Đưa nghị quyết về đổi mới tổ chức và hoạt động của công đoàn Việt Nam trong tình hình mới vào cuộc sống

CSVN – Ngày 12/6/2021, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TW về đổi mới tổ chức và hoạt động của CĐ Việt Nam trong tình hình mới. Đây là một trong những Nghị quyết đầu nhiệm kỳ khóa XIII của Đảng thể hiện sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng về phong trào CN và hoạt động CĐ Việt Nam trong tình hình mới.

Cán bộ Công đoàn tham gia Hội thi Chủ tịch Công đoàn cơ sở giỏi năm 2019. Ảnh Vũ Phong
Xây dựng CĐ Việt Nam vững mạnh toàn diện

Trước đó ngày 28/1/2008, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 20, Bộ Chính trị đã có kết luận số 79 ngày 25/12/2013 về “Đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 20”. Tính đến nay Nghị quyết số 20-NQ/TW đã thực hiện hơn 13 năm đang trong quá trình tổng kết.

Có thể nói rằng: Việc tiếp tục ban hành Nghị quyết 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 là cần thiết. Nội dung quan trọng của Nghị quyết là với những kết quả đạt được và những tồn tại cần phải có giải pháp để giai cấp công nhân (CN), phong trào CN và hoạt động của tổ chức CĐ phát triển trên chặng đường mới với những thời cơ và thách thức mới. Nghị quyết nêu rõ: Trải qua hơn 90 năm hình thành và phát triển, sau 35 năm đổi mới đất nước, CĐ Việt Nam đã trưởng thành về mọi mặt, có những đóng góp xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của cách mạng, góp phần xây dựng giai cấp CN Việt Nam ngày càng lớn mạnh. Tổ chức CĐ được củng cố, phát triển, số lượng đoàn viên và CĐ cơ sở tăng mạnh, đội ngũ cán bộ phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng.

CĐ mở rộng hoạt động sang khu vực kinh tế ngoài Nhà nước; Phối hợp ngày càng hiệu quả với các cấp chính quyền, các tổ chức và người sử dụng lao động thực hiện tốt hơn nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ, kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp.

Tuy nhiên, tổ chức và hoạt động CĐ còn một số hạn chế, yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới. Công tác phát triển đoàn viên, CĐ cơ sở chưa tương xứng với tốc độ phát triển của doanh nghiệp, NLĐ; Chất lượng đoàn viên chưa cao, hiệu quả hoạt động của CĐ cơ sở còn hạn chế. Hoạt động CĐ ở một số ngành, địa phương chưa gắn với đặc điểm, nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, NLĐ và tình hình quan hệ lao động.

Nghị quyết đã chỉ ra những dự báo, cơ hội, thách thức trong thời gian tới: Số lượng CN, lao động tăng nhanh, hoạt động CĐ tiếp tục mở rộng và chuyển sang khu vực ngoài Nhà nước. Quá trình phát triển kinh tế thị trường; Thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; Việc cho phép thành lập tổ chức của NLĐ tại doanh nghiệp sẽ tác động sâu sắc đến việc làm, chất lượng nguồn nhân lực, việc thu hút, tập hợp NLĐ… Bối cảnh đó đã đặt ra yêu cầu cấp bách phải đổi mới mạnh mẽ, thực chất hơn tổ chức và hoạt động của CĐ Việt Nam.

Nghị quyết nhắm đến hướng mục tiêu tổng quát là xây dựng CĐ Việt Nam vững mạnh toàn diện; Có năng lực thích ứng và giải quyết các vấn đề đã đặt ra, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong tình hình mới là cơ sở chính trị – xã hội vững chắc của Đảng, Nhà nước; Làm tốt vai trò cầu nối, giữ mối liên hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với giai cấp CN, NLĐ; Xứng đáng là tổ chức đại diện lớn nhất, trung tâm tập hợp, đoàn kết giai cấp CN và NLĐ cả nước; Góp phần xây dựng giai cấp CN Việt Nam hiện đại, lớn mạnh, là lực lượng tiên phong trong thực hiện nhiệm vụ phát triển nhanh và bền vững đất nước. Đổi mới tổ chức và hoạt động CĐ phải đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng.

Quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị là xây dựng CĐ Việt Nam vững mạnh, xây dựng giai cấp CN Việt Nam hiện đại, lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu tình hình mới là trách nhiệm của Đảng, hệ thống chính trị và toàn xã hội. Đổi mới tổ chức và hoạt động CĐ phải đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng, phù hợp với thể chế chính trị đất nước, yêu cầu hội nhập quốc tế.

Đổi mới tổ chức và hoạt động CĐ phải phù hợp với số lượng, cơ cấu lao động, nhu cầu, nguyện vọng của CN, NLĐ và yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Phát huy vai trò đại diện chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên, NLĐ. Đổi mới có trọng tâm, trọng điểm, tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo nguồn lực đủ mạnh để CĐ thực hiện tốt nhiệm vụ; Bảo đảm tính kế thừa, ổn định, có lộ trình phù hợp, vững chắc, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm thế giới.

Trên cơ sở đánh giá tình hình, đề ra mục tiêu tổng quát, quan điểm chỉ đạo. Nghị quyết đề ra các mục tiêu cụ thể như sau:

  • Đến năm 2025: Phấn đấu có 13,5 triệu đoàn viên CĐ, hầu hết doanh nghiệp có 25 CN, lao động trở lên có tổ chức CĐ; Đến năm 2023 phấn đấu có 12 triệu đoàn viên CĐ. Phấn đấu 80% trở lên các doanh nghiệp, đơn vị có tổ chức CĐ ký kết được thỏa ước lao động tập thể; Đến năm 2023 đạt tỷ lệ trên 70%.
  • Đến năm 2030: Phấn đấu có 146,5 triệu đoàn viên CĐ; Nơi chưa có tổ chức đại diện NLĐ thì phần lớn NLĐ được tập hợp, tham gia một số hoạt động của CĐ Việt Nam; 85% trở lên các doanh nghiệp, đơn vị có tổ chức CĐ ký kết được thỏa ước lao động tập thể.
  • Đến năm 2045: Hầu hết NLĐ tại cơ sở là đoàn viên CĐ Việt Nam; 99% doanh nghiệp, đơn vị có tổ chức CĐ ký kết được thỏa ước lao động tập thể.

Để đạt được mục tiêu trên, Nghị quyết của Bộ Chính trị đặt ra các nhiệm vụ, giải pháp gồm:

  • Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tập hợp, vận động đoàn viên, NLĐ; Tập trung phát triển đoàn viên, CĐ cơ sở.
  • Tiếp tục sắp xếp, hoàn thiện mô hình tổ chức; Xây dựng đội ngũ cán bộ CĐ chuyên nghiệp, đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
  • Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động CĐ đáp ứng yêu cầu tình hình mới.
  • Xây dựng nguồn tài chính đủ mạnh để thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ của tổ chức CĐ.
  • Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động CĐ.
  • Hoàn thiện chính sách pháp luật; Tăng cường và nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội với CĐ
Nâng cao đời sống vật chất tinh thần NLĐ là ưu tiên hàng đầu. Ảnh tư liệu
Nhiệm vụ, giải pháp đổi mới tổ chức và hoạt động cho CĐ Cao su Việt Nam trong tình hình mới.

Trong nhiều năm qua, phong trào CN và hoạt động CĐ Cao su Việt Nam đã có nhiều đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động. Lấy nhiệm vụ chính trị của ngành làm trọng tâm, đoàn viên CĐ và NLĐ làm đối tượng. Hướng các hoạt động về cơ sở, đồng hành cùng doanh nghiệp, cùng NLĐ; Tổ chức sản xuất kinh doanh hiệu quả trong điều kiện khách quan và chủ quan muôn vàn khó khăn thách thức; Tổ chức tốt đời sống NLĐ, thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách cho NLĐ; Củng cố kiện toàn tổ chức CĐ các cấp, thực hiện tốt các chức năng của tổ chức CĐ, bộ máy tinh gọn hiệu quả, đội ngũ cán bộ chuyên trách, giảm nguồn lực tài chính đủ đáp ứng cho các hoạt động vì NLĐ.

