CSVN – Ông đã đặt nét bút đầu tiên phác họa đề cương và hoạch định mạch đi, những luận điểm khoa học chính của cuốn sách.
Phó giáo sư Huỳnh Lứa sinh năm 1933, quê ở xã Ân Thạnh, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định. Trong kháng chiến chống Pháp, năm 1953, sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, ông được Ty Giáo dục Bình Định – Liên khu 5 bổ làm giáo viên ở một trường cấp 2 thuộc huyện Hoài Nhơn. Tháng 5/1954, thầy giáo Huỳnh Lứa được Bộ Giáo dục cử ra miền Bắc chuẩn bị đi tu nghiệp ở nước ngoài. Sau 18 tháng học tiếng Hoa ở Nam Ninh – Trung Quốc, ông vào Khoa Lịch sử – Trường Đại học Bắc Kinh.
Tốt nghiệp, về nước, cử nhân Huỳnh Lứa được Bộ Giáo dục điều động về công tác tại Ban Lịch sử thế giới, rồi Ban Lịch sử cổ trung đại – Viện Sử học thuộc Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam. Sau ngày đất nước hòa bình thống nhất, ông được cử vào TP.HCM công tác tại Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, giữ chức vụ Trưởng ban Sử học, sau đó đổi thành Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu lịch sử, cho đến khi nghỉ hưu năm 2000.
Tôi chỉ biết ông qua những công trình nghiên cứu hoặc chủ biên hoặc viết chung như: Từ điển Trung Việt, Lịch sử nước Lào, Lịch sử Đảng bộ tỉnh Sông Bé, Địa chí Long An, Địa chí Bến Tre, Văn hóa dân gian người Việt ở Nam Bộ, Mấy đặc điểm văn hóa đồng bằng sông Cửu Long… Đặc biệt là công trình Lịch sử khai phá vùng đất Nam Bộ, cuốn sách được nhiều người nghiên cứu trích dẫn với tần suất rất cao.
Một ngày đầu năm 1990, Phó Chủ tịch Công đoàn Cao su Việt Nam Hà Xuân Thọ tâm sự: Công đoàn đang chủ trương biên soạn cuốn Lịch sử phong trào công nhân cao su. Anh Hà Xuân Thọ là Tổng thư ký Liên đoàn công nhân đồn điền miền Nam từ năm 1955, quen biết tôi khi tôi cùng mấy anh em đi sưu tầm tư liệu viết lịch sử và làm nhà truyền thống công nhân cao su Đồng Nai, công nhân cao su Dầu Tiếng.
Tôi đề xuất với anh Hà Xuân Thọ mời Phó giáo sư Huỳnh Lứa làm chủ biên và các anh Trần Quang Toại (Trưởng phòng Lịch sử Đảng – Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai), Nguyễn Khoa Trung (Trưởng phòng Lịch sử Đảng – Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Sông Bé) tham gia biên soạn.
Các anh Trần Quang Toại và Nguyễn Khoa Trung vừa cùng tôi biên soạn cuốn Lịch sử Chiến khu Đ (xuất bản năm 1987), còn Phó giáo sư Huỳnh Lứa là người nổi tiếng, vừa giỏi chuyên môn lại hiền hậu, dung dị, tôi rất quý mến, mong được cộng tác dưới quyền chủ biên của ông. Và ngày 11/4/1990, chúng tôi gặp nhau tại Văn phòng Công đoàn Cao su để triển khai thực hiện đề tài.
Công việc nghiên cứu biên soạn công trình Lịch sử phong trào công nhân cao su Việt Nam kéo dài gần ba năm, đến tháng 5/1993 mới xuất bản sách (Nhà xuất bản Trẻ). Trong ba năm ấy, tôi được làm việc nhiều với Phó giáo sư, lúc thì đi sưu tầm tư liệu ở các địa phương, lên tận Tây Nguyên, lúc thì họp trao đổi nghiệp vụ tại Văn phòng Công đoàn hoặc tại khu nghỉ dưỡng Bàu Sen (Nông trường cao su Xà Bang, Bà Rịa). Tôi học ở ông thái độ làm việc điềm đạm, cẩn trọng, lối tư duy biện chứng và hệ thống.
Sau này, cuốn sách được tái bản hai lần nữa, riêng trong lần tái bản thứ hai, công trình được bố cục lại, viết bổ sung giai đoạn đến năm 2014 cùng một số nội dung khác, và tôi được đứng tên đồng chủ biên với ông. Với tôi, đó là một vinh dự lớn. Rồi cuốn sách sẽ tiếp tục được bổ sung hoặc viết lại, nhưng chúng ta không thể quên rằng, kiến trúc sư đầu tiên cuốn lịch sử phong trào công nhân cao su là Phó giáo sư Huỳnh Lứa. Ông đã đặt nét bút đầu tiên phác họa đề cương và hoạch định mạch đi, những luận điểm khoa học chính của cuốn sách.
