tối đi ngủ kè kè theo 2 cái điện thoại, báo thức 2 lần cách nhau 10 phút. 1h, 2h sáng điện thoại vẫn reo báo hàng hóa. Đầu lúc nào cũng căng như dây đàn, 1 tuần đầu mình sút 3kg.
Đến tuần thứ 2, giám đốc chi nhánh nhận thấy không ổn, liền cắt người ở xưởng xuống hỗ trợ nhà bếp, vì như sếp nói “đường còn dài, đây chỉ mới bắt đầu”. Có người hỗ trợ, mình có thời gian nghỉ ngơi, lên thực đơn, liên hệ nhiều chỗ mua thực phẩm. Nếu 2 tuần đầu chỉ có bún, mì gói, bánh mì, nui cho bữa sáng thì đến tuần thứ 3 mình đã liên hệ được chỗ cung cấp bánh canh, hủ tiếu, bánh phở. Bắt đầu từ đây, đồ ăn sáng phong phú hơn.
Mình từng được đào tạo chính quy nghề bếp nên lúc này đem ra vận dụng. Mình hiểu được vấn đề ăn uống quan trọng như thế nào trong việc thực hiện lưu trú để sản xuất “3 tại chỗ” nên luôn cố gắng làm tốt nhất có thể. Thực phẩm luôn chọn lựa hàng tươi ngon, chế biến kỹ lưỡng và quan trọng nhất là đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Dẫu không thể làm hài lòng tất cả mọi người vì ăn uống mỗi người một cảm nhận, sự khác nhau về vùng miền, văn hóa cũng ảnh hưởng ít nhiều đến việc cảm nhận món ăn. “Bếp” của mình được khen nhiều, chê cũng không ít, chỉ biết cố gắng mỗi ngày, cố gắng sau mỗi bữa ăn, món nào nhiều phản hồi tiêu cực mình không làm nữa. Món nào được nhiều người thích mình lặp lại thường xuyên hơn.
“Sao mẹ nói chỉ đi 2 tuần?”
Khi mọi thứ dần ổn định thì mình nhận được tin anh trai ở Bình Dương dương tính với Covid – 19. Mình lo lắng tột độ khi mỗi ngày cập nhật số người mắc mới và cả tử vong. Mình tưởng tượng ra cảnh xấu nhất mà tay chân bủn rủn, tâm trạng rối bời nhưng vẫn cố trấn tĩnh để làm việc. Trong lúc này không mong gì hơn, chỉ mong bình an với mọi người, may mắn thay, sau hơn 10 ngày thì anh mình ổn.
Sau 4 tuần, mình mệt rã rời, muốn về nhà lắm rồi nhưng công ty tiếp tục “3 tại chỗ” thêm hai tuần nữa. Con gái ở nhà hỏi: “Mẹ ơi, mẹ nói dối hay ông chủ của mẹ nói dối, sao mẹ nói chỉ đi 2 tuần, rồi thêm 2 tuần, rồi lại 2 tuần nữa?”.
Mình trả lời: “Không con à, chỉ tại con virus đáng ghét kia làm cho cuộc sống thường ngày thay đổi. Khi nào ổn định, hết dịch mẹ về với con liền”. Mình cố gắng để lời nói không nghẹn đi và nước mắt không chảy vì xúc động.
Và mình biết đây không phải là tâm trạng của riêng mình, mà là của hàng ngàn ông bố bà mẹ trong hoàn cảnh phải sản xuất “3 tại chỗ” ở khắp mọi nơi. Đó là nỗi nhớ nhà, nhớ con, đan xen với sự lo lắng về dịch bệnh đang hoành hành khắp nơi mà chưa có dấu hiệu sụt giảm.
Mặc dù vậy, trong khi mình bận rộn với bếp, với thức ăn thì xung quanh mình, mọi người tranh thủ cắt tóc cho nhau. Đến lúc này, mình biết ở công ty có những thợ cắt tóc xịn xò vô cùng, mọi người tranh thủ tập thể dục, động viên nhau cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn này. Những người chọn không ở lại công ty đã bắt đầu muốn được đi làm trở lại. Mọi người nhắn tin hỏi han nhau bao giờ về, bao giờ được đi làm trở lại.
Về phần gia đình ở nhà thật sự là hậu phương vững chắc giúp mình và mọi người yên tâm công tác. Cứ như thế, những NLĐ của chi nhánh Công ty CP Chế biến gỗ Thuận An đã cùng nhau đoàn kết lao động, đùm bọc yêu thương nhau và vượt qua những “ngày tháng không thể nào quên” của sản xuất “3 tại chỗ”.
KIM TUYẾN
Related posts:
- Bền
- Mùa hoa trên cao nguyên đá Đồng Văn
- Tôi yêu cây cao su
- 95 năm cao su Việt Nam
- "Xin hát về bạn bè tôi"
- Tết Chôl Chnăm Thmây 2019 vui hơn mọi năm
- Bám trụ vườn cây, tuyên truyền phòng chống dịch
- Giám đốc đồn điền và những người giúp việc
- Ngày hội của người lao động
- Bí thư xứ ủy Lê Duẩn với “mặt trận cao su chiến”