Tác nghiệp báo chí online thời Covid-19

CSVN – Dịch bệnh Covid -19 đã làm thay đổi rất nhiều khía cạnh của đời sống và xã hội, trong đó có cả cách thức làm việc và vận hành của nhiều doanh nghiệp nói chung, ngay cả các cơ quan báo chí, trong đó có Tạp chí Cao su Việt Nam. Để chuyển mình thích ứng với tình hình dịch bệnh phức tạp, một bộ phận cán bộ, nhân viên, kỹ thuật viên, phóng viên và biên tập viên làm việc tại nhà và áp dụng những phương tiện công nghệ có tính năng tương tác đảm bảo cộng việc thông suốt, hiệu quả.

Ban Biên tập Tạp chí CSVN triển khai họp giao ban trực tuyến, tuân thủ quy định phòng chống dịch Covid-19 trong thời gian giãn cách xã hội. Ảnh: Tuệ Linh

Tòa soạn online – trải nghiệm hiệu quả thời dịch bệnh

Ngay từ đợt dịch bệnh Covid–19 bùng phát lần thứ nhất năm 2020, Tạp chí đã thực hiện làm việc từ xa khi có Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Để số báo phát hành đúng tiến độ, đảm bảo tính chính xác, tính thời sự, tránh sai sót, đến tay người lao động kịp thời, đáp ứng nhiệm vụ chính trị của Tập đoàn, đòi hỏi sự vận hành khoa học, quản lý công việc thông suốt của cả ê kip từ khâu giao đề tài, liên hệ với cơ sở lấy thông tin, viết bài và gởi kiểm duyệt cho ban biên tập.

Khâu cuối của công đoạn là biên tập viên phải thường xuyên kiểm tra mail lấy tin bài của phóng viên, cộng tác viên và kết nối giữ liên lạc với phóng viên để nắm bắt và theo sát tiến độ công việc một cách dễ dàng. Đa phần các phóng viên, cộng tác viên thường chọn mail, Zalo và messenger để gởi tin bài, hình ảnh, hoặc trao đổi một số thông tin cần thiết cho bài viết của mình.

Khi làm việc online, căn cứ vào đề cương của từng số báo và sự phân công của trưởng ban qua buổi họp giao ban đầu tuần, biên tập viên lấy bài về biên tập, đưa bài vào thư mục dàn trang của số báo, qua sự kiểm duyệt nội dung của trưởng ban biên tập. Căn cứ vào các trang đã có tin bài và hình ảnh, bộ phận kỹ thuật sẽ tiến hành dàn trang cho số báo.

Khâu cuối cùng không kém phần quan trọng trước khi in báo, đó là khâu sửa lỗi khi có bản in thử. Đây là công đoạn tưởng chừng đơn giản nhưng đòi hỏi có sự “thông hiểu” giữa người phát hiện lỗi chính tả và kỹ thuật dàn trang, đảm bảo việc chỉnh sửa chính xác tuyệt đối.

Nếu làm việc trong môi trường giao tiếp trực tiếp thì việc trao đổi khá dễ dàng nếu kỹ thuật viên “dịch từ” chệch chuẩn, nhưng là môi trường trực tuyến, người sửa lỗi cần đánh dấu và ghi rõ những lỗi cần sửa, tránh sự hiểu nhầm dẫn đến sửa sai. Sau khi sửa xong, kiểm tra lần cuối tính chính xác về nội dung cũng như cách thức trình bày trước khi xuất file đi in.

Tác nghiệp online: “Việc chẳng đặng đừng”

Là tờ tạp chí ngành, Tạp chí Cao su VN không phải là tờ báo xã hội với tin tức thời sự nóng nên trong những ngày TP.HCM bùng phát dịch Covid – 19, chúng tôi được lãnh đạo Tạp chí yêu cầu hạn chế đi tác nghiệp đến địa bàn các tỉnh có cao su để đảm bảo an toàn sức khỏe cộng đồng, tuân thủ công tác phòng chống dịch. Tuy nhiên các số tạp chí phải xuất bản đúng kỳ, đảm bảo nội dung. Vì vậy chỉ có cách tác nghiệp online. Ở góc độ nghiệp vụ, đó là một “tổn thất”. Không có tương tác trực tiếp với nhân vật, thực tế hiện trường, độ mẫn cảm tin tức, đề tài sẽ giảm.