Trong cuộc hội thảo kỷ niệm 50 năm chiến dịch Bình Giã tổ chức tại thành phố Bà Rịa, Phó giáo sư Huỳnh Lứa có tham luận Công nhân cao su Bà Rịa – Long Khánh với chiến dịch Bình Giã. Gặp lại ông, nhớ những ngày nghiên cứu biên soạn cuốn Lịch sử phong trào công nhân cao su Việt Nam, tôi hỏi thêm một số nội dung về sự ra đời và đặc điểm của công nhân cao su: Cơ duyên nào cây cao su xuất hiện ở Việt Nam? Phó giáo sư Huỳnh Lứa: Chúng ta biết rằng, đối với thực dân Pháp, mục đích đánh chiếm Việt Nam là để biến nơi đây thành thuộc địa để rồi khai thác nó phục vụ cho lợi ích của nước Pháp.
Trong toàn bộ chính sách khai thác thuộc địa Việt Nam, nông nghiệp là ngành đầu tư ít vốn mà dễ thu được lợi nhuận nhất, nên chúng lập ra các đồn điền trồng lúa và các loại cây công nghiệp dài ngày như cà phê, chè, cao su. Và chỉ 4 năm sau ngày chúng hoàn thành công cuộc đánh chiếm bằng quân sự trên toàn cõi Việt Nam bằng Hiệp ước Patenôtre, toàn quyền Đông Dương đã ra Nghị định cho phép bọn Colon (địa chủ thực dân) lập các đồn điền ở Việt Nam.
Lại hỏi: Nhưng trước đó, ở Việt Nam chưa từng có cây cao su? Trả lời: Đúng thế, cao su (tiếng Pháp là caoutchouc) là loại nhựa có tính đàn hồi, được tạo ra từ mủ của vài loại cây nguồn gốc từ Châu Mỹ hoặc Châu Phi, một mặt hàng nguyên liệu chiến lược trong các ngành công nghiệp. Khi sang Việt Nam, đặt chân lên vùng đất Đông Nam Kỳ, thực dân Pháp nhận ra những điều kiện thuận lợi về khí hậu và chất đất phù hợp với cây cao su, nên gần như ngay lập tức, chúng nghĩ đến việc trồng và khai thác cao su ở đây. Và từ năm 1877, người Pháp bắt đầu lập trung tâm nghiên cứu cao su, lấy hạt giống và cây con từ đảo Java về trồng thử nghiệm, sau đó nhân rộng ra toàn xứ. Và như vậy, các công ty cao su của người Pháp đã ra đời ở Việt Nam? hỏi. Phó giáo sư: Việc trồng thử nghiệm thành công cây cao su ở như đốm lửa bắt nhanh vào tham vọng của tư bản Pháp. Chỉ trong thời gian vài chục năm, hàng loạt công ty cao su hoặc có văn phòng ở Paris, hoặc mới lập ở Sài Gòn lần lượt xuất hiện, như Công ty Cao su Đông Dương với các đồn điền Dầu Giây, An Lộc, Bình Lộc, Ông Quế, Bến Củi, Bình Ba; Công ty Cao su Đất Đỏ với các đồn điền Quản Lợi, Xa Cam, Xa Cát, Xa Trạch, Bình Sơn, Phú Hưng và một số đồn điền ở Campuchia; Công ty Cao su Viễn Đông với các đồn điền Xa Cát, Minh Thạnh, Lộc Ninh, Đa Kia. Công ty Cao su Michelin với các đồn điền Dầu Tiếng, Thuận Lợi, Phú Riềng. Rồi Công ty Cao su Phước Hòa, Công ty Cao su Xuân Lộc, Công ty Cao su Đồng Nai, Công ty Cao su Tây Ninh.
Năm 1918, Việt Nam có 7.000 ha cây cao su, đến năm 1930 đã tăng lên gần 130.000 ha.
Hỏi: Vậy ngoài các công ty Pháp, người Việt Nam có trồng cao su không? Trả lời: Có, một số đồn điền cao su của tư sản người Việt và người Hoa. Nhưng đó chỉ là những đồn điền nhỏ, loại hạng trung cũng không qua 500 ha, loại nhỏ thì diện tích chỉ từ 99 ha trở xuống. Phần lớn các chủ đồn điền người Việt và Hoa kiều được thừa hưởng đất đai của dòng họ để lại, chỉ quen sử dụng phương thức kinh doanh phát canh thu tô, thiếu kiến thức về khoa học kỹ thuật và quản lý. Hoạt động khai hoang trồng mới, chế biến cần vốn lớn, nhưng họ không được ngân hàng cho vay và sự hỗ trợ pháp lý từ chính quyền thực dân, nên hiệu quả sản xuất kinh doanh không cao.
