Những tín hiệu tích cực từ Nông trường Mường La

CSVN – Ngay đầu tháng 3, nông trường đã bắt đầu bước vào vụ khai thác mủ, công nhân có việc làm và thu nhập ổn định, giá mủ cao su trên thị trường lại đang có những tín hiệu tích cực, việc tiêu thụ sản phẩm tương đối thuận lợi, người lao động đã thực sự yên tâm sản xuất.

Công nhân Nông trường Mường La khai thác mủ cao su

Nông trường Mường La đang quản lý 920 ha cây cao su trên địa bàn xã Mường Bú, Tạ Bú và thị trấn Ít Ong. Trong đó, phần lớn là những diện tích trồng năm 2007-2008, hiện cây đã cao 25-30m, đường vanh thân cây ở gốc từ 80-90cm.

Toàn bộ diện tích này bước vào thời kỳ phát triển ổn định, cho năng suất cao, chất lượng mủ tốt. Trên cơ sở diện tích cây cao su được giao quản lý, nông trường đã thành lập 7 tổ sản xuất, mỗi tổ có từ 15 – 33 công nhân và đều là người dân địa phương góp đất tham gia trồng cao su.

Ông Nguyễn Đình Nam – Giám đốc nông trường cho biết: Năm 2020, nông trường đã tập trung làm tốt việc chăm sóc, phòng chống sâu bệnh; đặc biệt là công tác phòng cháy chữa cháy, nên toàn bộ diện tích cây cao su được bảo vệ, phát triển tốt.

Trong năm đã đưa vào khai thác 808 ha, sản lượng đạt 1.200 tấn mủ khô, tương đương gần 2.000 tấn mủ đông. Thu nhập bình quân công nhân từ 5-6 triệu đồng/người/ tháng. Công ty CP Cao su Sơn La đã chi trả cổ tức theo giá trị góp quyền sử dụng đất cho 392 ha của người dân, với tổng số tiền 1,139 tỷ đồng. Năm nay, thời tiết có nhiều thuận lợi, nông trường đưa vào khai thác sớm hơn 2 tháng so với năm trước, diện tích khai thác cũng tăng lên 816 ha.

Gia đình chị Lò Thị Xuân, một trong những hộ tham gia góp đất trồng cao su đầu tiên ở bản Tìn, thị trấn Ít Ong. Với 2 ha đất góp, năm 2012 cả hai vợ chồng vào làm công nhân.

Chị Xuân chia sẻ: Sau thời kỳ kiến thiết cơ bản, cây cao su chưa khép tán, chưa có sản phẩm, đời sống công nhân hết sức khó khăn, nhưng cả hai vợ chồng vẫn gắn bó với nông trường. Bây giờ, hai vợ chồng nhận 5 ha cây cao su, cứ 4 giờ sáng cùng nhau dậy để cạo mủ, hơn 6 giờ cạo xong về cho con đi học và tiếp tục làm ruộng, chăn thả gia súc, 2 giờ chiều mỗi người một xe máy lại đi trút mủ đến khoảng hơn 5 giờ chiều thì xong. Công việc tuy hơi vất vả, nhưng thu nhập ổn định, lương hai vợ chồng mỗi tháng được gần 12 triệu đồng và được bảo đảm các chế độ theo quy định. Năm 2020, với 2 ha đất góp, gia đình được chia cổ tức gần 6 triệu đồng.

Còn gia đình anh Hà Đỉnh Hồng, bản Búng, xã Tạ Bú, năm 2009 góp 2,7 ha đất trồng cao su. Hiện nay, hai vợ chồng cũng nhận 4 ha cây cao su để cạo mủ. Anh Hồng cho biết: Với 2 ha đất góp, tính riêng năm 2020, thu nhập của hai vợ chồng gần 130 triệu đồng, ngoài ra còn được trả cổ tức hơn 6 triệu đồng. Hiệu quả so với trồng cây ăn quả thì không bằng, nhưng không phải đầu tư về giống, phân bón, thuê nhân công chăm sóc, thu hái. Nếu tình hình thuận lợi như hiện nay, thì công nhân yên tâm sản xuất.

Trao đổi với ông Nguyễn Đình Nam, được biết thêm, hiện nay trung bình mỗi ngày nông trường khai thác được hơn 7 tấn mủ, có ngày lên đến hơn 10 tấn và được vận chuyển về nhà máy ở xã Tông Lạnh (Thuận Châu) để chế biến.

Bên cạnh đó, thời điểm này đang là cao điểm mùa khô hanh, toàn bộ diện tích cao su đều có thảm lá khô, lại thường xuyên đông khách đến tham quan, trải nghiệm trong vườn cao su, nên nông trường đặc biệt quan tâm đến công tác PCCC, tu sửa hệ thống đường băng cản lửa, trang bị đầy đủ dụng cụ, phương tiện chữa cháy, bố trí người canh gác, nhắc nhở khách tham quan không mang lửa vào vườn cao su.

Có thể khẳng định, sau thời kỳ khó khăn, việc sản xuất của Nông trường Mường La đang có những tín hiệu tích cực, người lao động từng bước có đủ việc làm và thu nhập ổn định. Đặc biệt, nhiều công nhân trước đây bỏ việc đi làm tại các khu công nghiệp ngoài tỉnh đã quay trở lại tiếp tục sản xuất. Năm 2021, nông trường phấn đấu nâng thu nhập bình quân của công nhân lên 6,5 triệu đồng/người/tháng.

NGỌC THUẤN