CSVN – Chị Nguyễn Thị Đến (43 tuổi) là công nhân tiêu biểu của Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Nam. Chị là tấm gương điển hình tiên tiến của đơn vị, hết lòng vì công việc và luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Nhà chị cách vườn cây hơn 30km, xa và đường núi khó đi, nên chị đóng lán trại ngay vườn cao su để tiện làm việc.
Luôn chăm chút vườn cây
Chị Nguyễn Thị Đến là công nhân khai thác Tổ 2, NT Phước Sơn, Cao su Quảng Nam. Hơn 13 năm gắn bó với cây cao su là khoảng thời gian nỗ lực, phấn đấu không ngừng của chị Đến.
Ngồi bên lán chờ trút mủ, chị tâm sự: “Được tặng danh hiệu Công nhân Cao su ưu tú, tôi vui lắm! Đây là sự động viên, khích lệ đối với những nỗ lực của tôi trong 13 năm qua. Tôi sinh ra và lớn lên ở Tân Bình, huyện Hiệp Đức – huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam. Năm 2007, tôi vào làm việc tại Nông trường Phước Sơn, nhận chăm sóc 4,38 ha cao su kiến thiết cơ bản. Chồng tôi cũng là công nhân cao su của Nông trường Phước Sơn, nhưng làm khác tổ. Bản thân tôi từ khi vào làm việc tại Nông trường đã ra sức hăng hái thi đua lao động sản xuất, luôn nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao”.
Chị Đến quan niệm, cây cao su cũng như con người, muốn khỏe mạnh thì phải được chăm sóc đầy đủ, bảo vệ tốt. Trong những năm khi còn chăm sóc vườn cây kiến thiết cơ bản, chị luôn nỗ lực làm tốt công tác chăm sóc, bón phân… đúng thời vụ, quy trình kỹ thuật, vườn cây đảm bảo mật độ, sức sinh trưởng vượt so với quy trình.
Đặc biệt từ năm 2013, khi vườn cây đưa vào khai thác đến nay, chị luôn hoàn thành kế hoạch sản lượng mủ được giao, hàng năm luôn vượt trước kế hoạch của nông trường giao từ 30 ngày. Thu nhập hằng tháng của chị năm 2020 bình quân trên 7,5 triệu đồng.
Hết lòng với công việc
Không chỉ là người thợ cần mẫn, chị Đến còn là người luôn trăn trở làm thế nào để thao tác đỡ vất vả, làm thế nào để thu được mủ nhiều mà không ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây?
Từ trăn trở đó, chị quyết tâm học hỏi nâng cao tay nghề, ứng dụng các sáng kiến cải tiến kỹ thuật vào khai thác mủ. Vào mùa thu hoạch, chị không ngại ra lô từ 1 – 2 giờ sáng để cạo mủ. Nhờ đó, sản lượng mủ và thu nhập của chị luôn dẫn đầu trong tổ. Khi có công nhân ốm đau, có việc bận đột xuất, chị sẵn sàng nhận cạo giúp không để lô cao su bị bỏ trống, thất thu cho đơn vị.
“Kỷ niệm tôi nhớ nhất là ngày đầu tiên đi làm, lên núi đường rất khó đi, nhiều đoạn phải đi bộ. Vào trong núi không có điện, không có sóng điện thoại, tôi rất buồn, nhớ nhà… Ngày nào cũng tự khuyên mình phải cố gắng, mong có thu nhập ổn định để lo cho 2 con. Làm riết rồi quen, tuy công việc vất vả, dậy sớm thức khuya, vườn cây rất nhiều đồi dốc, vất vả nhất là mùa mưa… nhưng tôi rất yêu công việc này. Hai con tôi giờ đã trưởng thành, bé lớn đang làm giáo viên mầm non, con trai 20 tuổi đang đi nghĩa vụ quân sự”.
Nhận xét về công nhân ưu tú Nguyễn Thị Đến, ông Cao Vạn Lực – GĐ NT Phước Sơn, cho biết: “Chị Đến không chỉ nỗ lực hoàn thành và vượt mức sản lượng, tích cực rèn luyện tay nghề, chị còn tích cực tham gia các phong trào của Công đoàn phát động. Chị sẵn sàng nhận cạo choàng, cạo thay, giúp đỡ đồng nghiệp khi ốm đau, khó khăn. Với những thành tích đạt được, chị đã được tặng nhiều bằng khen, giấy khen của Công ty cũng như Tập đoàn, Công đoàn CSVN, đạt danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” của địa phương. Chị Đến là một tấm gương sáng để công nhân học tập, noi theo”.
THIÊN HƯƠNG
Related posts:
- “Khó ở đâu tháo gỡ ở đó”
- Khi lao động chủ động đến "đầu quân"
- Tự hào truyền thống, kiên định với nghề
- Nàng Vi quyết tâm gắn bó với nghề
- Gắn bó với cao su không chỉ là công việc mà còn là truyền thống
- Nơi nào khó có tổ trưởng
- Gặp người công nhân cao su dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc
- Xây dựng hình ảnh công nhân thời đại mới bản lĩnh, trình độ
- Đổi đời khi vào vùng cao su lập nghiệp
- Truyền thống - Mạch ngầm chảy mãi