CSVN – Cả nước vui mừng đón chào ngày chiến thắng 30/4 – ngày trọng đại của toàn dân tộc. Tôi chạy vội về báo cho chú Út biết tin có đoàn lãnh đạo đến thăm.
Thường ngày mỗi buổi sáng chú ngồi trong chiếc xe lăn hướng ra cánh đồng làng, ánh mắt nhìn vào xa xăm. Vậy mà hôm nay chú nằm im lìm. Tôi bước tới bên chú gọi nhưng chú chỉ mở mắt nhìn tôi mà không nói gì cả. Chú có vẻ mệt mỏi lắm, chú nói chú lại bị cơn sốt rét ác tính hành hạ, miệng đắng khô và chú không muốn ăn gì cả. Đó là di chứng của những năm tháng chú đi đánh Mỹ ở chiến trường miền Nam. Chú và đồng đội sống trong rừng đầy muỗi, vắt, ăn rau rừng thay cơm, nơi rừng thiêng nước độc. Đôi chân chú đã gởi lại chiến trường, khi đất nước thống nhất chú trở về ở vậy với bà nội, và ba mẹ tôi.
Thương chú vô cùng, hàng ngày những lúc rảnh tôi lại ngồi bên chú, chú kể chuyện chiến đấu cho tôi nghe, giọng chú lúc trầm lúc bổng, lúc vui, lúc buồn, có những lúc như nghẹn lại. Chú đi bộ đội năm Mậu Thân 1968, lúc đó mới 17 tuổi. Chú cùng bạn bè đồng trang lứa xung phong lên đường cứu nước. Chú là lính bộ binh, rày đây mai đó, đơn vị di chuyển khắp nơi. Hành quân dưới bom đạn của kẻ thù, biết bao máu của đồng bào, chiến sĩ đã đổ xuống để giành chiến thắng…
Tôi nghe chú kể bằng giọng chậm rãi, ký ức trở về như những cuốn phim quay chậm. Đối với chú, ký ức là những ngày tháng tươi đẹp của tuổi trẻ – giai đoạn lịch sử hào hùng của một dân tộc anh hùng. Ngày tháng dần trôi, vậy mà bệnh sốt rét nó cũng không buông tha, thỉnh thoảng lại hành hạ chú.
Đoàn đã tới, trong đoàn có cả bác sĩ, vì thế chú Út được bác sĩ thăm khám, chú sốt rất cao, bác sĩ kê toa cho thuốc sốt, thuốc bổ, quà, và động viên tinh thần cố gắng vượt qua.
Có một cô lớn tuổi nắm chặt tay chú, hai hàng nước mắt chảy dài, cô nói trong nghẹn ngào, vỗ về an ủi: “Cố lên anh, nhân dân ghi ơn và đồng đội luôn nghĩ đến anh”. Rồi cả đoàn tạm biệt chú ra đi.
Khi biết hôm nay là ngày 30/4, chú bảo tôi mở tủ lấy gói giấy tờ, chú lục mãi mọi thứ, cuối cùng chú dừng lại ở lá thư cuối cùng của một đồng đội. Bức thư này đồng đội nhờ “nếu sau này mày còn sống hãy đem bức thư đến tận tay cô gái nhé!”. Trong bức thư có đoạn viết “nếu sau này anh hy sinh vì Tổ quốc thì em hãy đi xây dựng gia đình, chứ đừng vì anh mà uổng phí đời con gái”. Vậy mà mãi đến hôm nay … bức thư đó vẫn còn nằm trong bọc ni lon, chú tôi thấy có lỗi với đồng đội của mình. Chú nhờ tôi thắp ba cây nhang đưa rồi chú cầm lên khấn mong linh hồn đồng đội tha thứ. Bởi từ khi trở về chú có đi được nơi đâu, mà nhờ con cháu thì phiền.
Thấy chú luôn trách mình vì chưa tròn lời hứa. Tôi xin thay chú đem bức thư đó từ Quảng Bình, quyết tìm cho bằng được người con gái trong thư. Và cuối cùng tôi cũng đã tìm đến cô Lê Thị Thảo xã Thọ Dân, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Cô cho biết, sau khi người yêu hy sinh cô đã tình nguyện làm con dâu của ông bà Thắng cho đến khi ông, bà qua đời và cô ở vậy thờ chồng, thờ ông bà tổ tiên nhà chồng. Năm nay cô cũng đã gần 70 tuổi, tôi tò mò chuyện riêng của cô, cô tâm sự hồi đó cô và chú yêu nhau, một tình yêu đẹp và trong sáng, hứa hẹn chung thủy trọn đời. Khi chú hy sinh cô giữ mãi lời thề đó cho đến bây giờ.
Trở về tôi đem chuyện kể lại với chú Út, chú tự trách không làm tròn bổn phận với đồng đội, “vì mình mà lỡ cả một đời người con gái của cô ấy”. Một tuần sau chú ốm nặng, gia đình đưa chú đi bệnh viện, bác sĩ lắc đầu, đưa chú về mà mấy anh em tôi khóc ròng. Nhìn chú nằm đó, sức đang yếu dần, mà thấy thương chú đến lạ.
NGUYỄN NHỊ
Related posts:
- Cây cao su ở Việt Nam dưới góc nhìn Lịch sử - Sinh thái (1897 - 1975)
- Ly hôn là giải pháp tồi tệ nhất
- Nơi lưu giữ nhiều hiện vật về cao su
- Cô giáo mầm non có "giọng hát vàng"
- Phát huy thành tích
- Phụ nữ quân đội đoàn kết, sáng tạo
- Thiếu tướng Trần Tử Bình và những đóng góp to lớn trong phong trào công nhân cao su
- LỜI CẢM TẠ
- Sự ra đời của ngành khai thác cao su ở Việt Nam
- Kon Tum chú trọng bảo tồn văn hóa