CSVNO – Nhằm đánh giá kết quả sản xuất kinh doanh (SXKD) 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ thời gian tới, ngày 23/7 lãnh đạo VRG đã tổ chức sơ kết với 12 đơn vị khu vực Tây Nguyên theo hình thức trực tuyến.
Ông Trần Thanh Phụng – Phó TGĐ VRG phụ trách khu vực Tây Nguyên đã trình bày báo cáo tóm tắt những kết quả hoạt động SXKD của 12 đơn vị trong 6 tháng qua, đồng thời nêu những kiến nghị của các đơn vị để lãnh đạo VRG tìm cách tháo gỡ.
Theo đó, đến 30/6 tổng diện tích cao su của 12 đơn vị là 64.598 ha, trong đó diện tích cao su kiến thiết cơ bản 23.934 ha, diện tích khai thác trên 38.091 ha. 6 tháng đầu năm, các công ty Tây Nguyên triển khai thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện gặp nhiều khó khăn, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, thời tiết nhiều biến đổi, nắng hạn kéo dài và dịch bệnh trên vườn cây ảnh hưởng lớn đến công tác SXKD của đơn vị.
Đặc biệt, nắng hạn kéo dài đã ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng sinh trưởng của các vườn cây kiến thiết cơ bản, công tác tái canh và nhiều đơn vị phải cạo muộn đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện kế hoạch sản lượng khai thác.
Tổng sản lượng năm 2021 của 12 công ty được VRG giao là 55.559 tấn, trong đó sản lượng tự khai thác 55.108 tấn, sản lượng nhượng quyền khai thác 451 tấn (Cao su Kom Tum 350 tấn và Chư Păh 101 tấn).
Tính đến hết 30/6, sản lượng khai thác tại 12 đơn vị được 18.271 tấn, đạt 32,89% kế hoạch. Trong đó: 7 đơn vị có tỷ lệ hoàn thành kế hoạch sản lượng cao hơn hoặc xếp xỉ mức bình quân của khu vực gồm: Cao su Chư Păh 45,34%, Eah’Leo 41,45%, Chư Sê 38,40%, Kum Tum 36,24%, Krông Búk 34,58%, Mang Yang 33,45% và Chư Prông 32,57%.
5 đơn vị có tỷ lệ hoàn thành sản lượng thấp hơn mức bình quân của khu vực là: Đồng Phú-Đắk Nông 30,68%, Chư Mon Ray 25,12%, Bảo Lâm 20,50%, Sa Thầy 17,64% và Phước Hòa-Đắk Lăk 10,65%.
Mặc dù gặp khó khăn do dịch bệnh Covid – 19, song với sự nỗ lực hết mình các công ty vẫn đạt được nhiều kết quả khả quan khi tiêu thụ được trên 18.887 tấn, đạt sấp xỉ 30% kế hoạch, giá bán bình quân trên 39 triệu đồng/tấn, đạt 109,9% kế hoạch, tổng lợi nhuận sau thuế đều đạt trên 51% kế hoạch.
Nhiều công ty đã đạt mức lợi nhuận khá cao như: Công ty Chư Păh đạt 102,19% kế hoạch, Công ty Mang Yang đạt 84,63% kế hoạch … Tiền lương và thu nhập bình quân đạt trên 5,7 triệu đồng/người/tháng.
Trong công tác phòng chống dịch Covid -19, các công ty nghiêm túc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo đúng quy định của Bộ Y tế, các cơ quan chức năng của TW và địa phương, Trung tâm y tế ngành và Tập đoàn. Các công ty đã chủ động trang bị những thiết bị y tế cần thiết, tổ chức tốt công tác tuyên truyền đến tất cả người lao động, người dân xung quanh vùng dự án về các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid -19. Lập chốt kiểm tra đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn, đeo khẩu trang tại cổng đối với CB.CNV và khách đến công ty làm việc. Chính vì vậy, đến thời điểm hiện tại không có trường hợp nào bị nhiễm bệnh.
