Các đơn vị khu vực miền núi phía Bắc (MNPB) gặp rất nhiều khó khăn về địa hình, vườn cây manh mún, điều kiện đất đai, thời tiết khắc nghiệt hơn so với những khu vực khác. Tuy nhiên, kết quả sản xuất kinh doanh (SXKD) và các công tác khác đã có nhiều tín hiệu vui trong 5 tháng đầu năm, dự báo một năm 2021 “đại thắng” từ vùng đất khó.
“Không một ngày ngơi nghỉ” trong cuộc chiến phòng chống dịch Covid – 19
Cuộc họp trực tuyến giữa HĐQT, Ban TGĐ và các ban chuyên môn VRG với các đơn vị MNPB ngày 3/6 kéo dài từ 8h sáng đến 13h30 chiều đủ để thấy sự quan tâm về mọi mặt, chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo VRG đối với các đơn vị trực thuộc, nhất là những đơn vị còn nhiều khó khăn về mọi mặt như MNPB và tinh thần trách nhiệm, quyết tâm khắc phục khó khăn, tồn tại để thực hiện tốt nhiệm vụ trong năm 2021 của lãnh đạo các đơn vị thành viên.
Cũng như các đơn vị trực thuộc khác trong toàn VRG, trong 5 tháng đầu năm 2021, các đơn vị khu vực MNPB vừa căng mình chống Covid – 19 trong tinh thần chủ động, không lơ là, “không một ngày ngơi nghỉ” trong cuộc chiến chống dịch chưa biết khi nào kết thúc này. Bên cạnh đó là ổn định tổ chức sản xuất nhằm bảo đảm công ăn việc làm, thu nhập cho NLĐ. Quả thật, đối với những trở ngại mà các đơn vị khu vực này gặp phải, việc song song thực hiện tốt cả hai nhiệm vụ rất cần sự quyết tâm cao và tinh thần đoàn kết của cả tập thể.
Song song với việc tuyên truyền đến NLĐ nâng cao ý thức trong phòng chống dịch bệnh, tổ chức đoàn thể các đơn vị phát tặng NLĐ khẩu trang y tế, khẩu trang vải và nước sát khuẩn thể hiện sự đồng hành cùng NLĐ trong cuộc chiến cam go này. Không chỉ vậy, các đơn vị còn thực hiện trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc cộng đồng trách nhiệm với địa phương bằng sự hỗ trợ về vật chất, tinh thần cho các quỹ phòng chống dịch, khu cách ly tại địa phương.
Đồng hành cùng NLĐ trong phòng chống dịch và hoạt động phong trào CNVC – LĐ các đơn vị, giữa tháng 4, đoàn công tác Công đoàn CSVN đã đến thăm, động viên và trao quà NLĐ MNPB trong Tháng Công nhân 2021. Ông Phan Mạnh Hùng – Chủ tịch Công đoàn CSVN đã biểu dương các đơn vị MNPB đã chủ động sáng tạo trong công tác phòng chống Covid – 19, đồng thời chia sẻ những khó khăn, thiếu thốn về thiết bị, hệ thống y tế của các đơn vị khu vực đang gặp phải.
Ông Hùng cho biết Công đoàn CSVN sẽ kịp thời hỗ trợ kinh phí để các đơn vị mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống dịch. Ông cũng chỉ đạo: “Công đoàn các đơn vị phải thường xuyên nắm bắt thông tin để chủ động hỗ trợ kịp thời cho NLĐ trong từng trường hợp cụ thể bị ảnh hưởng do Covid – 19”.
SXKD 5 tháng đầu năm rất khả quan
Mặc dù rất khó khăn nhưng dường như không ngăn được quyết tâm cao nhất thực hiện nhiệm vụ SXKD của các đơn vị. Thời tiết trong những tháng đầu năm có nhiều thuận lợi hơn so với mọi năm, vườn cây ít bị bệnh phấn trắng, đa số vườn cây khai thác bộ lá tương đối ổn định và đưa vào khai thác sớm hơn so với năm 2020. Tổng diện tích vườn cây khai thác của khu vực này hơn 17.479 ha. Tính đến ngày 31/5, các đơn vị đã khai thác được 2.980 tấn/18.240 tấn, đạt hơn 16,3% kế hoạch, trong đó có những đơn vị đạt tỷ lệ sản lượng cao như Sơn La 18,2%, Lai Châu 2 đạt 20,4%, Điện Biên 19,5%.
