CSVNO – Ngày 25/8, Hiệp hội các ngành hàng đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành kiến nghị cấp giấy đi đường cho hội viên Hiệp hội để thực hiện nhiệm vụ cấp thiết trong thời gian giãn cách xã hội.
Hiệp hội các ngành hàng (Hiệp hội Cao su Việt Nam, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, Hiệp hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM, Hiệp hội Rau quả Việt Nam, Hiệp hội Điều Việt Nam, Hiệp hội Bông sợi Việt Nam, Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam) đã có công văn số 01/HHNH ngày 25/8/2021 đến Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, Giám đốc Sở Công thương TP.HCM Bùi Tá Hoàng Vũ.
Từ đầu tháng 7/2021, TP.HCM và một số tỉnh miền Đông Nam bộ, Đồng bằng Sông Cửu Long bắt đầu trải qua những ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đợt giãn cách mới nhất của TP.HCM kéo dài đến ngày 15/9 đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp trên tất cả các lĩnh vực trú đóng tại các địa phương này. Trong khi đó, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của 05 tỉnh, thành phố (TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu và Bình Phước) đạt 148,64 tỷ USD, chiếm 44,58% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước (theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tính đến hết tháng 7/2021).
Theo tổng hợp phản ảnh và kiến nghị từ doanh nghiệp Hội viên của các hiệp hội, hiện nay, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đứng trước nguy cơ không thể hoàn thành thủ tục xuất nhập khẩu và đảm bảo tiến độ giao hàng do phải làm hồ sơ giấy nhưng gặp khó khăn trong việc xin cấp giấy đi đường.
Cụ thể: Theo Công văn 2796/UBND-VX và Công văn 2800/UBND-VX ngày 21/08/2021 của UBND TP.HCM về tăng cường kiểm soát các nhóm đối tượng được phép lưu thông, trong đó có nhóm đối tượng được cấp giấy phép lưu thông là nhân viên làm việc liên quan xuất nhập khẩu hàng hóa có mã số đơn vị cấp là 3D sẽ hoạt động theo thời gian từ 6 giờ đến 18 giờ theo số lượng và phạm vị hoạt động giao Sở Công thương quyết định từng trường hợp cụ thể.
Ngày 22/8, Sở Công thương TP.HCM ban hành quy trình hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa (cung ứng dịch vụ logistics) đăng ký cấp giấy đi đường trong thời gian thực hiện giãn cách từ ngày 23/8 đến ngày 5/9. Theo đó, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu (doanh nghiệp sản xuất hàng hóa xuất khẩu) và doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistic đã nhanh chóng nộp hồ sơ đăng ký. Tuy nhiên cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có doanh nghiệp nào của các Hiệp hội ngành hàng nhận được phản hồi từ Sở Công thương.
Ngày 24/8, Sở Công Thương TP.HCM ban hành Công văn số 3996/SCT-QLCN về việc phân công cấp Giấy đi đường cho doanh nghiệp sản xuất từ ngày 23/8 đến 6/9 trên địa bàn TP.HCM. Theo đó, Sở Công thương chỉ cấp Giấy đi đường cho nhân viên của các doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ xuất nhập khẩu hàng hóa (doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics chuyên nghiệp), UBND Thành phố Thủ Đức và các quận, huyện sẽ cấp Giấy đi đường cho doanh nghiệp sản xuất vừa cung ứng hàng hóa nội địa, vừa trực tiếp xuất nhập khẩu (thuộc nhóm “Nhân viên các ngành phục vụ sản xuất” nêu tại mục 12 Phụ lục đính kèm Công văn số 2800/UBND-VX).
Điều này đã và đang gây khó khăn rất lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất – xuất khẩu của doanh nghiệp bị đình trệ, đồng thời phải đối mặt với tổn thất rất lớn như chi phí lưu kho bãi, hàng hóa để lâu sẽ bị giảm chất lượng, trách nhiệm bồi thường do vi phạm hợp đồng về tiến độ giao hàng cho các khách hàng quốc tế là chưa thể lường trước được.
Trong khi đó, hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu hiện nay đều phải tự thực hiện bộ hồ sơ xuất khẩu bằng giấy (không có thủ tục online) và các nghiệp vụ liên quan, không phải tất cả đều sử dụng dịch vụ qua các công ty dịch vụ logistics (forwarder).
