CSVN – Mỗi người đều có chuyện riêng về nghề. Đã có nhiều công nhân cao su nghỉ việc để ra ngoài làm, nhưng rồi dù có đi đâu thì họ cũng nhận ra chỉ có làm trong ngành cao su thì mới có những “đặc ân” riêng. Và họ dù nghỉ việc đã lâu hay mới nghỉ đều có xu hướng “trở về nơi bắt đầu”, nơi họ đã từng gắn bó.
Bươn chải đủ nghề để mưu sinh
Năm nay, chị Trần Thị Thanh Vân không còn phải sốt sắng chỗ này chỗ kia để kiếm việc làm thuê, làm mướn như 6 năm qua nữa, bởi chị đã quay trở lại và được Nông trường Hàng Gòn, TCT Cao su Đồng Nai nhận vào làm công nhân chính thức của nông trường. Công việc này vốn không xa lạ gì vì chị đã từng dạn dày kinh nghiệm 15 – 16 năm trong nghề. Trước đây, chị Vân cùng chồng là công nhân khai thác tại Nông trường Hàng Gòn. Năm 2014 khi giá mủ xuống thấp, lương giảm nhiều so với những năm hoàng kim, chị xin nghỉ việc để đi làm bên ngoài, còn ông xã vẫn gắn bó đến tuổi nghỉ hưu.
Rời cao su, chị làm đủ nghề để kiếm sống, từ phụ hồ cho đến làm mướn ở nhà yến, rồi bán vé số, rồi xin vào làm xí nghiệp chuyên sản xuất dao kéo. Một ngày 1 ca 8 tiếng, lương tháng chị nhận cũng chỉ dao động 5 – 6 triệu đồng. Những dịp tăng ca thì được tính thêm tiền nhưng cũng không bao nhiêu. Xoay đủ nghề để kiếm sống nhưng thu nhập bấp bênh, chị nói: “Công việc ở ngoài không ổn định như ở cao su đâu. Ví như phụ hồ thì tháng cuối năm không có ai thuê mướn, rồi làm công nhân xí nghiệp thì tuổi của chị em tôi cũng quá tuổi nên người ta chỉ cho làm thời vụ thôi chứ không phải làm công nhân chính thức”.
Dường như đã quen tay, quen cả nếp làm việc 16 năm gắn bó trên vườn cây nên vào xí nghiệp chị không thấy quen: “Làm công nhân cao su thì những hôm mình ốm đau hay bận việc ma chay, hiếu hỉ thì có thể nhờ người khác cạo choàng được. Còn ở xí nghiệp xin nghỉ rất khó, nghỉ sẽ bị trừ lương”.
Đầu năm 2020 khi chị chưa kiếm được việc làm, vẫn đang chờ xem xí nghiệp có đơn hàng thì họ mới thuê vào thời vụ thì chị được tổ trưởng ở Nông trường Hàng Gòn gọi điện hỏi có muốn vào làm công nhân cao su lại không? Nghe vậy chị mừng rỡ: “Ngay lúc đó mình chớp lấy cơ hội liền, mà tính ra mình vẫn còn được trời thương, may ở đây cho vô làm lại, chứ sau đó một tuần thì tôi nghe tin xí nghiệp cho cả trăm người nghỉ việc do ảnh hưởng dịch Covid – 19, hàng không xuất khẩu được nên tạm ngưng sản xuất”.
Nói rồi, chị chia sẻ với chúng tôi về quyết định quay lại làm việc: “Tới tận bây giờ, khi đã vào làm trở lại năm thứ hai, mỗi lần nghĩ lại mới thấy ngày trước tôi suy nghĩ không chín chắn nên mới nghỉ ra ngoài làm, nhớ lại tôi vẫn còn hối hận. Nếu như ngày đó bám trụ với công nhân thì bây giờ cũng nhận được lương hưu rồi. Ra ngoài làm, công việc bấp bênh lắm, nghĩ đi nghĩ lại không việc gì bằng đi cạo nên xin vào làm lại”.
Hỏi chị khi “làm lại từ đầu”, là “tân binh” sau một năm có gì mới không? Chị cười “Đợt Tết rồi cả lương và thưởng cũng được hơn 25 triệu, nhờ đó cái Tết Nguyên đán vừa rồi vui hơn những năm trước nhiều, vì có tiền sắm sửa khang trang”.
Nếu chị không chia sẻ thì có lẽ chúng tôi cũng không đoán được rằng, đằng sau dáng người nhỏ nhắn ấy, đằng sau những câu chuyện vui, những tràng cười sảng khoái đó là gánh nặng kinh tế của cả gia đình oằn trên vai của người phụ nữ làm trụ cột trong gia đình. Ông xã nhờ gắn bó với nghề cạo cho đến khi nghỉ hưu nên giờ đây mỗi tháng nhận lương hưu được 4 triệu đồng. Lương hưu đã hỗ trợ phần nào chi phí thuốc men khi anh không may mắc bệnh hiểm nghèo đã mấy năm nay. Hai con lớn nhưng điều kiện kinh tế không khấm khá là mấy. Gia đình lại không có vườn tược để phát triển kinh tế gia đình, tất cả trông chờ vào đồng lương công nhân cao su của chị.
