CSVNO – Sáng 17-9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổ chức hội nghị trực tuyến bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, phục hồi chế biến, xuất khẩu nông sản, thủy sản sau giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg ở khu vực Nam Bộ.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nhận định để phát triển kinh tế, trong đó đặc biệt là với tính chất sản xuất nông nghiệp như 13 tỉnh, thành ĐBSCL thì cần xem đây là một thực thể kinh tế chứ không phải 13 mảnh ghép địa giới hành chính. Sẽ khó phát triển ĐBSCL nếu tư duy theo 13 tỉnh, thành. Các địa phương đang họp bàn giải pháp phục hồi kinh tế sau dịch nhưng nếu các tỉnh, thành chỉ tư duy cho địa phương mình thì sẽ không thành công.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Hoài Nam – Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) – nhìn nhận chỉ 30%-40% doanh nghiệp (DN) đủ năng lực để phục hồi sản xuất ngay sau khi kết thúc giãn cách xã hội. Số DN còn lại rất khó hoặc cần thời gian dài, từ 3 tháng đến 2 năm để khôi phục lại hoạt động sản xuất.
Về tiến độ tiêm vắc-xin cho công nhân chế biến thủy sản, ông Nam cho biết có tỉnh mới tiêm cho dưới 10% công nhân, có tỉnh 20%-40%, một số nơi quan tâm đã tiêm được trên 80% và cũng có địa phương phần lớn công nhân chưa được tiêm. Việc này không chỉ tác động đến tâm lý các DN, mà còn ảnh hưởng lớn đến phương án sản xuất và khả năng phục hồi sản xuất của DN.
Vì vậy, đại diện VASEP kiến nghị Bộ NN-PTNT hỗ trợ DN xây dựng phương án và cùng DN làm việc với địa phương khi trình phương án tổ chức sản xuất trong thời gian mở giãn cách từng phần nhằm khôi phục sản xuất để địa phương phê duyệt nhanh nhất vì thời gian của năm không còn nhiều. Làm sao để nhà máy sản xuất được, càng tối đa công suất càng tốt. Xem xét cho đối tượng đã hết bệnh và những người đã tiêm vắc-xin ít nhất 1 mũi được tham gia phục hồi sản xuất.
Bộ NN-PTNT hỗ trợ, tác động với các địa phương tạo cơ chế thông thoáng, thống nhất giữa các địa phương có nhà máy chế biến, vùng nguyên liệu để việc đi lại của người nuôi, người thu hoạch trong các khu vực nuôi trồng thủy sản hợp pháp được tiếp tục. Đặc biệt, đối với ngành tôm và cá tra, xem xét cho công nhân thu hoạch di chuyển giữa các huyện và liên tỉnh; thực hiện việc xét nghiệm PCR đối với nhóm lao động quan trọng này, thay vì cách ly họ 14 ngày.
Bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vĩnh Hoàn, cũng đề nghị 7 địa phương sản xuất cá tra cần có cuộc họp để tạo điều kiện lưu thông cho nhân công thu hoạch, nhân viên cung ứng giống đến các địa phương.
Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, kiến nghị ngành nông nghiệp cần có giải pháp khuyến khích bà con phục hồi sản xuất thì DN mới có nguyên liệu để chế biến, từ đó có thể tạo việc làm, thu nhập cho người lao động tại các nhà máy. Ông Quang dự báo cuối năm sẽ thiếu nguyên liệu tôm trầm trọng. Bên cạnh đó, DN cũng rất lo lắng bởi không có nguyên liệu chế biến để trả các đơn hàng.
Trong báo cáo gửi Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Tổ công tác 970 của Bộ NN-PTNT cho rằng để khôi phục, phát triển sản xuất nhằm hoàn thành kế hoạch năm 2021, bảo đảm an ninh lương thực, thực phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ, giữ vững thị trường xuất khẩu nông sản của Việt Nam, đề nghị Bộ NN-PTNT kiến nghị Chính phủ có Nghị quyết riêng về khôi phục và phát triển sản xuất nông nghiệp trong và sau dịch Covid-19 để duy trì đà tăng trưởng và bảo đảm nguồn lương thực, thực phẩm lâu dài cho đất nước.
theo nld.com.vn
Related posts:
- Phát triển hạ tầng khu công nghiệp: Tiềm năng và thế mạnh của VRG
- Trên lô ngày giãn cách
- Nỗ lực tiếp bước thành công
- Trang sử mới - Kỳ tích mới!
- VRG có 20 công ty đạt Doanh nghiệp bền vững năm 2021
- VRG phấn đấu đạt sản lượng cao nhất
- TS Nguyễn Anh Nghĩa – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam: "Ứng dụng khoa học công nghệ ...
- VRG ủng hộ tỉnh Sơn La khắc phục hậu quả mưa lũ
- VRG vượt khó hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao
- Cao su Dầu Tiếng: Trên 79% cán bộ công nhân được tiêm vaccine ngừa Covid -19