CSVNO – Các địa phương cần yêu cầu người sử dụng lao động ký cam kết thực hiện đầy đủ các quy định phòng, chống dịch COVID-19, chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch tại cơ quan, đơn vị.
Ngày 10/5, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã có văn bản hỏa tốc số 3836/CV-BCĐ gửi ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường phòng, chống dịch COVID-19 tại cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp.
Chưa nghiêm túc thực hiện phòng, chống dịch tại nơi làm việc
Công văn nêu rõ, ngày 23/2/2021, Bộ Y tế – Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đã có văn bản số 1096/BYT-MT về việc tăng cường phòng, chống dịch trong tình hình mới tại nơi làm việc.
Tuy nhiên công tác này tại nơi làm việc và tại các cơ sở sản xuất kinh doanh ở nhiều tỉnh, thành phố chưa được thực hiện nghiêm túc theo đúng hướng dẫn của Ban Chỉ đạo.
Nhiều tỉnh, thành phố còn chưa xây dựng kế hoạch và phương án cách ly phòng, chống dịch COVID-19 khi có trường hợp dương tính với COVID-19 xảy ra tại khu công nghiệp; chưa thực hiện cập nhật dữ liệu bản đồ an toàn phòng, chống dịch COVID-19 cho các cơ sở sản xuất kinh doanh.
Việc tập huấn, kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại nơi làm việc và thực hiện đánh giá nguy cơ lây nhiễm COVID-19 tại nơi làm việc và ký túc xá cho các cơ sở sản xuất kinh doanh còn hạn chế (chỉ thực hiện được cho 5-10% số cơ sở sản xuất kinh doanh).
Ban Chỉ đạo nêu rõ hiện nay tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp ở Việt Nam với biến chủng mới, có mức độ lây nhiễm cao, lây lan nhanh trong cộng đồng. Tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp, đặc biệt đã có nhiều trường hợp mắc COVID-19 được phát hiện tại khu công nghiệp như tại Hải Dương, Bắc Giang.
Toàn bộ người lao động làm việc cùng phân xưởng với F0 đều coi là F1
Để tăng cường đảm bảo an toàn, phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp, Bộ Y tế đề nghị ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nhiều nội dung.
Đối với các tỉnh, thành phố đã có trường hợp mắc tại các cơ sở sản xuất kinh doanh trong khu công nghiệp, cần tiếp tục khẩn trương truy vết xác định các trường hợp F1, F2 tại cơ sở sản xuất kinh doanh thông qua quản lý ca làm việc, camera tại các vị trí công cộng, căngtin, nơi nghỉ giữa ca… để thực hiện cách ly, xét nghiệm kịp thời. Toàn bộ người lao động làm việc cùng phân xưởng với F0 đều coi là F1.
Bộ Y tế cũng đề nghị khẩn trương phát hiện, lập danh sách và thông báo ngay cho các tỉnh, thành phố về những người lao động có liên quan ở các tỉnh, thành phố khác để kịp thời cách ly, truy vết, khoanh vùng.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tăng cường kiểm tra, giám sát và đôn đốc các cơ sở lao động trên địa bản quản lý nghiêm túc thực hiện Quyết định số 2194/QĐ-BCĐQG ngày 27/5/2020 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 về việc ban hành “Hướng dẫn phòng, chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 tại nơi làm việc và ký túc xá cho người lao động.”
Các địa phương xây dựng và phê duyệt kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19 tại khu công nghiệp trên địa bàn; xây dựng phương án cách ly xử trí khi có trường hợp mắc COVID-19 trong khu công nghiệp và tổ chức diễn tập các phương án phòng, chống dịch COVID-19 tại khu công nghiệp. Quản lý, kiểm soát chặt thông tin người lao động ngoại tỉnh làm việc tại các khu công nghiệp để đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Các địa phương chỉ đạo thực hiện nghiêm công tác đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 và các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp; cập nhật dữ liệu bản đồ an toàn phòng, chống dịch COVID-19 cho các cơ sở sản xuất kinh doanh. Tập trung chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch cho các cơ sở sản xuất kinh doanh được đánh giá có nguy cơ lây nhiễm trung bình và nguy cơ lây nhiễm cao.
Thực hiện phân cấp quản lý giám sát phòng, chống COVID-19 cho Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch cấp huyện nơi có các cơ sở sản xuất kinh doanh hoạt động.
Các địa phương tổ chức hướng dẫn cho các cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp về việc phân luồng cách ly y tế, thiết lập phòng cách ly y tế tạm thời khi có trường hợp nghi ngờ COVID-19. Hướng dẫn cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng các chể phẩm sát khuẩn tay nhanh, chế phẩm sát khuẩn bề mặt đã được Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành để đảm bảo hiệu quả và an toàn cho người sử dụng.
Bên cạnh tăng cường chỉ đạo, kiểm tra công tác tổ chức phân luồng y tế của các cơ sở khám chữa bệnh phục vụ cho người lao động tại các khu công nghiệp, cần yêu cầu người sử dụng lao động ký cam kết thực hiện đầy đủ các quy định phòng, chống dịch COVID-19, chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch tại cơ quan, đơn vị.
Các địa phương xử lý nghiêm các cá nhân, đơn vị không tuân thủ các quy định phòng, chống dịch COVID-19 tại nơi làm việc./.
theo TTXVN
Related posts:
- Nhiều tín hiệu khởi sắc, kỳ vọng thành công
- Tác động của biến đổi khí hậu đến dịch hại trên cây cao su
- Khẩn trương tổ chức lấy ý kiến nhân dân dự thảo Luật Đất đai sửa đổi
- Nhiều điểm có lợi hơn cho Người lao động của thỏa ước lao động tập thể công ty mẹ Tập đoàn
- Thư cảm ơn
- Buồn vì con không chịu lập gia đình
- Khẳng định trang sử vàng truyền thống ngành
- Cao su Bình Long: Vinh danh 15 Công nhân cao su ưu tú
- "Chủ động các chính sách khi thị trường thay đổi"
- Hội thi Bàn tay vàng tổ chức vào tháng 12