Xen canh, luân canh trên vườn cây cao su

CSVN – Tạp chí CSVN tiếp tục trích đăng những điểm mới trong Quy trình kỹ thuật cây cao su năm 2020. Trong số báo này, xin được giới thiệu đến bạn đọc Chương VI “Xen canh, luân canh trên vườn cây cao su”.

Trồng xen chuối trên vườn cây KTCB tại Cao su Bình Long. Ảnh VŨ PHONG
Điều 77: Quy định chung

Quy định này áp dụng cho thực hiện biện pháp luân canh, xen canh trên đất cao su bằng các loại cây trồng khác với các điều kiện:

Cao su phải là cây trồng chính, được trồng, chăm sóc theo quy định của QTKT; Cây trồng xen là cây kết hợp, cây trồng trên đất luân canh là cây trồng có mục đích cải tạo đất. VRG xem xét và phê duyệt dự án cụ thể. Sinh trưởng, phát triển của cây trồng xen, cây luân canh không làm ảnh hưởng xấu đến sinh trưởng và phát triển, không cạnh tranh không gian và dinh dưỡng đối với cây cao su, không làm suy giảm chất lượng đất.

Quá trình trồng, chăm sóc, thu hoạch cây trồng xen không có tác động làm hư hỏng cây cao su và cản trở các công tác chăm sóc, thu hoạch mủ, gỗ cao su.

Điều 78: Quy định riêng về chuyển đổi mục tiêu canh tác trên vườn cây cao su

Để thay đổi các biện pháp canh tác phù hợp với quy trình chăm sóc cây trồng với mục tiêu mới cho thời gian chăm sóc còn lại và hạch toán chi phí đầu tư phù hợp với mục tiêu mới.

Điều kiện để chuyển đổi mục tiêu từ vườn cây mủ – gỗ sang vườn cây gỗ – mủ:

+ Khi tu nhập từ thu hoạch mủ không đủ chi trả chi phí thu hoạch mủ.

+ Khi mật độ cây cao su hữu hiệu thấp (≤ 250 cây)

+ Để đáp ứng yêu cầu quản lý rừng bền vững. Các hình thức chuyển đổi:

+ Giữ nguyên hiện trạng cây cao su, tiếp tục chăm sóc theo quy trình chăm sóc rừng, tận thu mủ và thu hoạch gỗ khi có hiệu quả kinh tế.

+ Trồng bổ sung cây rừng để tăng độ che phủ và đa dạng loài, có thể trồng bổ sung các vị trí đất trống hoặc trồng theo băng xen trong vườn cao su, tận thu mủ và thu hoạch gỗ khi có trữ lượng kinh tế.

+ Giữ nguyên hiện trạng cây cao su hoặc trồng bổ sung cây rừng gỗ lớn, cây rừng bản địa; khoanh nuôi, bảo vệ; thu hoạch tận thu mủ khi đủ điều kiện, không thu hoạch gỗ.

Thẩm quyền quyết định việc chuyển đổi mục tiêu canh tác cây cao su: HĐQT VRG quyết định đối với những đơn vị VRG sở hữu 100% vốn và chấp thuận/thỏa thuận đối với các đơn vị khác theo quy định của VRG.

Điều 79: Xen canh cây ngắn ngày

Cây ngắn ngày được khuyến khích xen canh trong thời gian đầu của vườn cây KTCB.

Đối với thiết kế cao su trồng thuần: cây trồng xen là các loại cây hàng năm ngắn ngày thì trồng cách hàng cao su ≥ 1,2m từ năm KTCB từ 1 đến 2, từ năm thứ 3 trồng cách hàng cao su ≥ 1,5m. Đối với các loại cây trồng xen có vun luống thì khoảng cách được từ chân luống đến hàng cao su. Không trồng xen trên vườn cao su đã khép tán. Có phương án xử lý kịp thời khi cây trồng xen tranh chấp dinh dưỡng, nước… làm ảnh hưởng tới sinh trưởng của vườn cây cao su.

Khuyến khích các đơn vị thiết lập thảm phủ họ đậu sau khi kết thúc thời gian trồng xen hoặc trên đất trồng xen kém hiệu quả.

Điều 80: Trồng xen cây dài ngày

Thời gian thu hoạch của cây trồng xen dài ngày (một hay nhiều chu kỳ) có thể ngắn hơn hoặc tương đương với thời gian kết thúc chu kỳ sản xuất của cây cao su trồng chính.

Đối với thiết kế giãn hàng: cây trồng xen là cây lâu năm dạng cây thân thấp thì trồng cách hàng cao su ≥ 3m; cây trồng xen là cây có bộ tán rộng, thân cao thì trồng cách hàng cao su ≥ 6m. Trong chu kỳ cây cao su có thể bố trí nhiều chu kỳ cây trồng xen tùy thuộc vào vòng đời của loại cây trồng xen.

