CSVN – Việc triển khai trồng cây đinh lăng dưới tán cây công nghiệp được xem là mô hình có tiềm năng và đem lại hiệu quả cao vì khai thác tối đa hiệu quả từ đất.
Việt Nam hiện có trên 664.000 ha cà phê, 960.000 ha cao su, 337.143 ha điều. Để khai thác tốt hiệu quả từ đất dưới tán cây công nghiệp này, Trung tâm Khoa học Công nghệ và Môi trường, Liên minh HTX Việt Nam đã nghiên cứu đề tài “Ứng dụng quy trình kỹ thuật trồng xen canh cây đinh lăng dược liệu với cây công nghiệp theo tiêu chuẩn phù hợp với quy mô HTX nông nghiệp”.
Chưa khai thác được tiềm năng
Theo thống kê của Bộ Y tế, nhu cầu sử dụng dược liệu của Việt Nam từ 60.000 – 80.000 tấn/năm, trong khi đó, Việt Nam mới chỉ sản xuất được 15.000 – 18.000 tấn/năm. Số còn lại phải nhập khẩu từ nước ngoài, trong đó chủ yếu từ Trung Quốc. Đáng chú ý, tiềm năng lợi thế về đất đai của Việt Nam dưới tán rừng trồng, dưới tán cây công nghiệp để trồng cây dược liệu như sâm, đinh lăng là rất lớn, nhưng việc khai thác còn rất hạn chế. Điều này đã và đang gây lãng phí rất lớn nguồn tài nguyên đất đai.
Trước thực tế đó, nhằm khai thác tối đa hiệu quả từ đất, nhất là dành cho các HTX nông nghiệp tại các địa phương có tiềm năng, nhóm nghiên cứu của Trung tâm Khoa học Công nghệ và Môi trường, Liên minh HTX Việt Nam đã triển khai nghiên cứu đề tài “Ứng dụng quy trình kỹ thuật trồng xen canh cây đinh lăng dược liệu với cây công nghiệp theo tiêu chuẩn phù hợp với quy mô HTX nông nghiệp”.
Nhóm nghiên cứu cho biết, qua quá trình nghiên cứu từ thực tiễn và việc triển khai hỗ trợ thí điểm 2 HTX Cựu chiến binh Cẩm Mỹ và HTX Cẩm Tiên cùng trên địa bàn huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai trồng cây đinh lăng xen canh cây cao su cho thấy, sau thời gian một năm triển khai trồng thử nghiệm đã cho thấy hiệu quả.
Theo đó, đinh lăng là loại cây ưa bóng râm, chịu ẩm và sinh trưởng, phát triển tốt dưới tán cây cao. Bắt đầu từ năm thứ 2 trở đi, cứ 6 tháng, nông dân có thể thu hoạch được khoảng 600kg lá tươi và 1.500kg thân, rễ tươi/1.000m2. Tức là bình quân 1 gốc cho 0,2kg lá (giá bán 2.000 đồng/kg) và 0,5kg thân, rễ (20.000 đồng/kg).
Cũng theo đánh giá của nhóm nghiên cứu đề tài, việc trồng cây đinh lăng dưới tán cây công nghiệp vừa giảm được nhân công làm cỏ, bón phân cho các loại cây này, đồng thời còn khai thác tối đa hiệu quả trên diện tích đất, bởi cùng một công chăm bón, người dân có thể chăm sóc cho cả hai loại cây.
Có thể triển khai nhân rộng
Theo Ts. Lê Văn Nghị, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, việc triển khai trồng cây đinh lăng dưới tán cây công nghiệp tại Việt Nam sẽ góp phần xóa đói, giảm nghèo, tăng giá trị diện tích đất, tận dụng đất đai, nâng cao giá trị kinh tế. Hiện tại, diện tích đất trồng cây công nghiệp của Việt Nam là rất lớn. Tuy nhiên, thực tế nhiều HTX nông nghiệp, lâm nghiệp ở Việt Nam lại hạn chế về quỹ đất, diện tích đất để sản xuất. Do vậy, làm thế nào để khai thác được năng suất, hiệu quả diện tích đất dưới tán cây công nghiệp là bài toán cần có lời giải.
Phó Chủ tịch Lê Văn Nghị cho rằng: “Việt Nam hiện có trên 664.000 ha cà phê, 960.000 ha cao su, 337.143 ha điều. Đây là diện tích rất lớn mà nhiều năm qua chúng ta chưa tính đến để khai thác. Dưới tán cây công nghiệp thường ít nắng, nếu trồng các loại rau màu khác thì không hiệu quả, trong khi cây đinh lăng lại thích hợp dưới tán cây lớn và ít cần ánh sáng. Tiềm năng này sẽ cho hiệu quả rất lớn nếu chúng ta biết khai thác, tận dụng trồng cây dược liệu”.
theo vnbusiness
Related posts:
- Để vườn cây chất lượng tốt, năng suất cao
- Nghiên cứu mới làm tăng sản lượng mủ cao su
- Nâng cấp hệ thống xử lý nước thải 2 nhà máy Cao su Kon Tum
- Tính bền vững thúc đẩy các liên minh mới trong ngành cao su
- Vườn cây ảnh hưởng nắng hạn, khó hoàn thành kế hoạch
- Tác động của biến đổi khí hậu đến dịch hại trên cây cao su
- Thu gom mủ tự động - sáng chế hữu ích
- Cây lúa cạn trên đất tái canh
- Sản xuất SVR 10, 20 theo công nghệ mới nhằm giảm suất đầu tư
- Vất vả như Ban giám khảo Hội thi Thợ giỏi