CSVNO – Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao, cảm ơn các doanh nghiệp trên toàn quốc mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng đã hỗ trợ cho cuộc chiến chống Covid-19.
Ngày 8/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và các địa phương về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Dự hội nghị cùng Thủ tướng tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ có các Phó Thủ tướng; các Bộ trưởng, Thủ tưởng các cơ quan liên quan; đại diện các Hiệp hội doanh nghiệp, các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp có vốn Nhà nước.
Dự Hội nghị tại đầu cầu Ủy ban Nhân dân 63 tỉnh, thành phố có Bí thư tỉnh/thành ủy, Chủ tịch UBND các tỉnh/thành phố; đại diện các sở, ngành, đơn vị liên quan và 1.200 doanh nghiệp trên địa bàn các tỉnh, thành phố.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, hội nghị diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 kéo dài hơn 1 năm qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ đời sống, kinh tế-xã hội trên toàn cầu.
Ở Việt Nam, nhiều địa phương đang phải thực hiện giãn cách xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị đình trệ, thua lỗ, đời sống nhân dân gặp khó khăn… không ít doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, đóng cửa, rút khỏi thị trường.
Mặc dù bối cảnh khó khăn, nhưng trong thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của nhân dân, ủng hộ của doanh nghiệp cuộc chiến chống dịch bệnh ở nước ta đã bước đầu đạt được kết quả tích cực để thực hiện mục tiêu bảo vệ tính mạng, sức khỏe của nhân dân là trên hết, trước hết và duy trì sản suất để có điều kiện đảm bảo đời sống nhân dân và an sinh xã hội.
Trong phạm vi quyền hạn, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều giải pháp chủ động, sáng tạo, quyết liệt, linh hoạt, huy động mọi nguồn lực để thực hiện phòng chống, đẩy lùi dịch bệnh và duy trì sản xuất ở những nơi an toàn và đảm bảo an dân. Nhờ đó, kinh tế-xã hội 7 tháng đầu năm 2021 vẫn đạt một số kết quả tích cực.
Thủ tướng đánh giá cao cộng đồng doanh nghiệp bằng bản lĩnh, trí tuệ vẫn duy trì được sản xuất, kinh doanh, không đứt gãy chuỗi sản xuất, đảm bảo cuộc sống của người lao động, góp phần vào tăng trưởng kinh tế những tháng đầu năm. Đồng thời chia sẻ với nhiều lĩnh vực kinh doanh dù nỗ lực đến đâu cũng không tránh được sự thua lỗ, thậm chí phá sản nếu không có sự hỗ trợ, đặc biệt là hàng không, du lịch…
Chính phủ thấu hiểu, chia sẻ, cảm thông những khó khăn chồng chất khó khăn của các doanh nghiệp trong thời gian vừa qua. Chính vì vậy, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã rất cố gắng tạo điều kiện tốt nhất hỗ trợ các doanh nghiệp về cơ chế chính sách để duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất.
Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao, cảm ơn các doanh nghiệp trên toàn quốc mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng đã cố gắng “chung tay, góp sức” hỗ trợ đồng bào gặp khó khăn, hỗ trợ cho cuộc chiến chống dịch Covid-19. Các doanh nhân đã thể hiện nét đẹp truyền thống “thương người như thể thương thân”, tinh thần “tương thân tương ái” của người Việt Nam.
Theo Thủ tướng, trong thời gian tới, các doanh nghiệp vẫn tiếp tục phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức và cần có giải pháp tháo gỡ để phục hồi sản xuất, kinh doanh. Chính vì vậy, Hội nghị này là dịp quan trọng để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội, các địa phương, cơ quan, đơn vị.
Thủ tướng yêu cầu các đại biểu dự Hội nghị phát biểu đánh giá thực chất, khách quan, toàn diện những khó khăn, thách thức của doanh nghiệp; phân tích kỹ nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và tìm cho được các giải pháp tháo gỡ cụ thể, thiết thực, hiệu quả trong tình hình cấp bách hiện nay, tập trung vào 8 từ “đánh giá, giải pháp, thiết thực, hiệu quả”.