Vì vậy, để hoàn thiện bộ hồ sơ xuất khẩu, các doanh nghiệp cần phải: Đăng ký kiểm dịch thực vật tại Cục Kiểm dịch Thực vật. Đăng ký chứng nhận xuất xứ nguồn gốc (tại Bộ Công thương hoặc Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam). Hoàn thiện hồ sơ phun trùng tại Cơ quan Cung cấp Dịch vụ. Hoàn thiện hồ sơ giám định. Thực hiện thủ tục Hải Quan tại cụm cảng Cát Lái/ICD. Thực hiện các nghiệp vụ liên quan vận đơn với các đơn vị hãng tàu. Thực hiện các nghiệp vụ liên quan ngân hàng (xuất trình chứng từ, LC, hồ sơ thanh toán, tài chính…). Các nghiệp vụ khác liên quan (gửi chuyển phát quốc tế chứng từ hàng xuất tại sân bay, chuyển mẫu kiểm nghiệm…).
Các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu chiếu theo Công văn 2800/UBND-VX thì được xếp vào mục 3D nhưng đến hiện tại các doanh nghiệp không biết phải đăng ký giấy đi đường ở đâu vì không xác định thuộc diện đối tượng nào và ai phụ trách. Ngoài ra, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Phước và Long An tập trung nhiều nhà máy của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu như gạo, gỗ, thủy sản, cao su, rau quả, điều, cà phê, hồ tiêu…
Trong trường hợp các doanh nghiệp không được phê duyệt cấp Giấy đi đường để làm thủ tục xuất khẩu hàng hóa sẽ gây thiệt hại rất lớn cho các doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế đất nước nói chung, khi mà kim ngạch xuất khẩu của vùng chiếm gần 1/2 của cả nước, hàng hóa sản xuất ra không xuất khẩu được, tốn chi phí lưu trữ hàng hóa, nhà máy phải tạm ngưng sản xuất, công nhân mất việc, doanh nghiệp mất uy tín đối với các nhà nhập khẩu.
Chính vì vậy, các Hiệp hội ngành hàng cùng thống nhất và xin đề xuất tới Thủ tướng Chính phủ cùng các cơ quan Bộ, ngành các cấp liên quan một số vấn đề: Có hướng dẫn cụ thể và thống nhất về đầu mối liên hệ cấp phát giấy đi đường đối với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu. Đồng thời, tăng cường thêm số lượng cán bộ phụ trách xử lý hồ sơ cho các doanh nghiệp. Cấp giấy đi đường bản mềm và gửi thông qua email cho các doanh nghiệp làm cơ sở đi qua các chốt kiểm soát thuận lợi đến trụ sở Sở Công thương đóng dấu.
Hiệp hội ngành hàng sẽ là đầu mối và chịu trách nhiệm trong việc lập danh sách doanh nghiệp là Hội viên Hiệp hội có nhu cầu xin cấp Giấy đi đường và gửi trực tiếp tới Sở Công thương thành phố, tỉnh nhằm giảm tải cho các cơ quan chức năng, đồng thời nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hiệp hội trong công tác phòng chống dịch Covid-19. Người đứng đầu các doanh nghiệp hội viên chịu trách nhiệm về danh sách đăng ký và cam kết quản lý chặt chẽ danh sách người lao động được cấp Giấy đi đường. Đối với các doanh nghiệp không phải là Hội viên của Hiệp hội sẽ thực hiện thủ tục xin Giấy đi đường tại Sở Công thương và địa phương.
Các Hiệp hội ngành hàng rất mong nhận được sự quan tâm hỗ trợ của Thủ tướng và các cơ quan bộ, ngành liên quan xem xét, tạo điều kiện hỗ trợ cho hoạt động đi lại cấp thiết của doanh nghiệp hội viên trong hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp để duy trì sản xuất, xuất khẩu trong thời điểm hiện nay.
TRẦN HUỲNH
Related posts:
- Ấm lòng từ những suất quà
- VAFI bất ngờ kiến nghị nhà nước hạ lãi suất tiền gửi về 0%
- Nông trường Cồn Tiên đạt giải nhất Hội thi Bàn tay vàng Cao su Quảng Trị
- Trân trọng và biết ơn người lao động đã đồng hành cùng VRG vượt qua giai đoạn khó khăn
- Sản phẩm Cao su Dầu Tiếng đạt thương hiệu quốc gia
- Các khu công nghiệp VRG: Không ngừng mở rộng quy mô
- Các công ty Campuchia, Lào tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2020
- Indonesia: Nhà máy cao su ngưng hoạt động do chuyển đổi đất đai
- Ông Lưu Bình Nhưỡng: 'Nông nghiệp vừa là bà đỡ, vừa là chị nuôi, bác sĩ'
- Cần thay đổi khái niệm "vườn" cao su thành "rừng" cao su