Tổng sản lượng các đơn vị tiêu thụ được 1.660 tấn/18.240 tấn. Trong mặt bằng chung những tháng đầu năm giá cao su có xu hướng nhích dần lên, giá bán của các đơn vị MNPB khởi sắc hơn cùng kỳ năm 2020. Theo đó, giá bán bình quân toàn khu vực đạt 36,9 triệu đồng/tấn. Giá bán cao, doanh thu tích cực giúp cho 5 tháng đầu năm khu vực MNPB có mức lợi nhuận hơn 8 tỷ đồng.
Nổi bật nhất là Cao su Sơn La với mức lợi nhuận trước thuế đạt hơn 5 tỷ đồng. Trong khi đó, kế hoạch VRG giao cho công ty hơn 7,8 tỷ đồng. Với những con số biết nói về sản lượng khai thác, doanh thu, lợi nhuận, lương bình quân NLĐ cao hơn so với cùng kỳ năm 2020, Cao su Sơn La dự kiến đến hết năm 2021, mức lợi nhuận trước thuế sẽ đạt 20 tỷ đồng, gấp gần 3 lần so với chỉ tiêu kế hoạch được giao. Công ty đã từng bước chủ động được tài chính trong việc trả nợ, lãi cho ngân hàng và nộp thuế cho Nhà nước.
Ông Trương Minh Tuấn – TGĐ công ty cho biết: “Qua 5 tháng đầu năm, từ Ban lãnh đạo công ty đến NLĐ đoàn kết thống nhất cao nên đơn vị vượt qua được nhiều khó khăn tồn tại. Toàn đơn vị nghiêm túc thực hiện tốt công tác phòng chống dịch Covid – 19 nên không có trường hợp NLĐ nhiễm bệnh. Công tác quản lý, điều hành SXKD đạt nhiều kết quả cao. Sản lượng tăng, công suất nhà máy chế biến tăng, chất lượng sản phẩm ngày càng tốt hơn. Kinh doanh thuận lợi, có lợi nhuận, lương, thưởng và các chế độ chính sách NLĐ được giải quyết kịp thời đúng quy định. Năm nay, thu nhập bình quân tăng so với cùng kỳ năm 2020, vì vậy NLĐ an tâm sản xuất, đầu năm công ty cũng thu tuyển được nhiều lao động mới vào làm việc”.
Trước những thay đổi tích cực trong công tác tổ chức, điều hành và kết quả SXKD 5 tháng đầu năm của đơn vị đầu tiên trực thuộc VRG được thành lập tại MNPB, trong cuộc họp trực tuyến, Chủ tịch HĐQT VRG Trần Ngọc Thuận và lãnh đạo VRG đã biểu dương nỗ lực của tập thể NLĐ Cao su Sơn La.
Trong 9 đơn vị trồng, chăm sóc, khai thác cao su thì hiện nay Cao su Lai Châu II là đơn vị dẫn đầu khu vực với tỷ lệ sản lượng khai thác đạt 20,4%. Đây cũng là đơn vị có giá bán bình quân cao nhất khu vực với mức 38,4 triệu đồng/tấn.
Theo đánh giá của Ban Quản lý kỹ thuật VRG, chất lượng vườn cây của các đơn vị khu vực này đang dần chuyển biến tích cực, năng suất bình quân toàn khu vực đạt 1,06 tấn/ha. Trong đó, Cao su Điện Biên là vườn cây có năng suất cao nhất, có 126 ha đạt năng suất trên 2 tấn/ha. 100% lãnh đạo đơn vị cam kết với VRG sẽ thực hiện đạt và vượt kế hoạch sản lượng được giao, có đơn vị vượt từ 3 – 7% kế hoạch được giao như Dầu Tiếng – Lào Cai cam kết vượt 3 – 5%, Dầu Tiếng – Lai Châu dự báo vượt 5 – 7%…
Vậy là yếu tố tác động quan trọng đến việc thực hiện tốt các chỉ tiêu khác là sản lượng năm nay rất tích cực và có khả năng vượt kế hoạch. Theo dự báo sản lượng khai thác trong quý III của các đơn vị khu vực này sẽ đạt tỷ lệ cao nhất trong năm, ông Lê Thanh Tú – Phó TGĐ VRG đánh giá cao nỗ lực thực hiện sản lượng trong 5 tháng đầu năm của các đơn vị top đầu của khu vực, đồng thời đề nghị các đơn vị lưu ý đến tỷ lệ thực hiện sản lượng các quý trong năm theo mẫu số 5% – 10% – 45% – 40% để quyết liệt nỗ lực đạt sản lượng tốt nhất trong năm 2021.