Đó là sự ra đời của các cơ sở trồng, khai thác, chế biến cao su ở Việt Nam, thực ra, bấy giờ mới chủ yếu ở miền Đông Nam Kỳ, một số ít đồn điền ở Tây Nguyên và Campuchia. Tôi hỏi Phó giáo sư về sự ra đời của đội ngũ công nhân cao su, và câu trả lời của ông: Cùng với sự ra đời của ngành khai thác cao su, đội ngũ công nhân cao su cũng bắt đầu xuất hiện. Thoạt đầu, chỉ là những nông dân tại chỗ được trưng dụng hoặc hợp đồng làm công việc phá rừng, dọn đất và trồng tỉa. Số nhân công này, hết việc, lại trở về với ruộng đồng, nương rẫy. Phải đến sau chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 -1918), diện tích trồng cao su nhiều lên, các đồn điền bắt đầu khai thác, chế biến và xuất khẩu, đội ngũ công nhân cao su mới tăng dần và chuyên nghiệp hóa. Nguồn tại chỗ không đủ, các chủ đồn điền phải ra Trung Kỳ, Bắc Kỳ chiêu mộ nhân công. Từ khoảng gần 4.000 người năm 1925, lên đến 72.000 người. Đó là một con số không nhỏ trong bối cảnh Việt Nam về cơ bản là một nước thuần nông lúc bấy giờ.
Hỏi nữa: Và phong trào đấu tranh của công nhân cao su bắt đầu từ đây? Phó giáo sư: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến phong trào đấu tranh của công nhân: nỗi thất vọng khi nhận ra nơi họ đến không phải là “thiên đường” như lời hứa của kẻ mộ phu, chế độ quản trị khắc nghiệt của đồn điền, sự khốn cùng của cuộc sống không lối thoát. Cũng cần nói thêm là do cuộc vận động của những người Cộng sản trong những năm 20 của thế kỷ trước. Đấu tranh của công nhân đi từ tự phát lên tự giác, đến khi chi bộ Đảng Cộng sản được thành lập ở Phú Riềng năm 1929 thì tiến trình chuyển sang một thời kỳ khác, đấu tranh giai cấp kết hợp với đấu tranh dân tộc.
Đặc điểm của công nhân cao su là họ xuất thân nông dân “vô sản”, bị áp bức, bóc lột hà khắc, nên có tinh thần đấu tranh rất triệt để và kiên định. Họ lại là lực lượng sống tập trung, nên có tinh thần đoàn kết, ý thức tập thể và kỷ luật rất cao. Có thể nói rằng, phong trào công nhân cao su đã góp một phần rất quan trọng trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, cũng mặc nhiên, góp một phần không hề nhỏ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.
Đã gần 30 năm trôi qua kể từ ngày xuất bản lần đầu công trình Lịch sử phong trào công nhân cao su Việt Nam, nhưng Phó giáo sư Huỳnh Lứa vẫn còn nhớ nhiều nội dung trong cuốn sách mà ông là chủ biên. Tôi cũng muốn nói thêm rằng, từ năm 1993, sau khi cuốn Lịch sử phong trào công nhân cao su Việt Nam ra đời, Phó giáo sư Huỳnh Lứa còn công bố hàng chục công trình nghiên cứu khoa học có giá trị khác. Ông xứng đáng được Liên hiệp Hội Khoa học kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị tôn vinh là một trong những trí thức tiêu biểu về khoa học kỹ thuật Việt Nam.
ĐẠI TÁ, PGS, TS. HỒ SƠN ĐÀI
Related posts:
- Cao su Sa Thầy chú trọng chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường
- Tình người cao su
- Hoài niệm Tết xưa!
- Sẽ giải thể một số đội bóng chuyền
- 117 gia đình sẽ được tuyên dương tại Lễ kỷ niệm 85 năm
- Nhiều sáng kiến đem lại hiệu quả tổng hợp
- Những bức ảnh còn mãi theo thời gian
- Cao su Sơn La: Trao vỏ xe ★★★ VRG cho người lao động xuất sắc
- Thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao năng suất vườn cây
- Sáng kiến lấy mủ sớm, tạo tính chủ động trong công việc