Đối với các kiến nghị, đề xuất của các công ty hầu hết đều tập trung vào những khó khăn tại KCN Nam Pleiku, dự án triển khai cụm công nghiệp tại Cao su Mang Yang, vấn đề chuyển đổi mục đích sử dụng sang trồng chuối ứng dụng công nghệ cao, vấn đề quản lý và bảo vệ rừng, vấn đề miễn giảm tiền thuế sử dụng đất…
Những kiến nghị, đề xuất đều được các ban chuyên môn VRG giải đáp và hướng dẫn các công ty tiếp tục thực hiện, trong đó đáng lưu ý là của Ban QLKT cho rằng hiện lĩnh vực nông nghiệp của các đơn vị chưa ảnh hưởng nhiều bởi dịch Covid 19 nên cần tích cực, tranh thủ và tập trung quyết liệt trong công tác khai thác.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Huỳnh Văn Bảo – TGĐ VRG chỉ đạo: Tây Nguyên là khu vực có lượng vốn khá cao của VRG, do vậy lãnh đạo các đơn vị cần phải quan tâm, điều hành làm sao để phát huy hết hiệu quả của nguồn vốn đã được đầu tư; Thống nhất với ý kiến của Ban chỉ đạo phòng chống dịch của VRG không được chủ quan, lơ là trong việc phòng chống dịch, thực hiện nghiêm túc các quy định của TW, địa phương và có phương án ứng phó trong tình huống có ca F0 trong nhà máy, xí nghiệp hoặc trong công nhân lao động, đặc biệt lãnh đạo các công ty cần tiếp cận mọi nguồn lực, cách thức để có vaccin tiêm cho người lao động.
Kết luận hội nghị, ông Trần Ngọc Thuận – Chủ tịch HĐQT VRG đã biểu dương những nỗ lực vượt khó, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ SXKD trong 6 tháng đầu năm, đề nghị Ban Tuyên giáo thi đua xem xét khen thưởng cho các đơn vị.
6 tháng đầu năm đơn vị nào cũng có mặt tích cực, vượt trội nên khen thưởng động viên là hết sức cần thiết; quan tâm và giữ mối quan hệ tốt hơn nữa trong công tác truyền thông, tránh bị động. Lãnh đạo các công ty cần tập trung hết sức cho công tác phòng chống dịch, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của TW, địa phương.
Ban chỉ đạo phòng chống dịch và tích cực trong việc tiếp cận nguồn vaccin để đến cuối năm 2021 100% người lao động được tiêm vaccin. Đặc biệt, phải có trách nhiệm với các đơn vị, dự án của mình tại Campuchia; tìm mọi cách hỗ trợ cho người lao động tại Campuchia cả về vật chất lẫn tinh thần.
Ông Thuận cũng cho biết: Thời gian tới sẽ nghiên cứu, kiện toàn và thay đổi tên gọi của Ban chỉ đạo phát triển cao su Tây Nguyên cũng như tất cả các khu vực đối với Ban chỉ đạo phát triển cao su, vì bây giờ không còn phù hợp với tên gọi cũ. Trước kia là đi mở rộng, phát triển còn nay là quản lý phát huy hiệu quả của nguồn vốn đầu tư, mục tiêu của việc này là để tốt hơn, hiệu quả hơn trong việc quản lý và bảo toàn vốn.
VĂN VĨNH
Related posts:
- Cao su Hương Khê - Hà Tĩnh rà soát, sắp xếp lao động
- Cao su Chư Prông đảm bảo cây giống chất lượng cho vụ trồng mới
- Cao su Chư Păh gặp mặt cá nhân xuất sắc trong sản xuất kinh doanh
- Đ/c Nguyễn Văn Cường giữ chức Bí thư Chi bộ VRG Bảo Lộc
- Nông trường Trần Văn Lưu thu nhập bình quân 7,5 triệu đồng/người/tháng
- VRG quyết liệt phòng chống Covid - 19 và ủng hộ 200 tỷ đồng cho Quỹ Vaccine
- Ông Nguyễn Hoàng Anh – Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệ...
- Cao su Mường Nhé - Điện Biên ra quân khai thác mủ cao su
- Cao su Hương Khê phấn đấu khai thác 600 tấn "vàng trắng" năm 2019
- Cao su Đồng Nai có Nông trường đầu tiên về đích