CSVN – Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa được Chính phủ giao xây dựng đề án “Phát triển doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) quy mô lớn, đặc biệt là tập đoàn kinh tế Nhà nước đa sở hữu nhằm phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt cho doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng trong thời kỳ mới”.
Phát huy vai trò “dẫn đường”
Nội dung này được tiếp tục tiến hành thảo luận, thu thập ý kiến nhằm hoàn thiện Dự thảo Đề án. Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa mới đây đã tổ chức Hội nghị đóng góp ý kiến với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà quản lý và đại diện các DNNN, các Tập đoàn, Tổng công ty (TĐ, TCT) để thực sự phát huy vai trò “dẫn đường”, “con chim đầu đàn” trong nền kinh tế của DNNN.
Đề án tập trung vào 2 mục tiêu chính gồm có:
Một là, củng cố, phát triển một số tập đoàn kinh tế (TĐKT) quy mô lớn trên cơ sở hình thành các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị, thúc đẩy đổi mới sáng tạo với định hướng sử dụng hiệu quả nguồn lực chưa khai thác hết của DNNN, thu hút các nguồn lực của khu vực tư nhân để thực hiện vai trò dẫn dắt.
Hai là, hình thành cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi để Nhà nước/DNNN tham gia đầu tư phát triển trong một số ngành, lĩnh vực có tính chất mở đường, bứt phá nhằm thực hiện mục tiêu của chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Ngoài ra, Đề án còn góp phần cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý DNNN trong thời kỳ mới.
Trên cơ sở khảo sát thực trạng các TĐKT, DNNN hiện nay, Đề án lựa chọn đối tượng là một số TĐ, TCT Nhà nước dự kiến nắm giữ cổ phần chi phối trở lên ở cấp Trung ương đang nắm giữ nguồn lực lớn của đất nước; đồng thời hoạt động trong các ngành, lĩnh vực quan trọng, có tính chất lan tỏa, dẫn dắt đối với nền kinh tế (6 ngành quan trọng, bao gồm: năng lượng, tài chính ngân hàng, viễn thông, nông nghiệp, kết cấu hạ tầng và công nghiệp).
Theo đó, Đề án cũng đã xác định ngành, lĩnh vực/ DNNN thực hiện vai trò dẫn dắt, lan tỏa. Cụ thể, với tiêu chí lựa chọn ngành, lĩnh vực gồm có:
Thứ nhất, có tính chất mở đường (theo nghĩa là hướng đến các ngành, lĩnh vực mới, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước), dẫn dắt (theo nghĩa là hướng đến các ngành hình thành các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị, thúc đẩy đổi mới sáng tạo gắn với sự tham gia của doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác) hướng tới xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, bền vững.
Thứ hai, hướng tới làm chủ công nghệ và có đội ngũ nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.
Thứ ba, có vai trò cần thiết trong quá trình phát triển, định hướng công nghiệp, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Thứ tư, cần thiết duy trì vai trò của Nhà nước; không cạnh tranh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác phát triển.
5 tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp
Thứ nhất, có tiềm lực về tài chính, đạt yêu cầu về quy mô xét trên tiêu chí tổng tài sản (dự kiến trên 20.000 tỷ đồng) hoặc có kết quả tài chính ổn định (ROE cao hơn mức 6%).
Thứ hai, có khả năng mở rộng, chi phối thị trường hoặc/và tăng được thị phần (mức chiếm thị phần từ 30% trở lên) và cần đảm bảo các quy định pháp luật hiện hành về cạnh tranh. Đồng thời, có khả năng chiếm lĩnh thị trường trong nước và mở rộng sang thị trường nước ngoài.
Thứ ba, có hệ thống quản trị tốt trên cơ sở áp dụng các Nguyên tắc quản trị doanh nghiệp Nhà nước của OECD; có năng lực hấp thụ và làm chủ công nghệ mới, công nghệ cao, hình thành năng lực sản xuất mới có tính tự chủ và khả năng thích ứng, chống chịu của nền kinh tế.
Thứ tư, hoạt động trong những ngành, lĩnh vực có tính chất mở đường, dẫn dắt (cụ thể như: sản phẩm của DNNN là đầu vào quan trọng cho các ngành kinh tế khác; cung cấp kết cấu hạ tầng; tạo động lực phát triển trên nền tảng KHCN, đi đầu trong tăng cường QPVN, công nghiệp lưỡng dụng để bảo vệ chủ quyền…), phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Thứ năm, do Nhà nước nắm giữ 100% vốn hoặc có cổ phần chi phối, trong đó, ưu tiên các doanh nghiệp đã đa dạng hóa sở hữu hoặc có khả năng đa dạng hóa sở hữu trong thời gian tới, Nhà nước nắm cổ phần chi phối.
Đề án cũng tập trung đề xuất cơ chế, chính sách, trong đó xác định nguyên tắc xây dựng cơ chế, chính sách là phải phù hợp với các định hướng phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, tuân thủ các cam kết quốc tế của Việt Nam đối với DNNN; Không làm méo mó các quan hệ trên thị trường, tạo sự cạnh tranh, bình đẳng giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế; Tăng cường sự công khai, minh bạch của chính sách. Trên cơ sở đó, đề xuất cơ chế, chính sách chung bao gồm: Nghiên cứu, xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách theo hướng đổi mới quản lý của chủ sở hữu, tạo điều kiện cho DNNN được hoạt động bình đẳng, chủ động và cạnh tranh với các doanh nghiệp khác; Trao quyền hoặc giao nhiệm vụ cho một số DNNN để phát triển các hạ tầng nền tảng để có thể ứng dụng kinh tế chia sẻ, đẩy mạnh phát triển công nghệ số trong tương lai với một số chính sách thử nghiệm có kiểm soát đối với các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới ứng dụng công nghệ số.
Tăng cường đầu tư KHCN thông qua hình thức đầu tư mua công nghệ và tham gia mua cổ phần hoặc các dự án của nước ngoài đã có sẵn công nghệ để phát triển và làm chủ công nghệ; Xác định rõ một cơ quan có nhiệm vụ quản lý chung đối với hệ thống DNNN (như đưa ra các quy hoạch, định hướng chiến lược về DNNN gắn với định hướng phát triển DNNN; ban hành và sửa đổi các quy định pháp lý đối với DNNN, nắm chung về tình hình sản xuất kinh doanh và thực hiện kiểm tra, giám sát)…
P.V
Related posts:
- Khánh thành nhà máy gỗ cao su tại Kon Tum
- VRG thực hiện tốt quy chế phối hợp, hợp tác với tỉnh Bình Phước
- Các công ty cao su Tây Nguyên vượt 9% tiến độ khai thác
- Lao động nữ đóng góp to lớn vào sự phát triển của ngành
- Thu nhập ngoài lương Cao su Phước Hòa 30 triệu đồng/hộ
- Phải xây dựng thương hiệu gỗ cao su Việt Nam
- Người lao động Khối thi đua số IX VRG thu nhập trên 6 triệu đồng
- Cao su Mang Yang tổ chức tổng kết công tác nông nghiệp năm 2021
- Cao su Tây Ninh lợi nhuận ước đạt 132% kế hoạch
- Cổ phiếu cao su thiên nhiên ghi nhận đà tăng tích cực