Theo ghi nhận của VRG, tính đến 31/5, tổng số lao động toàn khu vực này là 5.085 người, trong đó lao động trực tiếp 4.610 người, lao động gián tiếp 475 người (chiếm 11,08%). Cao su Sơn La, Lai Châu 2, Điện Biên là những đơn vị có tỷ lệ lao động gián tiếp không quá 7%. Đối với các đơn vị nhỏ do đặc thù mô hình đơn vị vì vậy VRG tiếp tục yêu cầu tiếp tục tiết giảm tối đa lực lượng lao động gián tiếp nhằm đảm bảo quy định chung, nâng cao hiệu quả quản lý. Tình hình SXKD ổn định, mức bình quân thu nhập của NLĐ các đơn vị có xu hướng tăng, công tác thu tuyển lao động mới nhờ vậy cũng dễ dàng hơn. Hiện nay, tại các đơn vị không có tình trạng thiếu lao động.
Cam kết thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch năm 2021
Về định hướng lâu dài đối với các đơn vị MNPB trong việc tiêu thụ, trong đó tăng cường chế biến sản phẩm khai thác từ vườn cây, hạn chế bán mủ nguyên liệu. Tuy nhiên trong từng giai đoạn cụ thể, VRG sẽ xem xét linh động có những giải pháp phù hợp đối với từng đơn vị. Hiện nay, căn cứ vào tình hình thực tế, VRG đã cho phép Cao su Mường Nhé – Điện Biên và Dầu Tiếng – Lào Cai, Hà Giang bán mủ đông.
Trong hoạt động chế biến, Ban Công nghiệp VRG nhận định Nhà máy chế biến 28/10 của Cao su Sơn La đã có nhiều nỗ lực trong chế biến sản lượng của đơn vị và gia công cho các đơn vị khác. Chi phí chế biến giảm nhanh qua các năm, đây là một chuyển biến rất tích cực. Để nâng cao chất lượng sản phẩm hơn nữa trong thời gian tới, Ban Công nghiệp đã đề nghị các đơn vị tăng cường triển khai chặt chẽ việc quản lý, xác nhận DRC trong quá trình giao nhận giữa NLĐ và công ty, giữa các công ty và đơn vị gia công. Trước những kết quả khả quan trong 5 tháng đầu năm, lãnh đạo các đơn vị MNPB khẳng định và cam kết sẽ quyết tâm thực hiện đạt và hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm 2021. Ông Huỳnh Văn Bảo – TGĐ VRG nhấn mạnh: “Dù có những ảnh hưởng do dịch bệnh Covid – 19 nhưng các đơn vị MNPB đã có sự ổn định trong những tháng đầu năm. Lãnh đạo VRG tin tưởng và hy vọng các đơn vị ngoài việc thực hiện tốt chỉ tiêu về sản lượng còn chú trọng vào công tác chăm sóc vườn cây KTCB. Với những tiền đề trong những tháng đầu năm thì năm 2021 MNPB chắc chắn sẽ có lãi. Các đơn vị phải quan tâm đến công tác chế biến, nâng cao chất lượng của sản phẩm mang thương hiệu VRG trước mắt và về lâu dài”.
Chia sẻ với những khó khăn các đơn vị MNPB gặp phải, ông Trần Ngọc Thuận – Chủ tịch HĐQT VRG chỉ đạo các ban chuyên môn VRG tập trung tháo gỡ những vướng mắc các đơn vị kiến nghị. Đồng thời khẳng định: “Chủ trương chung của VRG là sẽ không trồng mới ở MNPB mà tập trung quản lý, chăm sóc, khai thác tốt vườn cây hiện có. Vì vậy mỗi đơn vị cần có những giải pháp cụ thể, lộ trình cụ thể nâng cao sản lượng, năng suất vườn cây, nỗ lực khắc phục khó khăn, nâng cao hiệu quả tối đa trong hoạt động SXKD. Tích cực trong việc tiết giảm giá thành để tăng giá trị chia sản phẩm cho người dân”.
MINH NHIÊN
Related posts:
- Cao su Kon Tum tổ chức kỷ niệm 40 năm ngày thành lập công ty
- Trường Cao đẳng Công nghiệp Cao su tổ chức Hội thảo đánh giá chương trình đào tạo các ngành, nghề
- Quyết liệt tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư của các tập đoàn, tổn...
- Tri ân những “chiến binh” thầm lặng
- Ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại - yếu tố "sống còn" giúp doanh nghiệp phát triển bền vững
- Các đơn vị miền núi phía Bắc phấn đấu vượt kế hoạch sản lượng
- Cao su Điện Biên quyết tâm hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023
- Cao su Hương Khê - Hà Tĩnh khai thác trên 2.100 ha cao su năm 2023
- Cao su Phú Riềng: Tô thắm truyền thống Phú Riềng Đỏ hào hùng
- Những dấu ấn ở đơn vị anh hùng