CSVNO – Khi phát hiện ca mắc COVID-19 trong khu công nghiệp, các địa phương phải chủ động phương án ứng phó, tăng cường năng lực lấy mẫu, xét nghiệm để bắt kịp tốc độ lây lan của dịch bệnh; từ đó thần tốc truy vết, dồn lực xét nghiệm, khoanh vùng, từng bước sàng lọc, làm sạch và giải phóng khu vực phong tỏa.
Đó là những kinh nghiệm được lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang chia sẻ tại cuộc họp với các địa phương có khu công nghiệp (KCN) về công tác phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, diễn ra chiều 11/6, tại trụ sở Chính phủ. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì cuộc họp.
Quyết liệt ngăn dịch lây vào KCN; Tăng cường xét nghiệm sàng lọc, tầm soát trong cộng đồng
Báo cáo tại cuộc họp, đại diện Bộ Y tế cho biết, trong đợt dịch thứ 4, công tác truy vết thần tốc được triển khai mạnh mẽ, hiệu quả, tuy nhiên, việc tổ chức truy vết còn nhiều lúng túng. Thời gian qua, các lực lượng đã xét nghiệm với số lượng lớn (tính đến ngày 10/6, cả nước thực hiện xét nghiệm Realtime RT-PCR được khoảng 4,626 triệu mẫu cho gần 7,8 triệu lượt người).
Tuy nhiên, quá trình sắp xếp, khớp mã lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm còn chậm, ảnh hưởng đến hiệu quả công tác truy vết. Nhận thức tình hình trên, hiện tại, Bộ Y tế đã rà soát, hoàn thiện quy trình hướng dẫn truy vết, khớp kết quả xét nghiệm để triển khai thí điểm ở các tỉnh đang có dịch bệnh phức tạp, sau đó nhân rộng và triển khai thống nhất dữ liệu truy vết chung để chia sẻ kịp thời.
Tại cuộc họp, lãnh đạo các địa phương: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu đã báo cáo về công tác phòng, chống dịch, chuẩn bị cho tình huống xử lý khi phát hiện ca mắc COVID-19 trong các KCN.
Theo đó, các địa phương chủ động nâng cao năng lực xét nghiệm; có phương án cách ly cụ thể; kiểm soát chặt chẽ công nhân đi và đến làm việc tại địa phương; xét nghiệm sàng lọc định kỳ 20-25% công nhân, người lao động… Các địa phương cũng tăng cường giám sát dịch bệnh thường xuyên tại các khu vực tập trung đông công nhân ở trọ, xét nghiệm tầm soát tại khu vực có nguy cơ cao; giám sát người có triệu chứng khi đến các phòng khám, nhà thuốc…
Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết từ ngày 27/5 đến nay, thành phố đã lấy khoảng 482.000 mẫu, trong đó 6.448 mẫu F1, hơn 25.000 mẫu F2, gần 430.000 mẫu xét nghiệm sàng lọc mở rộng. Do tăng cường xét nghiệm sàng lọc, truy vết nên 4 ca nhiễm là công nhân làm việc trong KCN đã được phát hiện kịp thời, chặn được chuỗi lây nhiễm.
Đồng thời, TPHCM tăng cường giám sát có trọng điểm, khi cần thiết tiếp tục mở rộng xét nghiệm ra toàn xí nghiệp, phân xưởng, thậm chí cả KCN nếu nhận thấy có nguy cơ cao; duy trì sàng lọc theo tỷ lệ 20% công nhân của các nhà máy, xí nghiệp trong KCN.
Tại cuộc họp, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cho biết để chuẩn bị tình huống có dịch trong cộng đồng, đặc biệt là KCN, địa phương đang tập trung chỉ đạo để nâng công suất xét nghiệm từ 30.000 mẫu gộp lên 50.000 mẫu gộp/ngày; chuẩn bị các khu cách ly ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố. Lực lượng phòng chống dịch của Đồng Nai đang ở trạng thái tập trung cao độ, các tổ COVID cộng đồng hoạt động rất tích cực.
Đại diện tỉnh Bình Dương cho biết, với 29 KCN, 12 cụm công nghiệp đang hoạt động, gần 1,2 triệu công nhân, địa phương đã yêu cầu từng công ty phải xây dựng kịch bản phòng, chống dịch, ứng phó khi có ca nhiễm. Tỉnh đã chuẩn bị 10.000 chỗ cách ly tập trung, năng lực điều trị khoảng 600 bệnh nhân; công suất xét nghiệm khoảng 6.000 mẫu đơn/ngày.
Hiện nay người lao động từ TPHCM lên Bình Dương làm việc rất đông, vì vậy, tỉnh tiếp tục tập trung kiểm soát y tế đối với người từ vùng dịch, đặc biệt ở TPHCM; kiểm tra các nhà máy, xí nghiệp, tăng cường xét nghiệm sàng lọc định kỳ cho công nhân.
