CSVNO – Tại cuộc họp trực tuyến giữa Ban thường vụ Công đoàn (CĐ) CSVN với CĐ các đơn vị khu vực miền Đông và các đơn vị công nghiệp, dịch vụ, ông Phan Mạnh Hùng – Chủ tịch CĐ CSVN đề nghị CĐ các cấp cần chủ động hơn nữa trong việc cùng chính quyền xây dựng các kịch bản điều hành sản xuất.
Bên cạnh đó, chăm lo đời sống NLĐ, đặc biệt là hỗ trợ kịp thời các trường hợp tạm ngừng sản xuất do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Nỗ lực tổ chức sản xuất an toàn trong đại dịch
Theo báo cáo tình hình SXKD của các đơn vị Đông Nam bộ – khu vực chủ lực trong thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ của VRG thì kết quả hoạt động tính đến cuối tháng 7/2021 rất khả quan, các chỉ tiêu về sản lượng, giá bán và thu nhập của NLĐ đều cao hơn so với cùng kỳ năm 2020, đó là một tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên một trở ngại lớn nhất hiện nay của các đơn vị nói riêng và cả nước nói chung đó là dịch bệnh Covid – 19, ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình hoạt động SXKD và việc làm, thu nhập của NLĐ.
Trên địa bàn tỉnh Bình Phước tính đến 10h00 ngày 30/7 đã có 213 ca dương tính với virus Sars – Cov – 2, tuy nhiên một điều may mắn là huyện Phú Riềng chưa có ca nhiễm nào.
Do đó, hiện nay Cao su Phú Riềng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định, tính tới ngày 28/7, công ty khai thác được 10.135 tấn, đạt 49% kế hoạch năm, tăng 1.324 tấn mủ so với cùng kỳ năm 2020. Thu mua được 5.012 tấn mủ, đạt 66%. Thu nhập bình quân 6 tháng đầu năm đạt 7,5 triệu đồng/người/tháng. Đồng thời chi 26,8 tỷ đồng các chế độ, chính sách đảm bảo kịp thời cho NLĐ.
Kết quả hoạt động SXKD 6 tháng đầu năm của công ty rất tốt, hiện vẫn chưa chuyển đổi chế độ cạo hay ngừng cạo do ảnh hưởng của Covid – 19. Tuy nhiên, công ty vẫn chủ động phòng chống dịch bệnh và tổ chức sản xuất “3 tại chỗ” tại Nhà máy chế biến trung tâm và Nhà máy chế biến Long Hà với 58 NLĐ. Trong hôm nay và ngày mai 31/7, CĐ công ty sẽ tổ chức thăm hỏi, động viên NLĐ đang ở lại tập trung tại hai nhà máy chế biến này.
Dự kiến đến hết tháng 7, Cao su Bình Long sẽ khai thác đạt 48% kế hoạch năm, tuy nhiên do ảnh hưởng dịch bệnh nên 664 NLĐ là công nhân khai thác trực tiếp trên vườn cây của Nông trường Lợi Hưng, Nông trường Quản Lợi và 1 phần của Nông trường Trà Thanh phải ngừng việc tạm thời để truy vết.
Ngày 29/7, công ty đã đưa khu cách ly tập trung tại thác số 4 với quy mô 40 giường vào hoạt động để cách ly các trường hợp do ảnh hưởng bởi Covid – 19 nhằm giảm tải cho các khu cách ly tập trung của địa phương.
Hiện nay tại Xí nghiệp chế biến 30/4 và Xí nghiệp chế biến Quản Lợi đã tổ chức “3 tại chỗ”. Trước khi thực hiện phương án này, công ty đã xét nghiệm cho các đơn vị để đảm bảo an toàn khi sản xuất tập trung. Trước đó, công ty đã thông báo rộng rãi đến toàn thể NLĐ về việc chi trả lương cho NLĐ trong trường hợp ảnh hưởng vì dịch bệnh. CĐ công ty kịp thời hỗ trợ NLĐ theo Quyết định 2606 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Không chủ quan trước đại dịch
Cao su Đồng Phú hiện có 3 đơn vị trực thuộc ngừng sản xuất với 250 lao động tạm ngừng làm việc, chiếm 10%/tổng số lao động của công ty. Hiện công ty có 200 lao động đang sản xuất theo phương án “3 tại chỗ”. Công ty đã thực hiện xét nghiệm cho NLĐ.
Bà Nguyễn Ánh Tuyết – Chủ tịch CĐ công ty cho biết: “Để hỗ trợ NLĐ vượt qua trong thời điểm khó khăn như hiện nay, công ty đã chi bổ sung tiền lương 30.000đ/ngày công thực tế đi làm cho toàn bộ lao động trực tiếp. Đồng thời chi hỗ trợ thêm 55.000đ tiền ăn/ngày cho Xí nghiệp chế biến và nhà máy chế biến do đơn vị áp dụng sản xuất “3 tại chỗ””.
