Hỗ trợ đào tạo nghề trong dịch Covid-19: Tối đa 9 triệu đồng trong sáu tháng

CSVNO – Theo Nghị quyết 68 của Chính phủ, mức hỗ trợ tối đa với chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động là 1,5 triệu đồng/người mỗi tháng, trong thời gian hỗ trợ tối đa sáu tháng. Hồ sơ đề nghị hỗ trợ được nộp trong thời gian từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022.

Ảnh minh họa

Ngày 6/7, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai nội dung hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Chính sách kịp thời giúp người lao động và doanh nghiệp

Tổng cục trưởng Giáo dục nghề nghiệp Trương Anh Dũng cho biết, Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 68) với gói hỗ trợ dự kiến khoảng 26 nghìn tỷ đồng. Đây là chính sách rất kịp thời giúp cho người lao động và doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh để đạt “mục tiêu kép”.

Trong Nghị quyết số 68, có 12 nhóm chính sách thì có ba nhóm liên quan đến chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động. Theo nội dung  hỗ trợ “Chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động”, người sử dụng lao động được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp khi đáp ứng các điều kiện: Đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động từ đủ 12 tháng trở lên tính đến thời điểm đề nghị hỗ trợ; thay đổi cơ cấu công nghệ theo quy định tại khoản 1 Điều 42 Bộ luật Lao động; có doanh thu của quý liền kề trước thời điểm đề nghị hỗ trợ giảm từ 10% trở lên so với cùng kỳ năm 2019 hoặc năm 2020; có phương án hoặc phối hợp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp có phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động theo quy định. Mức hỗ trợ tối đa là 1,5 triệu đồng/người lao động/tháng và thời gian hỗ trợ tối đa 06 tháng. Hồ sơ đề nghị hỗ trợ được nộp trong thời gian từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022.

Như vậy, so với quy định của Luật Việc làm và Nghị định 28/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp, mức hỗ trợ được tăng từ 1 triệu đồng lên 1,5 triệu. Các điều kiện hỗ trợ người sử dụng lao động trong việc đào tạo duy trì việc làm cho người lao động đã được đơn giản hóa hơn, tạo điều kiện cho người sử dụng lao động và quy định việc phối hợp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp để xây dựng phương án tổ chức đào tạo.

Về đối tượng người lao động được hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng sẽ tập trung vào nhóm người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; nhóm người lao động chấm dứt hợp đồng lao động.

Điều kiện cắt giảm, thủ tục rút gọn

Đặc biệt, các điều kiện để được hỗ trợ được cụ thể hóa (giảm điều kiện về cắt giảm lao động, giảm điều kiện về khả năng tài chính để đào tạo cho người lao động). Nghị quyết của Chính phủ giao Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định triển khai các nội dung quy định về chính sách hỗ trợ theo trình tự, thủ tục rút gọn. Hiện nay, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang xd dự thảo để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Ảnh minh họa: Thái Sơn. 

Theo TS Đỗ Năng Khánh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, người sử dụng lao động có nhu cầu hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động nộp hồ sơ theo quy định gửi Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

Trong thời hạn bảy ngày làm việc, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội xem xét, quyết định việc hỗ trợ.

Theo đó, Quyết định hỗ trợ sẽ gửi một bản đến Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh để thực hiện chuyển kinh phí hỗ trợ, một bản đến người sử dụng lao động để thực hiện, một bản đến cơ sở giáo dục nghề nghiệp để thực hiện việc đào tạo, một bản đến Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội để báo cáo.

Trường hợp không hỗ trợ thì Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người sử dụng lao động.

Đặc biệt, trong ba ngày làm việc kể từ ngày nhận được Quyết định hỗ trợ của Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, cơ quan Bảo hiểm xã hội cấp chuyển một lần toàn bộ kinh phí hỗ trợ cho người sử dụng lao động (theo đề xuất của Bảo hiểm xã hội Việt Nam).

Trong hai ngày làm việc kể từ ngày nhận được kinh phí hỗ trợ, người sử dụng lao động thực hiện việc chuyển kinh phí cho cơ sở thực hiện việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động theo phương án đã được phê duyệt…

“Cơ hội” cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Tại hội nghị, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cũng đề nghị Sở Lao động – Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố nhanh chóng phổ biến, thông tin đến các doanh nghiệp trên địa bàn, cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Chỉ đạo tăng cường việc phối hợp giữa doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp xây dựng phương án tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động.

Đặc biệt, phải tránh việc lợi dụng chính sách; đào tạo không đúng kế hoạch, không bảo đảm chất lượng; người học sau khi đào tạo được cấp chứng chỉ đào tạo, do cơ sở giáo dục nghề nghiệp cấp.

Đối với các doanh nghiệp có cơ sở đào tạo, nhưng ngành nghề trong doanh nghiệp đa dạng, các cơ sở đào tạo của doanh nghiệp chỉ đảm nhiệm được một số ngành nghề nhất định, nên việc phối hợp với cơ sở đào tạo để bảo đảm đáp ứng được nhu cầu đào tạo đa dạng của doanh nghiệp…

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải chủ động, tăng cường liên hệ, phối hợp các doanh nghiệp để xây dựng phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động. Tổ chức thực hiện việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động gắn với đúng yêu cầu của doanh nghiệp, người sử dụng lao động; gắn việc đào tạo với cấp bằng, chứng chỉ cho người lao động.

Tổng cục trưởng Trương Anh Dũng cho rằng, chính sách cần phải được triển khai nhanh chóng, vì thời gian thực hiện không dài, với phương châm hỗ trợ thực chất cho doanh nghiệp, người lao động kịp thời, hiệu quả, chất lượng, tránh lợi dụng chính sách. Đây cơ hội lớn cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, nhất là trong đẩy mạnh hơn nữa đào tạo trình độ sơ cấp. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất là sự sẵn sàng của các doanh nghiệp, trong bối cảnh dịch bệnh, doanh nghiệp phải tập trung nhân lực, họ có sẵn sàng đào tạo lại không? Vì vậy, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp không ngồi chờ, phải chủ động tiếp cận, phối hợp cùng doanh nghiệp…

theo Nhân Dân