Biết ơn những chiến sĩ trên tuyến đầu chống dịch

CSVN – Trước cổng Bệnh viện dã chiến số 6, TP. Thủ Đức (TP. HCM), loa phát thanh vẫn vang lên với âm thành vừa đủ: “Mong mọi người chia sẻ và đồng hành cùng chúng tôi trong công tác phòng chống dịch Covid – 19. Nghiêm túc thực hiện giãn cách theo quy định và thông điệp 5K. Mọi người sau khi điều trị sẽ khỏe và trở về với gia đình sớm, còn với chúng tôi đây là cả một cuộc chiến”.

Bác sĩ Trần Văn Dương – Phó GĐ Bệnh viện dã chiến số 6 (phải) nhận trang thiết bị y tế từ mạnh thường quân
Chung tay chống dịch

Trong đợt dịch Covid – 19 bùng phát trở lại lần thứ 4 này, mức độ ảnh hưởng nặng nề hơn so với những lần trước đó vì tốc độ lây lan nhanh và trên diện rộng cả nước. Điều này tác động đến sức khỏe, bình an của nhân dân cả nước và đến các ngành nghề kinh tế – xã hội – môi trường.

TP. HCM đang nỗ lực chống dịch, dập dịch để bảo vệ sự an toàn cho người dân. Nhiệm vụ chống dịch là nhiệm vụ cao cả nhưng vô cùng nặng nề, trong một cuộc chiến mà không thấy được kẻ thù hình hài như thế nào, chỉ biết đó là virus Corona có nhiều biến thể thì công cuộc chống dịch còn khắc nghiệt hơn rất nhiều. Những lực lượng tuyến đầu vẫn ngày đêm hết lòng với nhiệm vụ chung, với niềm tin, hy vọng TP. HCM sẽ vững vàng, bình an vượt qua đại dịch. Họ là đội ngũ y – bác sĩ, là những chiến sĩ công an – quân đội, là những người mải miết công tác thiện nguyện hỗ trợ cho người gặp khó khăn do bị ảnh hưởng bởi đại dịch này.

7h sáng, chúng tôi theo chân của chị Đào Ái Nhi, một doanh nhân thường xuyên có nhiều hoạt động thiện nguyện từ trước đến nay đến thăm, động viên và trao quà hỗ trợ trang thiết bị y tế cho Bệnh viện dã chiến số 6.

Để đến Bệnh viện dã chiến số 6, đứng chân ở Khu tái định cư Thủ Thiêm, TP. Thủ Đức, từ nhà di chuyển đến đó gần 20km, chúng tôi qua nhiều chốt kiểm soát phòng chống dịch. Khi trình bày lý do ra đường và kèm theo hồ sơ, giấy tờ đầy đủ, các chiến sĩ công an, cảnh sát giao thông và có chốt còn có cả lực lượng cảnh sát cơ động tạo điều kiện cho chúng tôi qua trạm nhanh chóng.

Để được vào cửa Bệnh viện dã chiến số 6, chúng tôi cũng như bao anh chị khác trong đoàn phải tuân thủ các quy định và sự điều phối của lực lượng quân sự trước cổng bệnh viện.

10h trưa, dưới cái nắng gay gắt của Sài Gòn, các anh trong chốt kiểm soát trước cổng bệnh viện vẫn miệt mài vận chuyển những đồ dùng của người nhà bệnh nhân gởi vào. Trời thì nắng, trên người các anh bao nhiêu lớp đồ bảo hộ thì không biết là nóng đến mức nào. Chúng tôi tự hỏi bản thân là mình mặc đồ bảo hộ kín mít như vậy mới được 30 phút là nóng đến đổ mồ hôi nhễ nhại, còn các anh thì cả ngày như vậy làm sao chịu được. Vậy nhưng, mọi người làm nhiệm vụ ở đây, dù là lực lượng quân sự chốt chặn ở cổng hay anh nhân viên trực bàn tiếp nhận đồ hay anh đi xịt dung dịch sát khuẩn đều phải bận bộ đồ đó suốt ca làm việc.

Lan tỏa những giá trị tốt đẹp

Trước cổng bệnh viện có chia luồng, đánh dấu khoảng cách để người nhà và đội ngũ shipper sắp hàng lần lượt vào gởi đồ. Cách cổng bệnh viện 20m là siêu thị tiện lợi Ministop. Chú Trần Xuân T. một Grab được phép giao hàng liên quận, đeo băng tay có chữ shipper kiên nhẫn khai báo y tế vào mua đồ cho khách, sau đó ghi chép cẩn thận các thông tin khách hàng trên túi đồ và tiếp tục di chuyển đến cổng bệnh viện xếp hàng gởi đồ.