Khó khăn là vậy nhưng chị luôn lạc quan vì: “Bây giờ vào làm công nhân rồi, lương sẽ ổn định hơn, không còn cảnh tháng có việc, tháng thất nghiệp như 6 năm qua nữa”.
Làm ở cao su được bảo hộ tốt hơn về chế độ, chính sách
Câu chuyện giữa chúng tôi và chị tạm dừng để chị gấp rút hoàn thành tiến độ trang bị vật tư trên vườn cây, chuẩn bị cho mùa cạo mới. Chúng tôi di chuyển đến Nông trường An Viễng để gặp chị Lê Thị Phi, chị cũng xin vào làm lại sau một năm nghỉ việc.
Chị quê ở miền Trung, cả gia đình quanh năm chỉ trông chờ vào mấy sào lúa nên kinh tế cũng không khấm khá. Đến tuổi trưởng thành, chị theo các anh chị vào Đồng Nai lập nghiệp. Thời gian đầu chị chỉ đi phụ cho các anh chị rồi dần dà học cạo, năm 2003 khi đã có chút ít kinh nghiệm của những năm tháng giữ chân là thợ phụ thì chị đã đủ tự tin xin vào làm chính thức. 14 năm miệt mài với cây và đất, khoảng thời gian làm công nhân cao su đã giúp gia đình chị ổn định hơn trước, nuôi con ăn học.
Năm 2017, khi giá bán mủ xuống thấp, lương công nhân giảm hơn trước, chị và ông xã bàn bạc, cân nhắc để một người bám trụ với nghề, một người ra ngoài làm để có thu nhập, rồi lương của hai vợ chồng bù qua sớt lại may ra mới đủ chi phí trong gia đình khi con đang tuổi ăn tuổi lớn.
Cả gia đình chị từ trước đến nay cũng chỉ có một nguồn thu nhập đó là từ lương công nhân cao su. Phải chia tay công việc mình gắn bó từ lúc trưởng thành đến giờ, chị tiếc nuối nhiều chứ nhưng rồi gánh nặng cơm áo gạo tiền, con cái, cuộc sống buộc vợ chồng anh chị phải đi đến quyết định để chị nghỉ việc ra ngoài làm công nhân xí nghiệp may.
Ra làm ở xí nghiệp, một tháng chị nhận được 7 – 8 triệu đồng, đây cũng được coi là mức thu nhập cao hơn lương công nhân cao su lúc bấy giờ. Nhưng số tiền lương đó không “đều như vắt chanh” mà còn tùy thuộc việc công ty có nhận được đơn đặt hàng không. Nếu tháng nào công ty ở tình trạng “ế” đơn thì công nhân sẽ được cho nghỉ không lương.
Chị nói: “Có ra ngoài đi làm việc khác mới thấy so với bên ngoài thì làm công nhân cao su sướng gấp nhiều lần. Làm ở ngoài các chế độ chính sách không được như cao su đâu. Mà ở đâu quen ở đó, tôi đã có một thời gian dài làm công nhân cạo mủ nên khi vào làm trong xí nghiệp thì không chịu được vì bị gò bó thời gian, không thoải mái đi lại. Tôi ráng lắm cũng cầm cự được một năm trong xí nghiệp, sau đó quay về xin vào làm lại công nhân cao su”.
“Khi xin vào làm lại thì lương cũng chưa cao nhưng tôi nghĩ thôi thì cứ cố gắng, làm nông nghiệp thì chuyện giá cả lên xuống là bình thường. Ở cao su thì có sự bảo hộ tốt hơn về chính sách, chế độ. Giá cao su những tháng gần đây có xu hướng tăng lên dần, đó là điều công nhân rất trông đợi. Tết vừa rồi riêng tiền thưởng Tết hai vợ chồng tôi nhận được gần 30 triệu đồng, mừng lắm. Mùa lá rụng mỗi công nhân khai thác được hỗ trợ 3 triệu đồng/tháng, còn tiền công trang bị vật tư được lãnh riêng nữa”, chị chia sẻ thêm.
HÀ KHUÊ
Related posts:
- Nâng cao hiệu quả và sức đầu tư cho các khu công nghiệp
- "Chủ nhà" Dầu Tiếng ráo riết chuẩn bị
- Vươn lên từ ý chí và nghị lực
- Tín hiệu vui từ vùng đất khó
- Cao su - Dòng chảy hào hùng
- Nồng ấm Tháng Công nhân
- "Phải chỉn chu trong từng đường cạo”
- Công đoàn Cao su Ea H’Leo tổ chức “Bữa cơm Công đoàn” cho người lao động
- "Phong trào thi đua đóng góp to lớn vào kết quả sản xuất kinh doanh"
- Vinh quang thuộc về người thợ