Các tỉnh Tây Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An đã báo cáo về công tác phòng chống dịch, nhất là chuẩn bị cho tình huống lây nhiễm trong khu, cụm công nghiệp. Trong đó, các địa phương đang tập trung nâng cao năng lực xét nghiệm; có phương án cách ly cụ thể, tính đến cả tình huống cách ly ngay trong doanh nghiệp; kiểm soát chặt chẽ công nhân làm việc tại những địa phương khác và ngược lại từ địa phương khác đến; xét nghiệm sàng lọc định kỳ 20% đến 25% công nhân;…
Ngoài ra, các tỉnh đang tăng cường giám sát dịch bệnh thường xuyên tại các khu vực tập trung đông công nhân ở trọ, xét nghiệm tầm soát tại khu vực có nguy cơ cao; giám sát người có triệu chứng khi đến các phòng khám, nhà thuốc.
Chuẩn bị kỹ phương án tại chỗ, đặc biệt là năng lực lấy mẫu và xét nghiệm
Chia sẻ kinh nghiệm phòng, chống dịch bệnh trong các KCN, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang cho biết, để xử lý ca mắc COVID-19 trong thời gian ngắn nhất, các lực lượng phải quyết liệt triển khai các biện pháp truy vết, khoanh vùng. Đặc biệt, năng lực lấy mẫu, xét nghiệm đóng vai trò quan trọng để bắt kịp tốc độ lây lan của dịch. Bắc Ninh đã thực hiện thần tốc truy vết, sau đó dồn lực cho xét nghiệm, từng bước sàng lọc, làm sạch và giải phóng khu vực phong tỏa.
Nhấn mạnh phải phát hiện sớm các ca mắc COVID-19 trong khu, cụm công nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh chia sẻ cần thực hiện nghiêm túc công tác kiểm soát, xét nghiệm sàng lọc định kỳ 3 ngày/lần, mỗi lần khoảng 20% tổng số công nhân, người lao động, thậm chí cần tăng cường xét nghiệm sàng lọc tại những nhà máy, phân xưởng có môi trường làm việc kín, mật độ đông.
Đáng chú ý, cùng với công tác phòng, chống dịch, Bắc Ninh đã khôi phục lại hoạt động sản xuất cho khoảng 500 doanh nghiệp; ngay sau khi ghi nhận ca mắc ở 1 doanh nghiệp, các lực lượng đã nhanh chóng vào cuộc, xử lý nhanh, hiệu quả, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp khác.
Đồng quan điểm, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho biết, có 4 nguồn lây chính trong các KCN: Do môi trường làm việc khép kín, sử dụng điều hòa, đặc biệt các doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử; lây tại nhà ăn, khu vệ sinh chung; sử dụng chung xe ô tô đưa đón; khu vực nhà trọ của công nhân.
Khi dịch bệnh xảy ra trong các khu, cụm công nghiệp phải cách ly lập tức hàng nghìn người, xét nghiệm hàng chục nghìn mẫu, điều trị hàng nghìn ca bệnh…
“Đây là bài học kinh nghiệm của Bắc Giang. Do năng lực xét nghiệm ban đầu yếu nên những ngày đầu tiên đã không bắt kịp được tốc độ lây lan của dịch bệnh.
Do đó, để bắt kịp, khống chế và kiểm soát dịch bệnh trong thời gian nhanh nhất, các địa phương phải chuẩn bị kỹ năng lực lấy mẫu, xét nghiệm”, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương nhấn mạnh.
Nếu có ca nhiễm phải phát hiện trong 3 ngày đầu tiên
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh qua hơn 1 tháng triển khai quyết liệt các biện pháp, tình hình dịch cơ bản được kiểm soát trên toàn quốc, mặc dù số ca nhiễm, số địa phương có dịch nhiều hơn trước.
Theo Phó Thủ tướng, chúng ta đã có kinh nghiệm tốt trong phòng, chống dịch tại cộng đồng. Vì vậy, dù chưa gặp phải tình huống phức tạp như chuỗi lây nhiễm của nhóm truyền giáo Hội thánh Phục hưng (TPHCM) nhưng lực lượng phòng, chống dịch vẫn “đuổi bắt kịp chuỗi lây nhiễm”.
Vấn đề đáng lo ngại nhất là các địa phương chưa có kinh nghiệm chống dịch trong KCN, nhất là tại các doanh nghiệp sản xuất điện tử, môi trường làm việc kín, sử dụng điều hoà, rất đông công nhân.
Đơn cử trong khoanh vùng, cách ly khi phát hiện ca nhiễm, ngoài KCN, nhà máy thì còn có các khu nhà trọ dành cho công nhân có mật độ rất đậm đặc.
Số lượng công nhân cần lấy mẫu, xét nghiệm để truy vết rất lớn, với yêu cầu trả kết qua trong ngày gây áp lực cực lớn lên lực lượng lấy mẫu, xét nghiệm.