Chú chia sẻ: “Mùa dịch mà, như bình thường cũng cung đường đó thì di chuyển mất 15 phút nhưng mùa này thì lâu hơn chút bởi phải dừng lại qua nhiều trạm kiểm tra. Dịch mà, kiên nhẫn chút, có sao đâu, họ làm được mình cũng làm được, cùng chung tay chống dịch”. Đến bệnh viện, chúng tôi mới phần nào cảm nhận được sự vất vả của đội ngũ y, bác sĩ. Đội ngũ này luôn trong tình trạng sẵn sàng, không kể giờ giấc, tiếp nhận, hỗ trợ khi bệnh nhân cần và điều chuyển bệnh nhân tới các bệnh viện trong trường hợp nặng. Ở đây, bác sĩ không chỉ là bác sĩ mà còn sẵn sàng kiêm luôn nhiệm vụ phát cơm và những nhiệm vụ khác khi thiếu người. Những bữa ăn vội vã, những lần lau mồ hôi cũng vội vàng để kịp với công việc.

Trước đây, chị Đào Ái Nhi cũng đã đến Bệnh viện dã chiến số 6 để trao tặng lương thực thực phẩm. Chứng kiến và thấu hiểu được những vất vả của bác sĩ tại nơi này, chị biết bệnh viện cần nhiều trang thiết bị để phục vụ cho cuộc chiến chống dịch Covid – 19. Do đó, chị cùng nhóm bạn chung tay đóng góp tiền để ủng hộ mua trang thiết bị y tế trao tặng Bệnh viện. Đợt này, nhóm của chị trao 1.000 bộ đồ phòng dịch, 1.000 bao giày, 3 bơm tiêm điện, 2 moniter đa thông số… tổng số trị giá hơn 460 triệu đồng.

Chị chia sẻ: “Trong những ngày TP. HCM căng mình chống dịch, không chỉ tôi mà tất cả mọi người đều mong muốn đóng góp và hỗ trợ để TP. HCM nhanh chóng vượt qua đại dịch. Tôi nghĩ rằng tinh thần tương thân, tương ái lúc khó khăn sẽ được thắp sáng, lan tỏa tình yêu thương, tiếp sức cho đội ngũ y, bác sĩ đang ngày đêm giành lấy sức khỏe, tính mạng cho bệnh nhân”.

Dù công việc ở Bệnh viện bận rộn nhưng bác sĩ Trần Văn Dương – Phó Giám đốc bệnh viện đã dành thời gian đón đoàn và bày tỏ lòng biết ơn các đoàn mạnh thường quân thiện nguyện đã đồng hành cùng các chiến sĩ trên tuyến đầu chống dịch.

Các chiến sĩ trực chốt sẵn sàng hỗ trợ tiếp nhận đồ dùng gia đình bệnh nhân gởi vào
“Rồi Sài Gòn sẽ mau khỏe thôi”

Những ngày này, Sài Gòn “bệnh” nên nghỉ ngơi một chút, mọi người động viên nhau “Sài Gòn sẽ mau khỏe thôi” nếu tất cả mọi người cùng đồng lòng chống dịch, 5K, ở yên tại chỗ và chỉ ra ngoài trong những trường hợp cần thiết.

Mỗi ngày, trên cung đường từ cơ quan về nhà, chúng tôi đếm sơ sơ cũng 5 chốt kiểm soát. Các chốt liên quận được kiểm soát chặt chẽ và chỉ giải quyết cho lưu thông những xe cộ theo đúng quy định. Tại các chốt kiểm soát, trong những giờ cao điểm ngoài lực lượng chức năng còn có các bạn thanh niên tình nguyện hỗ trợ. Những ngày tiết trời thuận lợi thì không sao, còn những khi trời trở gió mưa, với lán trại được dựng lên tạm để làm chỗ nghỉ thì các chiến sĩ phải “mỗi người một góc” để giữ cho lán bằng bạt khỏi nghiêng ngã.

Ai cũng có gia đình và những người thân yêu, ai cũng muốn được ở nhà với người thân của mình. Ở nhà dù có thiếu thốn, có khó chịu một chút khi không được đi ra đường như trước khi có dịch, ở nhà có máy lạnh, chí ít là có quạt, khi mọi người được yên giấc thì ngoài kia còn biết bao nhiêu người vì nhiệm vụ chung mà nhiều ngày chưa được về thăm gia đình. Nghĩ tới hình ảnh mưa gió, các chiến sĩ trên tuyến đầu chống dịch còn ở ngoài đường, trời mưa cũng chỉ trong chốt tạm che đỡ bằng bạt… chúng tôi thấy biết ơn vô cùng.

Dù diễn biến dịch bệnh còn khó lường và vẫn chưa biết là khi nào hết dịch, thế nhưng mọi người vẫn tin tưởng và lạc quan, nghiêm túc tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch, mỗi người bớt một cái riêng để vì cái chung. Những ngày này, ca nhiễm của TP. HCM có chiều hướng giảm, số lượng người được xuất viện ngày càng tăng, đó cũng là một tín hiệu đáng mừng trong cuộc chiến này. Và mọi người luôn động viên nhau rằng “Rồi Sài Gòn sẽ mau khỏe thôi”, “Mọi người cùng cố gắng thêm một chút nữa”…

MINH NHIÊN