Ký ức thanh xuân

CSVN – Một ngày mưa, có dịp ngang qua Núi Thị, thấy lòng xốn xang lạ kỳ, bao nhiêu ký ức thân quen của thanh xuân dưới mái trường cấp 3 Cao su Đồng Nai ngày nào bỗng khắc khoải, nhớ thương trở về…

Ảnh minh họa

Đó là ngôi trường có dấu ấn đặc biệt trong ký ức của bao thế hệ thanh niên con em công nhân cao su Đồng Nai những thập niên 1980, 1990. Trường tọa lạc dưới chân núi Thị (thuộc ấp Dưỡng Đường, xã Suối Tre, TP. Long Khánh).

Núi Thị đã từng là một cảnh quay trong bộ phim nổi tiếng “Ván bài lật ngửa”. Núi Thị nay còn được đặt một trạm Viba rất lớn. Khí hậu quanh núi Thị mát mẻ và trở lạnh khi đông về. Quanh chân núi, người ta trồng rất nhiều chuối. Và trong vô vàn ký ức của những năm tháng gắn bó với ngôi trường này, chính là những ngày đầu tuần và cuối tuần kéo nhau lên ngôi biệt thự thời Pháp bỏ hoang mà bẻ trộm chuối ăn ngon lành. Cũng từ ngôi nhà hoang đó, biết bao câu chuyện bi hài được thêu dệt nên bởi trí tưởng tượng phong phú của những tay lém lỉnh, hài hước…

Trường được Công ty Cao su Đồng Nai xây dựng. Dãy nhà tường xây mái ngói đỏ, hình chữ U. Những gốc phượng già trong sân trường im lìm tỏa bóng mát quanh năm và rực rỡ một góc trời mỗi mùa hạ sang.

Giờ trở lại, năm tháng có làm cho dấu vết trường xưa phôi phai, nhưng trong lòng tôi vẫn in đậm những góc sân quen, những gương mặt thương mến. Đó là dãy văn phòng nơi làm việc của Ban giám hiệu, thầy Năm hiệu trưởng, thầy Hiệp hiệu phó thường hay ra vào. Các dãy phòng học xung quanh như còn âm vang tiếng giảng bài của các thầy cô: thầy Hiệp thì chiều cao khiêm tốn, thầy Duệ có cặp kính cận dày cộp, cùng thầy Văn, thầy Đăng, thầy Dũng, thầy Tuấn… dáng đi tất bật mỗi khi đến lớp. Đâu đó là giọng nói nhỏ nhẹ trong trẻo của cô Sen, cô Châu, cô Vừng…

Kia là khu Ký túc xá dành cho học sinh và cả giáo viên, có khu vực sinh hoạt chung, có ti vi, tối cuối tuần không về nhà, chúng tôi tụ họp nhau đàn hát rộn ràng…

Những năm tháng ấy, đã xa lắm rồi, đi vào vùng ký ức của hơn 30 năm về trước, mà hôm nay, như vẫn còn nghe đâu đây tiếng đàn guitar tình tang khúc quân hành trẻ trung tuổi mười tám, đôi mươi ngày cũ. Này là căn tin của dì Châu, khu hàng nhỏ thôi, mà đủ các món bánh, bánh lọc, bánh bèo, cơm, hủ tiếu… và nước giải khát…, đây cũng là một phần ký ức khó quên của những ngày khó khăn, giờ nghĩ lại, thấy thương gì đâu…

Khu nhà ăn, là nơi chất chứa nhiều kỷ niệm và nhiều nỗi niềm nhất. Những bữa cơm đạm bạc với món canh “toàn quốc” truyền thống, với cơm bữa khô bữa khê bữa nhão. Nhưng, trong thời điểm khó khăn chung, những bữa cơm ấy thực sự có ý nghĩa và giá trị. Đó là sự quan tâm của lãnh đạo công ty, chính sách hỗ trợ công nhân, và đặc biệt, dù thiếu thốn, vẫn đủ để chắp cánh cho biết bao ước mơ thanh xuân bay lên…

Và một điều mà học trò thế hệ ngày nay không thể tưởng tượng được, là chúng tôi đã học dưới những cây đèn dầu, mỗi đứa một cây, ánh sáng đèn dầu soi không rõ chữ, không rõ những bài tập toán với dãy dài con số. Vậy mà chúng tôi đã học bằng cả niềm say mê và khát khao chinh phục kiến thức để có thể đổi đời mai sau… Và những cô cậu học trò ngày ấy đã trở thành những con người hữu ích cho xã hội.

Tất cả như còn đó, vừa quen thân vừa xa lạ. Cảnh cũ người xưa… và nghe tim mình thắt lại, khi chợt nhận ra, giữa bộn bề cuộc sống, ta vẫn dành riêng cho ký ức, dẫu khó khăn nhưng vô cùng đẹp đẽ thương mến, một chỗ rất riêng trong trái tim mình.

NGUYỄN MỸ PHƯƠNG

(Trảng Bom – Đồng Nai)