“Dịch vào KCN là một bài toán hoàn toàn khác”- Phó Thủ tướng nói và nhấn mạnh bên cạnh việc chuẩn bị các phương án ứng phó thì cố gắng để dịch không lây vào KCN, nếu có ca nhiễm phải phấn đấu phát hiện ngay trong vòng 3 ngày đầu tiên.
Muốn vậy, các địa phương phải thực hiện khai báo y tế bắt buộc, cập nhật tình hình sức khoẻ của tất cả người làm việc trong KCN. Những người có lịch trình đi lại, tiếp xúc có nguy cơ thì phải được xét nghiệm sàng lọc.
Dẫn lại bài học kinh nghiệm của tỉnh Bắc Giang sử dụng nơi ở của công nhân để cách ly tại chỗ, không kịp thời giãn, giảm mật độ đã gây lây nhiễm chéo rất nhiều, Phó Thủ tướng lưu ý, bên cạnh khu cách ly tập trung, các địa phương phải chuẩn bị phương án cách ly tại chỗ với mật độ giảm thấp hơn bình thường.
Đối với công tác xét nghiệm, cần có sự thống nhất chỉ huy, điều phối công tác lấy mẫu, xét nghiệm, kết hợp các phương pháp xét nghiệm cho những nhóm đối tượng khác nhau, nhất là trong tình huống có nhiều đơn vị về hỗ trợ, chi viện.
Về khoanh vùng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng không có một mô hình chuẩn cho khoanh vùng cách ly, phong toả mà phụ thuộc vào bản lĩnh, trí tuệ, sự linh hoạt, sáng tạo của lãnh đạo địa phương.
“Giãn cách, khoanh vùng đến đâu, phải quyết rất sớm nhưng bên trong phải làm rất chặt, tránh tình trạng khoanh rộng nhưng bên trong lỏng, để dịch dây dưa, kéo dài. Trong tình huống ban đầu chưa thể xác định được chỗ hẹp thì tạm thời khoanh rộng nhưng sau đó khẩn cấp điều tra dịch tễ để khoanh gọn lại”- Phó Thủ tướng nói.
Kiên quyết dừng hoạt động những doanh nghiệp chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu phòng, chống dịch
Để vừa chống dịch, vừa bảo đảm sản xuất an toàn, Phó Thủ tướng đã nhắc lại bài học kinh nghiệm của Bắc Ninh, Bắc Giang “đối với các doanh nghiệp nhất định phải an toàn mới được hoạt động, sản xuất”. Vì vậy, những địa phương có KCN, dù chưa có dịch cũng phải kiểm tra và kiên quyết dừng hoạt động những doanh nghiệp chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu phòng, chống dịch.
Đồng thời, qua quá trình kiểm tra, phải yêu cầu doanh nghiệp phải cập nhật đầy đủ thông tin lên hệ thống an toàn COVID (antoancovid.vn), từ đó địa phương sẽ nắm được tình hình phân bố khu vực sản xuất của doanh nghiệp, để sau này khi ghi nhận, cập nhật các ca F0, F1, F2 thì dựa trên các mô hình tính toán, chuyên gia có thể dự đoán được đường lây, những khu vực có nguy cơ. Từ đó giúp địa phương triển khai kịp thời các biện pháp phòng chống sát thực tế, đuổi kịp và đón đầu dịch.
Các địa phương phải yêu cầu doanh nghiệp trong KCN có phương thức tổ chức lại sản xuất các ca, kíp, khu sản xuất gắn với bố trí chỗ ở cho công nhân, trong tình huống có ca nhiễm thì chỉ khoanh vùng, cách ly được ngay nhóm công nhân cùng ca, kíp, ở cùng khu vực, không lan sang bộ phận khác, doanh nghiệp vẫn tiếp tục duy trì được hoạt động. Đây là công việc rất công phu, đòi hỏi doanh nghiệp phải thực sự “xắn tay” vào làm cùng chính quyền địa phương.
Nhằm chủ động trong tình huống có nhiều ca nhiễm ở KCN, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương khảo sát trước các địa điểm có thể thành lập các bệnh viện dã chiến, tận dụng tối đa cơ sở vật chất hiện có, chuẩn bị phương án thiết lập các đơn vị điều trị tích cực.
theo Sức khỏe và Đời sống
Related posts:
- Chồng tránh mặt ba, khục khặc với vợ
- Gặp người “giải cứu” hàng chục máy cày bị… đắp chiếu!
- Virus lây trong không khí, ca bệnh ở Việt Nam cách xa 10m vẫn mắc Covid-19
- Vất vả mưu sinh tuổi xế chiều
- Việt Nam đối mặt đợt dịch nguy hiểm nhất từ trước tới nay
- Thủ tướng chỉ thị triển khai giải pháp tổ chức dạy học an toàn, bảo đảm chất lượng giáo dục, đào tạo...
- Yêu chồng, thương cả con riêng của chồng
- Hình thành ‘vành đai chống dịch’ quanh TPHCM
- Bộ Y tế hướng dẫn cách ly F1 tại nhà
- Du lịch sinh thái - cộng đồng những trải nghiệm thú vị