Nghị quyết 20 của Bộ Chính trị được tổng kết, đánh giá đúng thực trạng với những kết quả đạt được khả quan. Thực hiện Nghị quyết số 02 của Bộ Chính trị khóa XIII về đổi mới tổ chức và hoạt động CĐ Việt Nam trong tình hình mới, tổ chức CĐ các cấp trong toàn ngành cần thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau đây:

Tham mưu cho các cấp ủy Đảng trong toàn ngành tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết cho toàn thể Đảng viên, đoàn viên CĐ và NLĐ trong toàn ngành; Tham mưu xây dựng chương trình hành động của từng cấp ủy thực hiện Nghị quyết với những nội dung quan trọng gắn với tình hình phong trào CN và hoạt động CĐ của đơn vị mình, cụ thể hóa các mục tiêu ở từng giai đoạn gắn với nhiệm vụ chính trị và hoạt động của CĐ trong doanh nghiệp.

Các cấp CĐ tổ chức sinh hoạt chính trị sâu rộng phổ biến Nghị quyết trong đoàn viên, NLĐ. Chủ động xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết gắn với phương hướng, nhiệm vụ của nhiệm kỳ CĐ cơ sở 2022 – 2027. Cụ thể hóa bằng các chỉ tiêu về: phát triển đoàn viên; Củng cố và phát triển tổ chức; Đội ngũ cán bộ; Các chương trình hành động; Các nội dung phối hợp; Công tác tài chính…cho từng năm và cả nhiệm kỳ.

Đối với cấp ngành: Khẩn trương thực hiện đề án sắp xếp bộ máy các ban tham mưu được phê duyệt, đảm bảo tinh gọn, hiệu quả; Sắp xếp mô hình tổ chức các cấp CĐ theo tiêu chí quy định: CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở, CĐ cơ sở. Đề xuất với Tổng Liên đoàn mô hình tổ chức phù hợp với tính đặc thù của ngành.

Tổng kết việc thực hiện sắp xếp đội ngũ cán bộ CĐ chuyên trách, bán chuyên trách theo mô hình: Chủ tịch CĐ cơ sở, CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở gắn với công tác Đảng, công tác chuyên môn, nhân rộng mô hình và thực hiện đồng loạt trong toàn ngành cho nhiệm kỳ mới. Xây dựng đội ngũ cán bộ CĐ chuyên trách – chuyên nghiệp phù hợp với mô hình quản lý, số lượng đoàn viên, số lượng CĐ cơ sở trực thuộc, trình độ năng lực của đội ngũ cán bộ với các quy chuẩn.

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo về nội dung và nhân sự cho Đại hội CĐ cơ sở nhiệm kỳ 2022 – 2027 và cấp ngành nhiệm kỳ 2023 – 2028. Chuẩn bị thật tốt nhân sự cho việc bầu Chủ tịch CĐ cơ sở trực tiếp tại Đại hội. Đẩy mạnh công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ CĐ các cấp, ưu tiên cán bộ trưởng thành từ phong trào và trực tiếp sản xuất trên cơ sở rà soát thường xuyên quy hoạch.

Tiếp tục thực hiện thỏa ước lao động tập thể ngành trong các đơn vị sản xuất kinh doanh cao su, đồng thời xây dựng và ký 100% thỏa ước có điều khoản bữa ăn ca với mức tối thiểu quy định. Nâng cao chất lượng bữa ăn ca, tăng cường kiểm tra việc thực hiện các chế độ chính sách cho NLĐ theo luật định.

Thu đúng, thu đủ nguồn tài chính CĐ, hạn chế thấp nhất việc chiếm dụng nguồn, chậm thu theo kế hoạch hàng năm. Sử dụng nguồn phí theo đúng quy định, tiết kiệm chi tạo tích lũy, ưu tiên chi cho các lợi ích, phúc lợi đoàn viên, giảm chi hành chính. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả thu và chi cho chương trình “Mái ấm CĐ”, “Ánh sáng CĐ”; Chi hỗ trợ CN khó khăn, khen thưởng cho các phong trào thi đua.

CĐ các cấp tiếp tục tham mưu cho cấp ủy Đảng, tăng cường sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng đối với hoạt động của CĐ. Tiếp tục thực hiện tốt mối quan hệ chính quyền với CĐ bằng các quy chế, chương trình phối hợp, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Phấn đấu 100% doanh nghiệp, đơn vị tổ chức Hội nghị NLĐ, Hội nghị cán bộ công chức hàng năm.

TRỌNG NHÂN