Đối với NLĐ ngừng việc do đang trong thời gian cách ly, phong tỏa theo yêu cầu của các cơ quan chức năng, công ty chi trả khu vực I là 170.000đ/ngày (Nông trường An Bình), khu vực II là 151.000đ/ngày (các đơn vị còn lại).
Khó khăn hiện nay trong công tác sản xuất của Cao su Lộc Ninh bị ảnh hưởng do Covid – 19 đó là cung đường vận chuyển hàng hóa của công ty so với các đơn vị Đông Nam bộ khá xa ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất các sản phẩm chủ lực như mủ ly tâm và RSS. Do đó công ty phải tìm giải pháp để khắc phục khó khăn đó.
Thêm vào đó, dịch bệnh ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của NLĐ, nhất là trong thời kỳ giá cả leo thang như hiện nay. Công ty chủ động xây dựng các kịch bản để ứng phó với các trường hợp xảy ra nhằm đảm bảo ổn định sản xuất, có việc làm và thu nhập cho NLĐ.
Cao su Phước Hòa cũng có tiến độ khai thác sản lượng đạt 42,5% và cao hơn 10% so với cùng kỳ năm 2020. Giá bán bình quân đạt 43,2 triệu đồng/tấn, cao hơn giá bán cùng kỳ năm trước. Tiền lương bình quân NLĐ đạt 6,8 triệu đồng/người/tháng.
Cũng nằm trên địa bàn tỉnh Bình Dương, tuy nhiên Cao su Phước Hòa thuận lợi hơn trong công tác tổ chức sản xuất trong thời điểm hiện nay so với Cao su Dầu Tiếng. Công ty triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo các cấp về phòng chống dịch, tổ chức xét nghiệm cho 100% lao động, mua thuốc xịt khử khuẩn, khẩu trang, máy đo thân nhiệt… Công ty ủng hộ địa phương 300 triệu đồng vào Quỹ phòng chống dịch bệnh Covid – 19 của tỉnh Bình Dương.
Hiện công ty tổ chức cho 139 NLĐ, chủ yếu là công nhân nhà máy chế biến và một số NLĐ là cán bộ gián tiếp thực hiện phương án “3 tại chỗ” để đảm bảo hoạt động sản xuất. CĐ công ty chi hỗ trợ 100.000đ/ngày/người cho NLĐ đang thực hiện “3 tại chỗ”, đồng thời hỗ trợ 200.000đ/người cho 139 NLĐ này và 13 trường hợp thực hiện cách ly tại nhà theo quy định. Bên cạnh đó, hỗ trợ cho anh em cán bộ người Việt Nam tại Cao su Phước Hòa – Kampong Thom 500.000đ/người.
Công ty Cao su Tân Biên, Tây Ninh, Hòa Bình và Bà Rịa hiện nay NLĐ vẫn đi cạo bình thường, các nhà máy tổ chức sản xuất “3 tại chỗ”. Tuy điều kiện tổ chức SXKD có thuận lợi nhưng các công ty không chủ quan mà rất nghiêm túc trong công tác phòng chống dịch, xét nghiệm Covid – 19 để rà soát, đồng thời hỗ trợ NLĐ các cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cần thiết, hỗ trợ tiền ăn… để NLĐ tại nhà máy yên tâm sản xuất.
Riêng Cao su Bình Thuận tính đến nay tình hình hoạt động SXKD trên vườn cây khai thác và nhà máy vẫn ổn định, đảm bảo an toàn cho NLĐ yên tâm công tác. Công ty đã “đi trước một bước” trong việc thực hiện giãn cách trong sản xuất, đồng thời tuyên truyền cho NLĐ nâng cao tinh thần phòng chống dịch, tích cực ủng hộ địa phương trong công tác này.
Kịp thời hỗ trợ NLĐ ngừng việc, NLĐ gặp khó khăn do ảnh hưởng Covid – 19
Tính đến ngày 28/7, TCT Cao su Đồng Nai có 429 NLĐ bị ảnh hưởng tới dịch bệnh Covid – 19 (kể cả công ty con). Trước tình hình thực tế, TCT đã ban hành quy chế trả lương cho NLĐ đối với NLĐ khối quản lý, phục vụ, NLĐ trực tiếp và ủng hộ nhu yếu phẩm cho NLĐ trong vùng phong tỏa.
Ngoài ra, CĐ TCT hỗ trợ 2 triệu đồng/người cho NLĐ là F0 đang điều trị, hỗ trợ F1 cách ly y tế tâp trung theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền 1 triệu đồng/người và hỗ trợ cho các trường hợp cách ly y tế tại nhà và khu vực phong tỏa với mức 500 ngàn đồng/người. Đồng thời thăm hỏi, động viên, tặng nhu yếu phẩm cho 289 NLĐ trong thời gian bị phong tỏa với số tiền 144 triệu đồng. Tính đến nay, tổng số tiền hỗ trợ phòng chống dịch bệnh Covid – 19 cho NLĐ TCT, các công ty con, địa phương hơn 2,5 tỷ đồng.