Trước đây, mỗi khi có sự kiện, chúng tôi cùng nhau lên xe, tha vác lỉnh kỉnh đồ nghề. Ở đó, trong lúc tham dự hội họp, chúng tôi sẽ gặp gỡ, chuyện trò với nhiều người, ghi hình, chụp ảnh, phỏng vấn và trao đổi thông tin… Trước khi đi, lên dự kiến phát triển tin, bài theo một kiểu, nhưng sau khi gặp gỡ, nói chuyện, lại phát triển tin, bài theo hướng khác và thường là sẽ sinh động, nhiều thông tin hơn chúng tôi nghĩ ban đầu.

Còn giờ đây, chúng tôi ngồi dán mắt vào màn hình để tham dự cuộc họp trực tuyến, liên tục check e-mail, Zalo, bấm điện thoại gọi cộng tác viên, nguồn tin để lấy dữ liệu. Mới đầu, cảm giác thật là thích vì tiện quá, nhưng sau vài ba lần, bạn sẽ thấy sự tẻ nhạt của kiểu làm tin này. Nguyên liệu để bạn chế biến các sản phẩm của mình cũng đơn điệu, khó thu thập hơn và đặc biệt vì ngồi một chỗ nên nguồn cảm hứng cũng ngưng lại. Phỏng vấn online cũng mất “cảm hứng” so với trực tiếp. Tất nhiên, đó là việc “chẳng đặng đừng” do hoàn cảnh “giãn cách xã hội” trong khoảng thời gian nhất định để phòng, chống dịch.

Cộng tác viên – cánh tay đắc lực

Đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều thói quen bị thay đổi. Với tòa soạn và mỗi phóng viên, sự thay đổi trong tác nghiệp là minh chứng rõ nét nhất cho việc sáng tạo để thích ứng trước những diễn biến bất ngờ như cơn đại dịch vừa qua. Việc phóng viên làm việc online đã không còn lạ lẫm gì với đội ngũ phóng viên, biên tập viên Tạp chí CSVN. Đặc biệt là trong tình hình dịch bệnh Covid – 19 đang diễn biến phức tạp và địa bàn của các đơn vị thành viên VRG trải dài khắp cả nước, sang tận đến nước bạn Lào và Campuchia.

Do đặc thù công việc của nghề báo có thể làm việc trong mọi điều kiện thời gian và địa hình, do đó khi làm việc tại nhà, chúng tôi cũng không gặp khó khăn gì. Thay vào đó, việc liên hệ với đơn vị cơ sở, các nguồn tin và NLĐ đều “trông cậy” hết vào chiếc smartphone. Thay vì phỏng vấn trực diện, đã xuất hiện ngày một nhiều hơn các cuộc phỏng vấn qua điện thoại, qua Zalo, Skype.

Bên cạnh đó, thuận lợi nhất của phóng viên Tạp chí là đã xây dựng được một đội ngũ cộng tác viên rộng lớn ở các khu vực gồm có các anh chị đồng nghiệp làm việc tại cơ quan báo, đài địa phương và cả các anh chị công tác tại các đơn vị trực thuộc VRG. Nhờ đó, khi có sự kiện, thông tin thì hệ thống cộng tác viên đều nhiệt tình gởi tin, bài hoặc dữ liệu về cho phóng viên. Nhờ vậy, thông tin cập nhật trên website và báo in của Tạp chí đều rất phong phú.

Thực tế cho thấy rằng, làm việc online là xu hướng của thời công nghệ 4.0 và từ lâu đã hiện hữu trong môi trường hoạt động báo chí thông qua các hình thức như gọi điện phỏng vấn nhân vật, truyền tải clip, hình ảnh giữa phóng viên các tòa soạn báo…

Được thực hiện công việc tại môi trường làm việc mới, không gian tương tác trực tuyến, trao đổi thông tin là một trải nghiệm trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh hiện nay đối với phóng viên, kỹ thuật viên và biên tập viên. Đảm bảo sự an toàn cho mọi người, góp phần vào việc hoàn thành tốt nhiệm vụ kép, vừa đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19, vừa thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị.

NGUYỄN LÝ – MINH NHIÊN – THIÊN HƯƠNG