Tại Hội nghị, đại diện các Hiệp hội, các doanh nghiệp đã phát biểu, phản ánh những khó khăn, thách thức hiện nay như: tổng cầu giảm mạnh khiến cho các đơn hàng, hợp đồng, sản lượng đều sụt giảm; doanh thu của doanh nghiệp giảm mạnh; dòng tiền vào bị thiếu hụt nghiêm trọng dẫn đến gặp khó khăn để có thể trang trải các khoản chi phí để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh; chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển ngày một tăng cao dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, đội chi phí giá thành sản xuất; chuỗi cung ứng sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu bị gián đoạn, đình trệ cục bộ; lưu thông hàng hóa gặp khó khăn, kể cả lưu thông trong nước, giữa một số tỉnh, thành phố do áp dụng các chính sách phòng, chống dịch bệnh chưa hợp lý; khó khăn về lao động và nhập cảnh cho chuyên gia; khó khăn về tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước; đặc biệt là vấn đề đơn giản hóa các thủ tục, đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng, nhất quán trong thực thi triển khai các quy định, chính sách phòng, chống dịch trên toàn quốc…
Đại diện các Hiệp hội, các doanh nghiệp trân trọng, đánh giá cao về sự quan tâm, đồng hành và những chỉ đạo, giải pháp, chính sách mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đã triển khai nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
Đồng thời đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương những vấn đề cụ thể cần giải quyết liên quan đến các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 như kiểm soát giao thông, lưu thông hàng hóa, tiêm vacxin, nhập cảnh của chuyên gia; về các chính sách, nhất là về vốn hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; về cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, kinh doanh, chi phí tiền điện, thuế, phí, tiếp cận nguồn lực; về cải cách hành chính; sửa đổi, hoàn thiện các quy định pháp lý còn chồng chéo, gây khó khăn cho cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; về hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp…
Tại Hội nghị, các Phó Thủ tướng, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã báo cáo về những giải pháp đã triển khai theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; giải đáp những đề xuất, kiến nghị của các doanh nghiệp, hiệp hội; đồng thời đưa ra các giải pháp tiếp theo để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian tới nhằm vừa phòng, chống dịch hiệu quả vừa thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội…
Chấp nhận mất mát hy sinh, đổi lại có sự bình yên, khỏe mạnh”
Phát biểu ý kiến kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến tâm huyết, sát thực tế, thể hiện đồng lòng, quyết tâm cao giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, doanh nghiệp và nỗ lực, quyết tâm khắc phục mọi khó khăn để phòng, chống dịch bệnh và phát triển kinh tế-xã hội.
Thủ tướng cho biết, các ý kiến của các đại biểu sẽ được tổng hợp để sau Hội nghị này, Chính phủ sẽ có Nghị quyết về hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp trong điều kiện hiện nay, Nghị quyết của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội.
Thủ tướng nhấn mạnh, thời gian qua dịch bệnh trên thế giới, khu vực và trong nước diễn biến phức tạp. Song với sự cố gắng của cả hệ thống chính trị, toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp, trong 7 tháng qua, kinh tế nước ta vẫn tăng trưởng 5,64% thuộc loại cao; các cân đối lớn của nền kinh tế vẫn bảo đảm; lạm phát thấp; thu ngân sách đạt khá, chi ngân sách quản lý chặt chẽ; kim ngạch xuất, nhập khẩu tăng khá; vốn đầu tư FDI tăng 3,8% so cùng kỳ; an ninh, quốc phòng được bảo đảm; đối ngoại được tăng cường, kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế…
Tuy nhiên, theo Thủ tướng, trước mắt và lâu dài đan xen thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức nhưng thách thức và khó khăn nhiều hơn, trên cơ sở đó xác định tư tưởng chỉ đạo và giải pháp là lấy khó khăn, thách thức để biến thành thời cơ, vươn lên phát triển. Tiếp tục kiên trì thực hiện các biện pháp, mục tiêu đã đề ra, trong đó ưu tiên lúc này trên phạm vi cả nước là ngăn chặn dịch bệnh, chỗ nào an toàn mới sản xuất.
Thủ tướng Chính phủ nhắc lại, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, chuyển từ phòng ngự sang tấn công, chúng ta đặt mục tiêu cao nhất là không để xảy ra khủng hoảng y tế, bảo đảm sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết; không để xảy ra khủng hoảng kinh tế-xã hội; phấn đấu cao nhất đưa đất nước ta trở lại bình thường trong thời gian ngắn nhất, chậm nhất là cuối năm 2021 đầu năm 2022.
Để làm được điều này, theo Thủ tướng chúng ta phải thực hiện thật tốt phòng, chống dịch Covid-19, trong đó phải chống lây nhiễm, phải giãn cách xã hội để tránh lây nhiễm. “Chúng ta quyết tâm hy sinh một hai tháng để xanh hóa vùng đỏ; chấp nhận mất mát hy sinh, đổi lại có sự bình yên, khỏe mạnh”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tưởng khẳng định, Đảng, Nhà nước quan tâm, thấu hiểu và chia sẻ khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp. Chính phủ cũng chủ động ban hành các nghị quyết, các chính sách thuộc thẩm quyền để giải quyết những khó khăn cho doanh nghiệp.
Đây là thời điểm khó khăn đối với doanh nghiệp, nhưng không vì thế đánh mất lạc quan, bản lĩnh, niềm tin chiến thắng, mà phải xác định càng khó khăn, càng phức tạp, càng phải giữ bản lĩnh, phát huy dân chủ, lắng nghe ý kiến, trí tuệ tập thể, sự đoàn kết của toàn dân để chống dịch và sản xuất. Chúng ta khẳng định, mỗi người dân khỏe mạnh, mỗi doanh nghiệp khỏe mạnh thì đất nước khỏe mạnh.
