Chú Đức Trung kính mến!
Nhà cháu thuộc vùng cao su, nhưng ở một địa bàn xa xôi hẻo lánh. Hồi xưa ông bà nội cháu từ miền Bắc, đi kinh tế mới vào trong đây. Biết bao gian khổ thời khẩn hoang, muỗi mòng, sốt rét, môi trường hoang vu khắc nghiệt. Ông nội chỉ có bố cháu là con trai, dưới nữa hai cô.
Bố cháu cưới vợ muộn. Mẹ là người trong xã, hai người có biết nhau. Nhưng mẹ không sinh nở được, thuốc thang, thầy bà tùm lum, vẫn không thấy gì. Người ta nói cũng tại khi bé bà bị sốt rét dai dẳng quá. Mà bà rất tốt tính, rất có hiếu với ông bà nội. Không ai xui bà, đến năm bố 40 tuổi thì bà tự đi tìm vợ cho bố, người này xã khác, cùng huyện. Người ấy là mẹ của hai chị em cháu bây giờ đấy chú Đức Trung ạ.
Cháu chỉ nhớ cháu lớn lên trong cảnh có hai người mẹ. Mẹ cả và mẹ ruột. Và, gia đình cháu, bố, hai mẹ, hai chị em cháu ở chung với ông bà nội. Tự dưng cháu thấy thương mẹ cả hơn mẹ mình, có lẽ vì có thương cảm, kính phục và thực sự khi cháu có em trai, mẹ cả chăm chút gần gũi cháu nhiều hơn.
Có lẽ nhờ tình thương bao la của đại gia đình mà cháu và em học hành nổi tiếng trong xã, rồi trong huyện. Hai chị em cháu vào được đại học. Chúng cháu có ý định học xong đại học sẽ xin việc làm và ở lại lập nghiệp tại thành phố.
Rồi cháu gặp duyên. Anh ấy là trai ngoại thành, gia đình đàng hoàng, bề thế lắm. Cháu có về nhà anh ấy một lần, vườn đất rộng, ba anh là doanh nghiệp nhỏ, mẹ anh là cô giáo PTTH. Cháu thấy hai gia đình so le sao sao ấy chú Đức Trung ơi.
Chuyện đang dừng ở đây vì dịch bệnh hoành hành. Nhưng dịch sẽ qua, tình yêu thì cứ phải tiến tới. Cháu nên nói sao với anh ấy về thực trạng gia đình của mình trước khi mời anh ấy về nhà bố mẹ cháu? Chắc là người ta sẽ ngạc nhiên chứ không chê cười gì đâu, đúng không chú Đức Trung? (Cháu đang ngại, chỉ dám viết thư tâm sự với chú thôi. Cảm ơn chú!).
CHÁU GÁI
Cháu thân mến!
Chú Đức Trung xin thán phục, ngưỡng mộ gia đình và các cháu! Sau 1975, theo chủ trương của Nhà nước di dân đi làm kinh tế mới, ông bà nội cháu đã đi vào vùng sâu vùng xa tận miền Nam để lập nghiệp. Khi đó, ở nơi ấy sốt rét hoành hành, việc của mẹ cả là hậu quả của sốt rét rừng đấy. Việc mẹ cả đi cưới vợ cho chồng, nghe qua thì như là lạc hậu, trái khoáy, ngược với nữ quyền, cũng như pháp luật.
Nhưng, dù sao cũng là quan niệm truyền thống, cái lý cái tình cái nghĩa, vợ chồng là tình và nghĩa. Chú nghĩ nếu mẹ cả ly hôn hay bỏ đi, chắc gì bố cháu hạnh phúc. Cảnh một ông hai bà như nhà cháu không có trái ngang, một chữ tình quá lớn, đủ để ôm ấp tất cả các thành viên. Và có lẽ vì thế mà ông bà, bố mẹ cháu đã được đền bù bằng hai đứa cháu con giỏi giang.
Có điều, giải thích với người mình yêu cũng thấy lấn cấn. Nhưng khi cháu và người yêu đã tính chuyện lâu dài thì phải cho nhau sự thấu hiểu. Cháu nói với cậu ấy, nói riêng đã, nói kỹ, nói có mặt em trai cháu nữa, như là một cuộc tâm sự long trọng, tin cậy nhau. Tin rằng cậu ấy sẽ ngạc nhiên, và dần sẽ xuôi. Nhất định phải mời cậu ấy lên nhà cháu sớm, và khi cậu ấy đã sống, đã thấy một chữ tình to lớn ở nhà cháu, cậu ấy không chỉ xuôi theo mà có thể còn tấm tắc, kính trọng. Chú tin mẹ cả cháu sẽ làm cậu ấy có cảm tình ngay.
Mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh. Tự ti và che giấu, sẽ thất bại. Không có gì xấu xa ở đây cả, quá khứ, hiện tại và cả tương lai, đã từng tốt đẹp và sẽ vẫn tốt đẹp cho dù chàng rể là cậu ấy hay là ai khác. Cháu nhé.
CHÚ ĐỨC TRUNG
Related posts:
- Làm giàu từ chăn nuôi gà
- Cao su Sa Thầy hướng về miền Nam thân thương
- Cuộc đời em là do em chọn
- Ấm áp chuyến xe nghĩa tình giữa mùa dịch
- Làm gì trước làn sóng Covid - 19?
- Kêu gọi doanh nghiệp dành kinh phí mua vaccine phòng COVID-19 cho công nhân
- Tấm gương hiếu thảo
- Phận đời trôi nổi trên sông Sài Gòn
- Bổ sung các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chịu tác động của dịch COVID-19
- Mỗi hộ dân TP.HCM được phát 10-15 thẻ đi chợ trong 30 ngày