VOV.VN – Theo PGS Trần Đắc Phu, đây là chủ trương đúng đắn, việc làm cần thiết góp phần tăng độ bao phủ tiêm vaccine cho người dân, giúp Việt Nam nhanh chóng đạt miễn dịch cộng đồng.
Trước tình hình diễn biễn phức tạp của dịch COVID-19, hiện nay, vaccine phòng COVID-19 được xem là giải pháp hiệu quả, là trọng tâm ưu tiên trong công tác phòng, chống dịch. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nêu rõ, mục tiêu của chúng ta là tiếp cận sớm, tăng độ bao phủ vaccine, đạt được miễn dịch cộng đồng phòng, chống dịch COVID-19, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường, phát triển kinh tế xã hội.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định thành lập Quỹ vaccine phòng COVID-19 Việt Nam để huy động các nguồn lực để mua và sản xuất vaccine, đảm bảo an ninh vaccine của Việt Nam.
Cùng với đó, những ngày qua, có rất nhiều các tập đoàn, cá nhân, người dân đã ủng hộ, tham gia vào chương trình này. Đại diện các doanh nghiệp, tập đoàn đã chia sẻ với những khó khăn trong công tác phòng chống dịch COVID-19 của ngành y tế đã không ngừng nỗ lực, vượt qua mọi khó khăn để kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, giúp các doanh nghiệp có thể duy trì phát triển sản xuất. Họ cũng cam kết sẽ đồng hành với ngành y tế với niềm tin sẽ sớm đẩy lùi dịch bệnh, đưa cuộc sống trở lại bình thường.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), việc xã hội hóa vaccine là chủ trương rất đúng đắn. Đây là một việc làm cần thiết, thể hiện sự đồng sức, đồng lòng của các doanh nghiệp, cá nhân, người dân, chung tay cùng nhà nước có được nguồn vaccine nhanh nhất, nhiều nhất, đóng góp vào công tác phòng chống dịch.
PGS Phu cũng cho rằng, chúng ta phải hiểu xã hội hóa không có nghĩa là doanh nghiệp tự đi mua vaccine về tiêm cho công nhân, người lao động của họ mà đó là doanh nghiệp, người dân hỗ trợ thông qua Quỹ vaccine. Bên cạnh đó, để vaccine COVID-19 được triển khai công bằng và hiệu quả, doanh nghiệp nhập khẩu vaccine phải tuân theo kế hoạch điều hành của Bộ Y tế đã trình Chính phủ.
“Vaccine là thuốc đặc biệt, phải có quy trình cấp phép, quy trình tiếp nhận, bảo quản từ nơi sản xuất đến khi nhập khẩu vào Việt Nam và sau đó tiêm cho người dân. Do đó, phải đảm bảo đúng quy định, phải qua những cơ quan mà được phép nhập khẩu vào để đảm bảo tính hiệu quả và an toàn”- ông Phu nói.
Hiện nay, Chính phủ và Bộ Y tế đang điều tiết việc tiêm vaccine cho các đối tượng của Nghị quyết 21. Tuy nhiên, dịch COVID-19 tại Việt Nam có nhiều diễn biến căng thẳng, nhiều ca bệnh xuất hiện trong cộng đồng, đặc biệt ổ dịch tại các khu công nghiệp của Bắc Ninh, Bắc Giang.
Trước tình hình này, Chính phủ đã quyết định ngoài nhóm lực lượng tuyến đầu, các công nhân ở khu công nghiệp, trước mắt là Bắc Giang, Bắc Ninh, sẽ được ưu tiên tiêm chủng trước, với số lượng 150.000 liều cho mỗi tỉnh. Bộ Y tế sẽ hỗ trợ để hoàn thành tiêm chủng trong vòng 1-2 tuần cho hai địa phương này.
Ông Phu cho rằng, sự điều chỉnh này là rất kịp thời và đúng đắn. Bởi công nhân cũng là lực lượng cần thiết phải bảo vệ sức khỏe. Khi xảy ra dịch trong khu công nghiệp, công tác phòng chống dịch sẽ vô cùng tốn kém. “Việc xã hội hóa, đặc biệt là sự chung tay góp sức của các doanh nghiệp, cá nhân sẽ vô cùng quan trọng để góp phần giúp Việt Nam nhanh chóng bao phủ việc tiêm vaccine cho người dân đạt miễn dịch cộng đồng, tức là 60-70% đối tượng được tiêm”- PGS Phu cho biết.
Trước đó, ngay từ tháng 5/2020, Bộ Y tế và các bộ ngành liên quan đã tích cực đàm phán, tiếp cận tất cả các nguồn vaccine phòng COVID-19. Đặc biệt, Việt Nam đã rất nỗ lực, là 1 trong những quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á ký hợp đồng mua vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca. Việt Nam cũng là 1 trong 92 quốc gia được COVAX Facility hỗ trợ 38,9 triệu liều vaccine phòng COVID-19.
Vừa qua, Bộ Y tế cũng đàm phán, ký thỏa thuận với Pfrizer để mua 30 triệu liều vaccine. Ngoài ra, Bộ cũng đã đăng ký với COVAX để mua thêm khoảng 10 triệu liều vaccine phòng COVID-19 theo cơ chế cùng chia sẻ chi phí và tiếp tục đàm phán mua thêm 20 triệu liều vaccine Pfizer. Đến nay, số liều vaccine đã có thông qua đàm phán là 110 triệu liều, dự kiến sẽ được cung ứng cho Việt Nam trong năm 2021. Bộ Y tế vẫn đang tích cực đàm phán để đảm bảo mua đủ 150 triệu liều vắc xin phục vụ nhu cầu tiêm chủng của người dân Việt Nam.
theo VOV
Related posts:
- Chấm dứt ngay mối tình bất chính!
- Văn hóa cạo choàng
- Bắt chuột đồng, mênh mang vùng sông nước
- Bỏ nhau vì ngày 8/3 không được tặng quà
- Xóm nghèo sợ Tết
- Cuộc đời em là do em chọn
- Bám trụ với cao su vì niềm đam mê ... phong lan
- Không để bất kỳ người dân nào đứt bữa, thiếu chăm sóc y tế
- Con cái hậu ly hôn
- Yêu chồng, thương cả con riêng của chồng