CSVNO – Các bộ ngành, địa phương, hiệp hội cho rằng mục tiêu xuất khẩu nông sản năm 2021 đạt khoảng 44 tỷ USD như kế hoạch đặt ra hiện đang là một thách thức rất lớn.
Nông nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề
Báo cáo tại Hội nghị trực tuyến thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19 sáng 13/9, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết từ tháng 7/2021, dịch bệnh diễn biến phức tạp tại hầu hết các địa phương, đặc biệt là các tỉnh phía Nam đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, thu hoạch, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản.
Đồng thời làm đứt gãy các chuỗi sản xuất, ùn ứ nông sản ở nhiều nơi, gây khó khăn vướng mắc cho sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu; tăng nguy cơ thiếu hụt lương thực, thực phẩm những tháng cuối năm, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán.
Theo Bộ NN-PTNT, kim ngạch xuất khẩu nông sản đã đạt được tốc độ tăng trưởng khá trong 6 tháng đầu năm 2021. Tuy nhiên, bắt đầu từ tháng 7 do dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh ở nhiều địa phương, đặc biệt là các tỉnh trọng điểm về nông nghiệp phía Nam nên việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch đã ảnh hưởng tiêu cực, làm cho việc sản xuất, thu hoạch, chế biến, tiêu thụ xuất khẩu nhiều nông sản sụt giảm khá mạnh.
8 tháng đầu năm 2021, Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu 32,13 tỷ USD nhờ những nỗ lực, quyết tâm cao của Chính phủ, các bộ ngành; đặc biệt là sự nỗ lực, chủ động vượt khó của doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng tận dụng xu hướng phục hồi các hoạt động, dịch vụ, tiêu dùng từ các thị trường trọng điểm như Hoa Kỳ, EU… do tỷ lệ tiêm vacxin cao.
Tuy nhiên các bộ ngành, địa phương, hiệp hội đều cho rằng mục tiêu xuất khẩu nông sản cả năm 2021 đạt khoảng 44 tỷ USD như kế hoạch đặt ra hiện đang là một thách thức rất lớn nếu dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp.
Không để thiếu lương thực dịp Tết Nguyên đán
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, dịch bệnh Covid-19 đã làm sản xuất, lưu thông, xuất khẩu nông sản gặp nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp chế biến nông sản đang thiếu hụt vốn để duy trì sản xuất kinh doanh.
Về lưu thông, việc vận chuyển hàng hóa, vật tư, sản phẩm ra vào khu vực sản xuất vẫn gặp khó khăn tại các huyện, xã, thôn bản.
Việc triển khai thực hiện “3 tại chỗ” tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến, giết mổ gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, phát sinh chi phí lớn; nhiều doanh nghiệp không thể bố trí đủ cơ sở vật chất để thực hiện sản xuất, kinh doanh theo phương thức này.
Các nhà máy đang gặp khó khăn do một lực lượng lao động lớn phục vụ sản xuất, chế biến nông sản đã phải trở về địa phương khi thực hiện giãn cách xã hội.
Việc xuất hiện các trường hợp F0 tại các cơ sở sản xuất, chế biến khiến nhiều doanh nghiệp phải dừng hoạt động để đảm bảo không lây lan dịch bệnh hoặc do nằm trong khu vực phải cách ly, phong tỏa, dẫn đến tình trạng đứt gãy các chuỗi sản xuất, cung ứng.
Nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong quá trình vận chuyển vật tư, sản phẩm nông sản ra vào khu vực sản xuất, nơi các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội. Ngoài ra, chi phí vận tải biển đã tăng cao lên 6-7 lần, thậm chí đến 10-13 lần ở một số chặng mà doanh nghiệp không đặt được tàu và container để xuất khẩu.
Đặc biệt, thời gian qua, giá thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật liên tục tăng. Giá vật tư như thức ăn chăn nuôi, thủy sản tăng từ 16-30%. Chi phí điện, nước cho sản xuất, kho lạnh, chi phí lưu kho và nhiều chi phí khác tăng cao. Trong khi đó, giá sản phẩm nông sản giảm sâu khiến sản xuất và thương mại của ngành nông nghiệp giảm sút, giá bán sản phẩm có loại chỉ bằng 30% giá thành.
Nhu cầu tiêm vacxin Covid-19 cho công nhân sản xuất, chế biến, thu hoạch, đóng gói, thu mua, vận chuyển lưu thông hàng hóa rất cao, nhưng hiện mới đáp ứng được 10 -15% cho mũi thứ nhất.
Khu vực HTX nông nghiệp bị tác động nặng nề. Đến nay có 80-90% số HTX nông nghiệp tại các địa phương thực hiện giãn cách đã bị giảm doanh thu. Khoảng 1/2 lao động thường xuyên của HTX bị giảm hoặc cắt lương.
Từ những khó khăn mà ngành nông nghiệp đang gặp phải, đối với sản xuất trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu các địa phương phối hợp chặt chẽ với người dân, doanh nghiệp trong xây dựng kế hoạch tổng thể về tái sản xuất nông nghiệp. Trong đó, lưu ý không để xảy ra nguy cơ thiếu lương thực, thực phẩm vào dịp Tết Nguyên đán.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ NN-PTNT đôn đốc các địa phương triển khai kế hoạch nuôi trồng theo đúng tiến độ đã đưa ra từ đầu năm. Bên cạnh đó xây dựng phương án và chỉ đạo điều chỉnh linh hoạt cơ cấu mùa vụ, loại nông sản nuôi trồng để điều tiết nguồn cung, tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp, thực sự để nông nghiệp trở thành trụ đỡ của nền kinh tế trong điều kiện khó khăn.
theo Nông nghiệp Việt Nam
Related posts:
- Thế giới có thể thiếu hụt nguồn cung cao su trong năm 2023
- 19 doanh nghiệp được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu "Cao su Việt Nam"
- Tiêu thụ trên 1,5 triệu quả bóng thể thao
- Chính phủ Malaysia hỗ trợ cao su tiểu điền sản xuất mủ
- Cổ phiếu GVR: Cải thiện biên lợi nhuận, kỳ vọng vào rổ VN30
- Cao su Đồng Phú chia cổ tức 30%/mệnh giá
- “Chứng nhận phát triển bền vững nâng cao vị thế thương hiệu sản phẩm”
- Chủ động, linh hoạt nhiều giải pháp để ổn định thị trường tiêu thụ
- Sản phẩm sản xuất trên đất chặt phá rừng sẽ không được phép vào thị trường châu Âu
- Doanh nghiệp cao su tại Lào gặp khó trong tiêu thụ