CSVN – “Cô ơi, con và mẹ đã về đến Phú Yên lúc 12 giờ khuya, trên đường suôn sẻ và thuận lợi. Nhưng con và mẹ phải cách ly tập trung 14 ngày. Cô yên tâm, hẹn gặp lại cô khi TP. HCM hết dịch” – Đó là tin nhắn của em Công (quê Phú Yên) – sống tại dãy nhà trọ và là hàng xóm của gia đình tôi.
Những đêm không ngủ
Vợ chồng anh Thu – quê ở Quảng Ngãi thẩn thờ nhìn xe hủ tiếu được che chắn sơ sài bên hiên nhà, nghiêng ngả dưới trận mưa chiều đầy gió. Đôi mắt thâm quầng dõi theo tình hình dịch bệnh, không đi bán là không có tiền trả tiền phòng trọ và tiền gởi về quê cho ông bà nội chăm 2 con tuổi ăn tuổi học. “Dịch bệnh căng thẳng quá, chắc vợ chồng em phải về quê thôi. Dù bữa rau bữa cháo cũng ấm lòng bên con cái và ông bà”, anh Thu cho hay.
Ngày hai vợ chồng lên tàu về quê, tài sản duy nhất gởi lại là chiếc xe bán hủ tiếu dạo, anh cười gượng: “Chờ hết dịch sẽ vào”.
Lần lượt đến hai em sinh viên năm 3 Trường Đại học Văn Lang cũng trả phòng vì không thể trụ lại khi dịch bệnh bùng phát. Dãy nhà trọ còn lại ba phòng sáng đèn thắc thỏm âu lo khi việc làm không có. Hết giãn cách, xóm lại bị phong tỏa vì có ca F0, cuộc sống của những cư dân còn lại trong khu nhà trọ thật sự bị đảo lộn.
Em Công (quê phú Yên) từng làm công nhân trong khu chế xuất, 5 năm chắt chiu dành dụm và vay mượn mua được xe ô tô 7 chỗ để chạy Grab. Đang yên đang lành, dịch bùng phát, xe phủ bạt đậu bên lề đường. Cũng vào thời điểm mẹ từ quê vào TP. HCM để tái khám, kẹt lại không về được, liên quan tiếp xúc với F0, mẹ thành F1 và bị đưa đi cách ly.
Những ngày cách ly đăng đẵng, khó khăn chồng chất, khi xe “phơi sương” mà tiền ngân hàng, tiền nhà, tiền thuốc thang cho mẹ…
Cầm cự hơn 3 tháng, ngày mẹ ra khỏi khu cách ly, cũng là lúc Công quyết định “dứt áo” về quê. “Mẹ sức khỏe yếu nếu tiếp tục ở lại lỡ dính Covid thì nguy. Thôi phải về quê chứ không thể chờ đợi thêm nữa. Cả hai mẹ con đã đi xét nghiệm nhanh hết 600 ngàn đồng”- Công nghẹn lời khi vội vã chuyển đồ ra xe trong đêm dưới ánh điện đường vàng vọt. Nhìn theo mà nước mắt cứ chực trào ra.
Gia tài Công gởi lại là chiếc tủ lạnh hiệu Sanyo, em nói sẽ vào, vì “Sài Gòn đã cưu mang đùm bọc những ngày gian khó. Đợt lánh dịch lần này có lẽ sẽ rất lâu, nhưng tin rằng sẽ có ngày con trở lại thành phố nghĩa tình”.
Khi niềm tin chiến thắng gian khó
Nhìn theo những người lao động trong dãy nhà trọ lần lượt trả phòng, còn lại một mình, cậu tên Hoàng (quê Kiên Giang) bật khóc. Hoàng quyết định trụ lại TP. HCM bởi đơn giản nếu về lúc này sẽ phiền toái cho bao nhiêu người, rồi tiền trả chi phí cách ly 14 ngày sẽ trở thành gánh nặng cho ba mẹ.“Ở lại để chờ được tiêm ngừa Covid! Ở lại cách tốt nhất để bảo toàn tính mạng cho mình và cộng đồng”, Hoàng quả quyết.
Sài Gòn thật vắng lặng. Không còn nghe âm thanh “lọc cọc” quen thuộc của xe hủ tiếu gõ đi về trong đêm; không còn thấy nụ cười ấm áp của anh tài xế mỗi sáng xịt nước rửa xe và tưới luôn hàng cây cho nhà bên cạnh; và không còn nghe tiếng đàn vang vọng “có anh bạn xa nhà, có cô bạn nhớ cha…” của cậu sinh viên xa nhà…
Mỗi người một hoàn cảnh, một số phận, đưa đẩy nhau, gặp gỡ trở thành hàng xóm tại “đất lạ hóa quê hương’. Sau những năm tháng bôn ba mưu sinh, tài sản duy nhất khi trở về quê là niềm tin chiến thắng dịch bệnh. Cuối cùng họ cũng chọn cách trở về – Bởi nơi ấy là quê hương, có gia đình, có hơi ấm của tình thương.
KHÔI NGUYÊN
Related posts:
- Ấm áp chuyến xe nghĩa tình giữa mùa dịch
- Bắt chuột đồng, mênh mang vùng sông nước
- "Học Bác từ những điều bình dị, gần gũi với đời sống hàng ngày"
- Buồn vì con không chịu lập gia đình
- Áp lực ...về đích
- Học tiếng Jrai để khám bệnh cho đồng bào dân tộc
- TP HCM được phân thêm gần 980.000 liều vắc-xin Covid-19
- Truy tìm người đổ trộm hơn 20 tấn rác thải ở Bình Phước
- Bình tĩnh chớ hoảng hốt và lo âu
- Cam kết cung ứng đủ hàng hóa khi thực hiện "ai ở đâu yên đó"