Những điểm mới trong Quy trình kỹ thuật cây cao su năm 2020: Thu hoạch gỗ cao su

CSVN – Quy trình kỹ thuật (QTKT) cây cao su năm 2020 có bổ sung nhiều điểm và chương mới so với các QTKT trước đây. Tạp chí CSVN trích đăng Chương X Thu hoạch gỗ cao su để quý bạn đọc theo dõi.

Thu hoạch gỗ cao su. Ảnh: Vũ Phong.

MỤC I: QUY ĐỊNH CHUNG VỀ THU HOẠCH GỖ CAO SU

Điều 176: Quản lý vườn cây thu hoạch gỗ cao su
  • Gỗ cao su cùng với mủ là sản phẩm chính của quá trình canh tác cây cao su, việc thu hoạch gỗ được thực hiện trên nguyên tắc tối ưu hóa hiệu quả quá trình canh tác cây cao su, bảo đảm các yếu tố kinh tế – xã hội – môi trường và phù hợp với định hướng phát triển của chủ đầu tư.
  • Điều kiện để thực hiện việc thu hoạch gỗ:

+ Khi vườn cây cao su kết thúc chu kỳ thu hoạch mủ theo quy trình hoặc phương án quản lý rừng; kết thúc thời gian nghiên cứu thí nghiệm, thí nghiệm theo đề tài.

+ Khi năng suất mủ của vườn cây không đảm bảo hiệu quả cho chủ đầu tư.

+ Khi mật độ vườn cây thấp cần thiết phải thu hoạch gỗ để tái canh hoặc sử dụng vào mục đích khác.

+ Khi có một diện tích nhỏ nằm xem trong khu vực đã đến thời điểm thu hoạch gỗ cần thiết phải thu hoạch để liền vùng, liền khoảnh thuận tiện trong tổ chức sản xuất.

+ Khi vườn cây bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh không có khả năng phục hồi hoặc có khả năng phục hồi nhưng dự đoán không còn hiệu quả cho thời gian còn lại.

+ Khi việc thu hoạch gỗ được chứng minh là có hiệu quả cao hơn là tiếp tục duy trì thu hoạch mủ và việc xác định thu hoạch gỗ được lập và phê duyệt trong dự án đầu tư.

  • Đối với vườn cây cao su có sản phẩm chính là gỗ – mủ gỗ, chỉ thuần lấy gỗ thì được thực hiện thu hoạch gỗ theo quy trình của loại cây lấy gỗ chính.
  • Thẩm quyền quyết định việc thu hoạch gỗ do HĐQT VRG quyết định đối với những đơn vị VRG sở hữu 100 % vốn và chấp thuận thỏa thuận đối với các đơn vị khác theo quy định của VRG.
Điều 177: Thời gian và diện tích thu hoạch gỗ cao su
  • Cần phải nghiên cứu kế hoạch thu hoạch gỗ ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, diện tích thu hoạch gỗ bao gồm tất cả các diện tích đủ điều kiện thu hoạch gỗ quy định tại điều 176.
  • Không khai thác trắng cho mục đích tái canh một vùng liền lô có diện tích lớn hơn 50 ha đối với đất dốc trên 15 độ.
  • Việc thu hoạch gỗ phải được tiến hành rải vụ trong năm để đảm bảo nguồn cung nguyên liệu ổn định cho thị trường, tối thiểu 3 đợt trong năm; cần cân đối để ưu tiên thu hoạch gỗ trong thời gian ngưng cạo mủ hay điều kiện tự nhiên thuận lợi trong việc thu hoạch gỗ, mùa thu hoạch gỗ chậm nhất là đầu quý IV năm trước và trong quý I năm thực hiện tái canh.
  • Đánh giá trữ lượng gỗ: gỗ trước lúc thu hoạch phải được đánh giá trữ lượng, việc xác định trữ lượng cần phải được tính đúng, tính đủ, dựa trên kết quả kiểm kê về số lượng cây, chiều cao, đường kính từng cây theo phương pháp lập ô tiêu chuẩn hay kiểm đếm toàn bộ lô. Thời gian xác định trữ lượng đến lúc thu hoạch gỗ không cách nhau quá sáu tháng.
  • Ước lượng giá trị gỗ sau thu hoạch: phải phù hợp với giá thị trường tại thời điểm thu hoạch gỗ, giá trị từng lô cao su phải được xác định từ giá từng đơn vị đo lường của gỗ tròn, củi và trữ lượng gỗ của lô thu hoạch. Thẩm quyền quyết định quy trình thu hoạch gỗ: HĐQT VRG ban hành quy trình, trình tự thực hiện, phương pháp đánh giá trữ lượng, việc thu hoạch gỗ theo các quy định hiện hành để thực hiện chung trong toàn VRG.
Điều 178: Tận thu gỗ, củi đối với vườn cây cao su bị thiên tai