Đối với trồng xen theo băng, khoảnh: cây trồng xen là cây công nghiệp, lâm nghiệp cách hàng cao su ngoài cùng tối thiểu 5m. Đối với trồng xen theo khoảng, lựa cho vị trí trồng xen tại những khu vực có hướng gió chính, bìa lô, hợp thủy, lô xép hoặc dọc hệ thống đường lô, chừa lại không gian đầu và cuối lô để thực hiện các công đoạn chăm sóc cao su. Đối với trồng xen theo băng, thiết kế băng trồng xen đủ rộng để thuận lợi cho chăm sóc, khai thác cây trồng xen dài hạn.

Việc trồng xen cây dài ngày phải có phương án dự phòng khi vườn cây cao su bị thiệt hại nặng do thiên tai hoặc những nguyên nhân khách quan khác đến mức phải tái canh lại, việc tái canh lại phải được thực hiện mà không bị ảnh hưởng bởi cây trồng xen dài ngày.

Điều 81: Quản lý, chăm sóc vườn cao su trồng xen

Trong quá trình trồng, chăm sóc, khai thác cây trồng xen không làm ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển cây cao su và cản trở các công tác chăm sóc, thu hoạch mủ cao su, khai thác gỗ cao su.

Kết thúc chu kỳ trồng xen phải thiết lập lại mặt bằng trên diện tích trồng xen. Trường hợp để lại chồi dại, chồi tái sinh từ cây trồng xen phải xử lý triệt để trước khi bàn giao đất, trong quá trình thực hiện hạn chế tối đa việc cày xới làm ảnh hưởng đến bộ rễ cao su.

Khuyến khích các biện pháp cải tạo đất, hữu cơ hóa vườn cây, trồng xen thảm phủ họ đậu sau khi hết chu kỳ trồng xen.

Thực hiện công đoạn cân chỉnh tán cao su khi cây bị lếch tán, công nghiêng trong suốt chu kỳ sinh trưởng và phát triển của cây cao su.

Xử lý khi sinh trưởng cao su bị ảnh hưởng: trường hợp có tranh chấp về nước và dinh dưỡng, thực hiện cày rãnh sâu cách ly giữa hàng cao su và cây trồng xen (rộng 20cm, sâu 30cm) cách hàng trồng xen 1m. Trường hợp bị cạnh tranh không gian, hụt vanh thì thực hiện cắt tỉa tán hoặc tỉa bớt hàng cây trồng của cây trồng xen bảo đảm ưu tiên cho cây cao su phát triển.

Điều 82: Quy định chung về luân canh

Bảo vệ và cải tạo đất để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, biện pháp luân canh được áp dụng trên những diện tích đất có biểu hiện thoái hóa, cần cải tạo đất trước khi tái canh hoặc trên các diện tích có xuất hiện các loại bệnh hại mức độ nặng ở chu kỳ trồng cao su trước đó; đồng thời góp phần tăng tính đa dạng sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp của VRG.

Canh tác đúng kỹ thuật đối với cây luân canh để nâng cao hiệu quả sản xuất, hạn chế hiện tượng xói mòn, rửa trôi; ưu tiên trồng các loại cây cải tạo đất hoặc các loại cây có đầu tư thâm canh.

Việc luân canh phải đảm bảo không gây ô nhiễm, thoái hóa đất; không làm hư hỏng công trình đường lô, liên lô, hệ thống mương đê chống xói mòn, hệ thống băng đồng mức, hệ thống thoát nước.

Thời gian luân canh theo chu kỳ sản xuất của cây luân canh nhưng không quá 7 năm, trường hợp luân canh dài hơn thời gian này phải được VRG chấp thuận bằng văn bản.

Điều 83: Quản lý cây trồng luân canh và thời gian luân canh

Thực hiện trồng đúng loại cây luân canh được chấp thuận, thực hiện đúng kỹ thuật canh tác, không bỏ hoang, lãng phí tài nguyên đất.

Trong thời gian luân canh và thu hoạch cây luân canh, phải đảm bảo các yêu cầu bảo vệ và cải tạo đất. Trường hợp làm suy thoái đất, hư hỏng hệ thống giao thông, mương đê chống xói mòn, hệ thống thoái nước… phải có biện pháp khắc phục, bồi thường.

Thời gian luân canh các loại cây trồng tùy thuộc vào từng điều kiện cụ thể của diện tích cần luân canh, mục tiêu sử dụng đất trong dài hạn của đơn vị và phải được VRG phê duyệt.

CSVN

(xem tiếp kỳ sau)