CSVN – Tiến sĩ Trần Thị Thúy Hoa – Chuyên gia về phát triển cao su bền vững cho rằng: “Các hộ tiểu điền có vai trò quan trọng trong nỗ lực hướng tới phát triển bền vững của ngành. Những mô hình liên kết giữa hộ và các công ty chế biến như mô hình tại Cam Lộ (Quảng Trị) có tiềm năng trong việc hướng tới chuỗi cung cao su bền vững có sự tham gia của các hộ tiểu điền”.
3 chuỗi cung từ hộ cao su tiểu điền
Ngành cao su Việt Nam đã và đang hội nhập sâu rộng với thị trường thế giới. Các chủng loại cao su thiên nhiên của Việt Nam hiện đang được xuất khẩu và sử dụng tại trên 80 nước và sản phẩm cao su đang được xuất đến hơn 170 thị trường. Lượng cao su thiên nhiên (CSTN) tiêu thụ nội địa ít hơn so với lượng xuất khẩu nhưng cũng đang ở mức cao và đang tiếp tục được mở rộng.
Tại Hội thảo Liên kết tiêu thụ sản phẩm cao su tiểu điền: Thực trạng và ý nghĩa đối với sản xuất cao su bền vững tại Việt Nam, các đại biểu cho rằng, để hội nhập thành công, các bên tham gia sản xuất và cung cấp CSTN cho chuỗi cung toàn cầu cần tuân thủ các yêu cầu của thị trường xuất khẩu, trong đó, bao gồm các hộ tiểu điền. Ngày càng nhiều thị trường yêu cầu CSTN được sản xuất theo phương thức bền vững, có nguồn gốc rõ ràng và hợp pháp. Thiếu các thông tin về chuỗi cung, bao gồm thông tin về liên kết giữa các hộ tiểu điền và các đơn vị thu mua đồng nghĩa với việc không đáp ứng được các yêu cầu của thị trường xuất khẩu.
Theo Tiến sĩ Trần Thị Thúy Hoa – Chuyên gia về phát triển cao su bền vững, qua thực tế khảo sát tại 3 tỉnh Bình Phước, Kon Tum và Quảng Trị cho thấy có 3 chuỗi cung CSTN từ hộ tiểu điền đang vận hành trong thực tế đó là: Chuỗi cung ứng qua trung gian; chuỗi cung ứng trực tiếp từ hộ không qua trung gian và chuỗi cung ứng trực tiếp từ nhóm hộ không qua trung gian.
Trong đó, liên kết trực tiếp giữa nhóm hộ tiểu điền và công ty chế biến mủ cao su mới xuất hiện trong khoảng thời gian 3 năm trở lại đây. Theo mô hình này, một số hộ trồng cao su tiểu điền tại một số địa phương tập hợp với nhau thành nhóm hay tổ hợp tác với mục đích thu mua mủ từ vườn cao su của các thành viên và bán trực tiếp cho doanh nghiệp chế biến.
Liên kết hộ nhóm sản xuất cao su bền vững
Tại Hội thảo, đại diện Công ty Cam Lộ (Quảng Trị) chia sẻ kinh nghiệm Mô hình liên kết nhóm hộ sản xuất cao su bền vững. Mô hình hình thành từ cuối năm 2018, với 5 nhóm hộ tiểu điền tại các xã Cam Nghĩa, Cam Chính, Cam Hiếu của huyện Cam Lộ. Các nhóm hộ hoạt động và có thỏa thuận cung cấp mủ nguyên liệu cho nhà máy chế biến mủ cao su Cam Lộ (thuộc Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị). Trong đó mỗi nhóm hộ có 15 – 30 hộ thành viên, với diện tích khoảng 30 ha cao su /nhóm, bình quân cung khoảng 7 tạ -1 tấn mủ nước/nhóm/ngày cho nhà máy.
Được biết, nhà máy liên kết với hộ hỗ trợ thuốc chống đông, máng che mưa và tập huấn kỹ thuật khai thác cho các hộ thành viên trong nhóm đã ký thỏa thuận với các cam kết ký kết hàng năm như: Khối lượng mủ của nhóm cung cấp không pha tạp chất, giao mủ đúng thời gian theo yêu cầu của nhà máy; nhà máy mua mủ của nhóm với giá bằng hoặc cao hơn thị trường tại thời điểm giao dịch; nhà máy báo giá thu mua hàng ngày cho nhóm làm cơ sở để xác định giá giao dịch. Nếu giá mủ nơi khác cao hơn liên tục trong 2 ngày thì nhóm có thể bán cho bên mua khác; nhà máy thanh toán hàng ngày bằng tiền mặt; nếu nhà máy phát hiện mủ pha tạp chất sẽ hủy thỏa thuận, dừng thu mua.
NGUYỄN LÝ
Related posts:
- Ông Hoàng Xuân Lợi tái đắc cử Chủ tịch Công đoàn Cao su Điện Biên
- Đoàn Thanh niên Cao su Phước Hòa với mô hình "Tủ sách thanh niên"
- Làm gì trước làn sóng Covid - 19?
- Công đoàn Cao su Việt Nam họp mặt cán bộ hưu trí mừng xuân Giáp Thìn 2024
- "Trái ngọt" có được từ sự cần cù trong lao động
- Thu nhập cao nhờ vượt kế hoạch sản lượng
- Nhiều yếu tố tác động đẩy giá cao su tăng
- Một năm thực thi Hiệp định EVFTA: Cơ hội, thách thức và giải pháp
- Thị trường phân bón 2023 và những tác động nhiều chiều, gam màu nào chủ đạo?
- Xây dựng chuỗi cung ứng cao su tiểu điền bền vững