Đối với vườn cây gãy đổ do mưa bão, gió lốc hay thiên tai khác, để xử lý nhanh phục hồi sản xuất:

  • Khẩn trương tổ chức kiểm kê, phân loại, đánh dấu phân biệt cây trốc gốPc, cây gãy thân, cây nghiêng, cây gãy cành tét nhánh. Xác định cây không còn khả năng phục hồi. Nhanh chóng thu dọn cây gãy đổ để phục hồi sản xuất.
  • Lập biên bản kiểm kê ,xác định xác định trữ lượng gỗ củi đề xuất giá khởi điểm, tổ chức bán cây gãy đổ không còn khả năng phục hồi để giảm thiểu thiệt hại, thu hồi vốn tối đa
  • Đối với những vườn cây gãy đổ nặng, sau khi phục hồi sản xuất lập các thủ tục thu hoạch gỗ các lô có mật độ còn lại dưới 50% so với thiết kế để tái canh.
Điều 179: Hình thức thu hoạch gỗ
  • Bán vườn cây cho khách hàng thông qua hình thức đấu giá hoặc bán chỉ định, khách hàng được toàn quyền sử dụng gỗ, củi sau thu hoạch.
  • Thuê nhà đầu tư thực hiện việc thu hoạch gỗ, đơn vị thanh toán tiền thu hoạch gỗ và sử dụng gỗ, củi sau thu hoạch.
  • Đơn vị tự tổ chức thu hoạch gỗ và sử dụng gỗ, củi sau thu hoạch.
  • HĐQT VRG quyết định hình thức thu hoạch gỗ theo các quy định của pháp luật.

MỤC II: KỸ THUẬT THU HOẠCH GỖ

Mục này gồm 4 điều: Điều 180; 181; 182;183 quy định chi tiết về việc Chuẩn bị trước khi thu hoạch (Lập kế hoạch thu hoạch dài hạn và hàng năm; Thiết kế thu hoạch gỗ); Cưa cắt, vận xuất, vận chuyển (Chặt hạ; Cắt cành, cắt khúc; Bốc xếp trên bãi gỗ; Vận chuyển gỗ cao su); Các hoạt động sau khi thu hoạch gỗ (Dọn dẹp sau khi thu hoạch gỗ cao su; Xử lý môi trường) và Các hướng dẫn chung khi tiến hành thu hoạch gỗ cao su.

Điều 183: Các hướng dẫn chung khi tiến hành thu hoạch gỗ cao su
  1. Vệ sinh nơi ở và lán trại
    • Trong khu lán trại phải trang bị tủ thuốc với các loại thuốc trị các bệnh thường gặp trong rừng như: cảm cúm, sốt rét, tiêu chảy, băng bó, cầm máu…
    • Trang bị vật tư, thiết bị phòng cháy, chữa cháy.
    • Thường xuyên quét dọn, phát quang chống muỗi quanh khu lán trại.
    • Nhà vệ sinh phải có nắp đậy kín, thường xuyên phun thuốc khử trùng, diệt muỗi.
    • Quản lý, phân loại rác thải để xử lý theo đúng quy định.
    • Phải trang bị thùng rác có nắp đậy hoặc dụng cụ chứa đảm bảo tiêu chuẩn để chứa rác thải công nghiệp và sinh hoạt hằng ngày, sau đó rác thải được xử lý theo quy định không để gây ô nhiễm môi trường.
2.  Hướng dẫn an toàn đối với người lao động
  • Công nhân làm việc làm nhiệm vụ thu hoạch gỗ phải được trang bị đầy đủ bảo hộ cần thiết như: mũ cứng, giày, tất bảo hộ, găng tay, quần áo bảo hộ và thiết bị cống ồn đối với công nhân cưa cắt.
  • Công nhân phải được đào tạo về các kỹ thuật mà họ thực hiện và học nội quy an toàn lao động, tập huấn sơ cứu và phòng cháy, chữa cháy.
3.  Hướng dẫn về phòng cháy, chữa cháy
  • Có quy định về phòng cháy, chữa cháy trong các khu vực chứa nhiên liệu và xe máy. Có biển báo cấm lửa và hàng rào bảo vệ. Xung quanh không được để vật liệu dễ cháy.
  • Các trang bị, dụng cụ chống cháy như bình chống cháy, bể nước, thùng cát… phải thường xuyên kiểm tra, bảo đảm về số lượng và chất lượng.
  • Khi nấu ăn phải tránh để lửa cháy làm lan sang các công trình khác. Sau khi nấu xong phải dập tắt lửa, tàn củi.
  • Không đốt lửa trong khu vực cưa cắt.
CSVN

(xem tiếp kỳ sau)