“Đoàn Thanh niên VRG có nhiệm vụ kết nối các hoạt động của tuổi trẻ ngành cao su”

CSVN – Đó là nhắn nhủ của chị Trương Thị Huế Minh – UVBTV Đảng ủy VRG, Phó Chủ tịch Công đoàn CSVN, nguyên Trưởng Ban Công tác Thanh niên, nguyên Bí thư ĐTN VRG, với ĐVTN tại Tọa đàm Người truyền lửa do ĐTN VRG tổ chức, dịp 26/3 vừa qua. Tạp chí Cao su VN trích đăng những chia sẻ tâm huyết của chị với thế hệ trẻ đang tiếp bước truyền thống của ngành.

Chị Trương Thị Huế Minh cùng lãnh đạo Trung ương Đoàn và Cao su Đồng Phú thăm hỏi, tặng quà công nhân cao su khó khăn vào năm 2015

– Chị đánh giá như thế nào về hoạt động thanh niên của ngành cao su hiện nay? Có những mặt mạnh và hạn chế gì, thưa chị?

Chị Trương Thị Huế Minh: Ngày 30/3/2015, TGĐ Tập đoàn đã có Quyết định giải thể Ban Công tác Thanh niên Tập đoàn và chuyển giao toàn bộ chức năng, nhiệm vụ của Ban Công tác Thanh niên (CTTN) Tập đoàn cho ĐTN Tập đoàn trên cơ sở tiếp thu các ý kiến của Ban Bí thư TW Đoàn và BTV Đoàn Khối DNTW về mô hình tổ chức công tác thanh niên Tập đoàn. Tôi thấy việc hợp nhất nhiệm vụ của Ban CTTN Tập đoàn về cho ĐTN Tập đoàn phù hợp khi Tập đoàn cổ phần hóa. Khi hợp nhất thì vị trí, vai trò của ĐTN Tập đoàn được nâng lên. ĐTN Tập đoàn là tổ chức Đoàn tương đương Đoàn cấp huyện, gồm 26 cơ sở trực thuộc gồm các đơn vị thành viên Tập đoàn hoạt động trên các lĩnh vực hành chính, sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ tại TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai và các đơn vị cao su khu vực miền núi phía Bắc và Lào.

Thật trùng hợp khi vào dịp Liên hoan Thanh niên tiên tiến ngành cao su vào năm 2015 tổ chức tại tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu, Ban CTTN chuyển giao lại nhiệm vụ cho ĐTN Tập đoàn, thời điểm đó ban hoạt động tròn 30 năm. Ban thành lập tháng 3/1985 và đến tháng 3/2015 là tròn 30 năm Ban hình thành và phát triển. Chúng tôi rất vinh dự chuyển giao toàn bộ hoạt động của Ban CTTN về cho ĐTN Tập đoàn. Lúc bấy giờ tôi là Trưởng Ban CTTN kiêm Bí thư ĐTN Tập đoàn.

Từ khi chuyển giao, ĐTN Tập đoàn có có nhiệm vụ kết nối các hoạt động của tuổi trẻ ngành cao su và các Tỉnh đoàn, ĐTN các đơn vị… Từ đó, ĐTN Tập đoàn bắt đầu ký kết quy chế phối hợp với các Tỉnh đoàn địa phương để tăng cường mối quan hệ hợp tác, hỗ trợ hoạt động lẫn nhau chỉ đạo Đoàn các đơn vị thành viên. Đó là thuận lợi của ĐTN Tập đoàn.

Tuy nhiên, trong quá trình chuyển giao cũng có nhiều khó khăn. Theo quy chế, cán bộ Đoàn công tác đến 40 tuổi, còn Ban CTTN không giới hạn độ tuổi, được bổ nhiệm và bổ nhiệm lại theo nhiệm kỳ 5 năm. Đó là 1 điểm hạn chế khi không còn Ban CTTN. Tuy nhiên, tôi thấy rằng các bạn cán bộ Đoàn với tinh thần nhiệt huyết, làm việc bằng cái tâm sẽ có kết quả xứng đáng.

Hiện nay lực lượng lao động các công ty cao su ở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đa số là ĐVTN. Theo chị, chính quyền và các tổ chức đoàn thể các cấp phải làm gì để động viên và hỗ trợ lao động trẻ. Đặc biệt ở khu vực Campuchia và Lào, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trong thời gian qua, nhiều bạn hơn cả năm nay chưa thể về Việt Nam để thăm gia đình?

Chị Trương Thị Huế Minh: Theo tôi thấy, ký kết phối hợp giữa Công đoàn CSVN và ĐTN Tập đoàn cũng đã xây dựng nội dung, chương trình về hỗ trợ cho các bạn ĐVTN đang công tác ở vùng sâu vùng xa, đặc biệt là Lào và Campuchia. Sẽ có chế độ chính sách hỗ trợ, như hàng tháng hàng năm trích từ nguồn tài chính Công đoàn hoặc của Tập đoàn hỗ trợ thêm một phần kinh phí để tạo động lực cho các bạn yên tâm công tác. Đồng thời cũng đề xuất với lãnh đạo Tập đoàn có cơ chế chính sách đặc thù đối với NLĐ đang công tác ở vùng sâu vùng xa. Sau thời gian 3 năm, 5 năm hay 10 năm, khi trở về thì bố trí ở vị trí, vai trò nào, ưu tiên, ưu đãi nào ở đơn vị tại Việt Nam. Tôi được biết Tập đoàn cũng đang xây dựng cơ chế để triển khai trong toàn ngành. Tập đoàn và Công đoàn luôn đồng hành bên các bạn trẻ để hỗ trợ, xứng đáng với sức trẻ các bạn đã cống hiến cho ngành cao su.

Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của chị!

THIÊN HƯƠNG (ghi)