Về chiến lược vacxin, Thủ tướng lưu ý có ba điểm quan trọng là: nhập khẩu vacxin nhiều nhất và sớm nhất có thể, nhất là trong điều kiện khan hiếm trên toàn cầu; chuyển giao công nghệ nghiên cứu, sản xuất vacxin trong nước; tổ chức tiêm miễn phí vacxin cho toàn dân theo thứ tự ưu tiên. Cả 3 vấn đề này đang được Chính phủ chỉ đạo thực hiện quyết liệt bằng mọi kênh, mọi cơ chế và đạt được hiệu quả, triển vọng.
Về các nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ đang nỗ lực, làm hết sức có thể, cân đối vĩ mô hợp lý, hài hòa, phù hợp điều kiện hoàn cảnh của đất nước. Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các Phó Thủ tướng, các bộ, ngành, địa phương, đồng thời tiếp tục thực hiện phân quyền, phân cấp, gắn với trách nhiệm người đứng đầu và thực hiện kiểm tra, giám sát. Tới đây Thủ tướng Chính phủ sẽ thành lập Tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Đối với các vấn đề cụ thể, Thủ tướng giao: Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành thực hiện hiệu quả chiến lược vacxin, trong đó phải thúc đẩy hợp tác công-tư trong chiến lược vacxin, đẩy mạnh tiêm vacxin theo thứ tự ưu tiên không phụ thuộc địa giới hành chính; Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục nắm tình hình, tham mưu Chính phủ, Thủ tướng đưa ra giải pháp kịp thời về tháo gỡ khó khăn, phát triển kinh tế-xã hội; Bộ Tài chính khẩn trương triển khai giải pháp miễn giảm thuế, phí, nhanh chóng hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.
Có giải pháp về thị trường chứng khoán. Đẩy mạnh hợp tác công-tư, bảo đảm cân đối lớn. Dẫn dắt và kích hoạt mọi nguồn lực ngoài Nhà nước; Bộ Giao thông Vận tải xây dựng các giải pháp bảo đảm lưu thông hàng hóa. Trong đó, mọi chính sách đưa ra phải thực hiện nhất quán. Không được đẻ ra các giấy phép con; Bộ Thông tin và Truyền thông thúc đẩy các biện pháp công nghệ trong phòng, chống dịch; Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đôn đốc giải pháp hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp. Có thể mở rộng đối tượng, quy mô trong điều kiện cho phép; Bộ Công Thương nhanh chóng kết nối tiêu thụ hàng hóa; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bảo đảm đầy đủ hàng hóa lương thực, nguyên liệu phục vụ sản xuất và dân sinh; Các địa phương thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch linh hoạt, bảo đảm cho doanh nghiệp duy trì sản xuất, kinh doanh. Hạn chế tối đa thanh kiểm tra doanh nghiệp trong thời kỳ dịch bệnh; Các tổ chức, Hiệp hội doanh nghiệp phát huy, chia sẻ với doanh nghiệp cùng nhau vượt qua khó khăn; Các doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng quản trị, chất lượng hoạt động và khả năng chống chọi với cú sốc cả bên trong và bên ngoài để phát triển bền vững, cùng với đất nước vượt qua khó khăn.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, Chính phủ luôn thể hiện tinh thần đổi mới, liêm chính, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp; nói đi đôi với làm, chú trọng hiệu quả, không phô trương hình thức; xem doanh nghiệp và người dân là chủ thể để phục vụ… Đây là thử thách rất lớn nhưng Thủ tướng tin tưởng cộng đồng doanh nghiệp sẽ vượt qua thử thách này với 4 yếu tố “tâm, tài, trí, tín”.
Kinh tế có thể khó khăn nhưng niềm tin trong xã hội sẽ được củng cố. Mỗi địa phương, nhà máy là pháo đài chống dịch; mỗi người dân, công nhân là chiến sỹ xung kích trên mặt trận chống dịch, đất nước ta sẽ chiến thắng đại dịch, vượt qua khó khăn và phát triển bền vững.
theo Nông nghiệp Việt Nam
Related posts:
- Các CTCS tổ chức lễ ra quân thu hoạch mủ năm 2014 với chủ trương lồng ghép, tiết kiệm
- VRG thăm và chúc Tết các đơn vị lực lượng vũ trang
- Triển khai thực hiện đạt yêu cầu, đúng tiến độ
- Phê duyệt Đề án Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng
- Cao su Dầu Tiếng: An ninh trật tự vườn cây duy trì tốt
- Đ/c Nguyễn Văn Thắng trúng cử Bí thư Đảng ủy TCT Cao su Đồng Nai
- 115 học viên tập huấn nghiệp vụ kiểm tra, giám sát 2017
- Lãnh đạo tỉnh Kampong Thom tích cực hỗ trợ các công ty cao su thuộc VRG
- "Nỗ lực đảm bảo sức khỏe người lao động cùng gia thuộc ngành cao su"
- Cao su Chư Păh bàn giao nhà sinh hoạt cộng đồng