Thực hiện chỉ đạo của địa phương trong công tác phòng chống dịch Covid – 19, Cao su Dầu Tiếng tạm ngừng sản xuất từ ngày 29/7 cho đến 4/8, dự kiến ngày 5/8 NLĐ sẽ đi làm trở lại. Trong thời gian tạm ngừng sản xuất, công ty đã kịp thời có thông báo đến NLĐ về việc chi trả lương để NLĐ yên tâm.
Cụ thể, trong thời gian ngừng việc từ 14 ngày trở xuống thì tiền lương ngừng việc được chi trả là 170.000đ/ngày. Đối với lao động vẫn làm việc, thực hiện nhiệm vụ theo quy định của công ty trong toàn bộ thời gian NLĐ ngừng việc thì tiền lương chi trả như đi làm bình thường.
Riêng đối với CĐ công ty đã chỉ đạo CĐ cơ sở tạm ứng giải quyết 101 triệu đồng theo Quyết định 2606 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Trước tình hình khó khăn của đơn vị, trong cuộc họp, bà Lý Thiện Nữ – Chủ tịch CĐ công ty đã kiến nghị CĐ cấp trên về việc giãn thời gian thu Quỹ Mái ấm CĐ đến cuối năm.
Vào giữa đầu tháng 7, Công ty CP Chế biến Gỗ Thuận An đã sử dụng một phần xưởng sản xuất để làm khu sinh hoạt, lắp thêm nhà tắm, nhà vệ sinh, trang bị chỗ ngủ, mùng mền và các vật dụng thiết yếu để NLĐ thực hiện “3 tại chỗ”. Tuy nhiên đến ngày 27/7, công ty tạm ngừng sản xuất 14 ngày do phát hiện F0.
Công ty CP Công nghiệp và Xuất nhập khẩu cao su có văn phòng, xí nghiệp ở Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM, những nơi đang là tâm điểm của dịch. Chưa ghi nhận ca nhiễm nào tại đơn vị, công ty tổ chức sản xuất “3 tại chỗ” cho 263 lao động. Bố trí đầy đủ cơ sở hạ tầng, phục vụ ba bữa ăn chính và 1 bữa ăn phụ, CĐ công ty còn hỗ trợ thêm vitamin, nước khoáng để tăng sức đề kháng và đã tổ chức xét nghiệm 3 lần cho NLĐ. Tổng chi phí chi cho các hoạt động này hơn 600 triệu đồng.
Kết luận tại cuộc họp, ông Phan Mạnh Hùng – Chủ tịch CĐ CSVN đã đánh giá cao tinh thần chủ động của CĐ các cấp trong công tác đồng hành cùng chính quyền tổ chức phòng chống dịch bệnh Covid – 19 và tham mưu xây dựng các kịch bản điều hành sản xuất phù hợp với tình hình thực tế tại đơn vị và đảm bảo thực hiện tốt các quy định của từng địa phương trong công tác phòng chống dịch.
Đồng thời, ông Hùng đề nghị CĐ các cấp nắm chắc tình hình, diễn biến dịch bệnh tại địa bàn và đơn vị, chủ động vào cuộc cùng chính quyền xây dựng kịch bản điều hành trong mọi hoàn cảnh. Chủ động tháo gỡ khó khăn, quan tâm đến đời sống, việc làm và ổn định tư tưởng NLĐ, kịp thời hỗ trợ NLĐ gặp khó khăn trong giai đoạn này, giữ được “trận địa” để sản xuất an toàn.
Ông nhấn mạnh: “Mỗi đồng chí tham gia trong Ban chỉ đạo phòng chống dịch tại đơn vị đều phải có kịch bản riêng của từng người. Trong mọi điều kiện đều sáng tạo, có giải pháp để làm thế nào cho NLĐ an toàn, có việc làm và có thu nhập, đồng thời không được chủ quan mà phải xây dựng phương án chống dịch tốt, không được để “vỡ trận”. Bên cạnh đó, tăng cường các công tác tuyền truyền, thăm hỏi, động viên bằng nhiều hình thức, ổn định tư tưởng cho NLĐ”.
QUỲNH MAI. Ảnh: CTV
Related posts:
- Chủ động, linh hoạt nhiều giải pháp để ổn định thị trường tiêu thụ
- Nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh cây cao su
- CĐ Cao su Phước Hòa bàn giao nhà “Mái ấm Công đoàn”
- Nông trường K’dang giành Giải nhất Hội thi Bàn tay vàng thu hoạch mủ Cao su Mang Yang
- Hội thi "Chủ tịch Công đoàn cơ sở giỏi" năm 2019
- Công đoàn Cao su Dầu Tiếng kỷ niệm 90 năm thành lập Công đoàn Việt Nam
- VRG vượt khó, phát triển ổn định
- 125 năm cây cao su ở Việt Nam: Thời kỳ phát triển và các bước thăng trầm
- Nâng cao sự gần gũi của Đảng trong lòng dân
- Lao động nữ đóng góp to lớn vào sự phát triển của VRG