Nâng cao hiệu quả và sức đầu tư cho các khu công nghiệp

CSVN – Sau hơn 30 năm kể từ khi Khu chế xuất Tân Thuận – khu chế xuất đầu tiên được thành lập, Việt Nam đã đạt được kết quả quan trọng trong phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế (KCN, KKT).

Một góc KCN Long Khánh. Ảnh: Đào Phong

Những khởi sắc rõ nét phát triển kinh tế – xã hội trong công cuộc đổi mới đất nước đều có dấu ấn đậm nét của các KCN, KKT. Đến nay, Việt Nam tiếp tục là điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư ở trong và ngoài nước.

Khẳng định vai trò trụ cột trong nền kinh tế

Các KCN, KKT đã có những đóng góp tích cực vào thành tựu tăng trưởng và phát triển của Việt Nam. Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, đến nay, cả nước có 369 KCN (gồm cả các KCN nằm trong KKT) tại 61/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, với tổng diện tích gần 114 nghìn ha. Song song với việc xây dựng và phát triển mô hình KCN, KKT, hệ thống chính sách phát triển KCN cũng từng bước được hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý cho việc vận hành các KCN.

Với cơ chế ủy quyền, các Bộ, ngành đã tạo điều kiện cho các Ban quản lý KCN phát huy tốt cơ chế quản lý một cửa, tại chỗ, thực hiện các giám sát về chuyên môn đảm bảo các vướng mắc của doanh nghiệp được giải quyết nhanh và đúng pháp luật.

Bên cạnh đó, những chính sách ưu đãi về đầu tư, những thuận lợi về cơ sở hạ tầng hệ thống đã tạo điều kiện thuận lợi cho các KCN trở thành nam châm thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Trong giai đoạn 2016-2019, KCN, KKT nộp ngân sách Nhà nước trên 400 nghìn tỷ đồng. KCN, KKT ngày càng khẳng định vai trò trụ cột trong nền kinh tế, góp phần cải thiện môi trường sản xuất, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy CNH-HĐH đất nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu phát triển vẫn còn tồn tại một số hạn chế, như: Mô hình KCN, KKT mới chủ yếu phát triển theo chiều rộng, chưa chú trọng nâng cao hiệu quả và đổi mới mô hình phát triển KCN, KKT. Khả năng thu hút đầu tư của một số KCN còn thấp; hàm lượng công nghệ trong các KCN chưa cao.

Phát triển KCN, KKT chưa đảm bảo bền vững trên ba khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường. Có thời gian, các địa phương dành nhiều ưu tiên cho việc lấp đầy các KCN mà chưa chú trọng tới cơ cấu ngành nghề, công nghệ; chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia vào các KCN chưa được xây dựng đồng bộ, thống nhất với định hướng thu hút các ngành nghề, lĩnh vực đầu tư ưu tiên gắn với lợi thế và tiềm năng phát triển; công tác giải phóng mặt bằng, bảo vệ môi trường và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của NLĐ trong KCN, KKT chưa có cải thiện nhiều và chậm được khắc phục.

Giải pháp nâng cao hiệu quả và sức đầu tư cho các KCN

Về định hướng phát triển KCN, KKT trong thời gian tới, ông Trần Quốc Trung – Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các KKT thuộc Bộ Kế hoạch & Đầu tư, cho biết: Bối cảnh quốc tế và trong nước hiện nay đang có nhiều chuyển biến mang tính bước ngoặt, chứa đựng những cơ hội và thách thức rất khác biệt so với giai đoạn trước đây.

Hợp tác và cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong khu vực công nghiệp đan xen và ngày một phức tạp hơn. Thực tiễn đòi hỏi việc phát triển KCN, KKT cần được đổi mới mạnh mẽ để thích ứng với bối cảnh thế giới và trong nước, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trước yêu cầu mới đó, định hướng phát triển các KCN, KKT cần được thay đổi:

Thứ nhất, tiếp tục xác định phát triển KCN, KKT là mô hình, giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, hướng tới công nghiệp hóa đất nước theo hướng hiện đại, hài hòa giữa các vùng miền, ngành, nghề; đảm bảo phát triển bền vững.

Thứ hai, đổi mới và đa dạng hóa các loại hình KCN, KKT để thích ứng với yêu cầu trong nước và hội nhập kinh tế quốc tế; đảm bảo sức hấp dẫn, cạnh tranh quốc tế của KCN, KKT trong thu hút, hợp tác đầu tư, trong đó lấy đổi mới mô hình phát triển, phương thức quản lý tiên tiến, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong KCN, KKT làm nền tảng.

Thứ ba, phát triển kết cấu hạ tầng và thúc đẩy SXKD trong KCN, KKT phải đảm bảo đồng bộ, hài hòa về kinh tế, xã hội, môi trường; đối tác hiệu quả giữa Nhà nước – địa phương – doanh nghiệp; gắn kết chặt chẽ với đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn, an sinh xã hội; thực hiện các cam kết quốc tế về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Thứ tư, thu hút đầu tư vào KCN, KKT có chọn lọc, phù hợp với yêu cầu, tiềm năng phát triển của địa phương, vùng; ưu tiên dự án đầu tư có công nghệ hiện đại, có hợp tác chuyển giao công nghệ, đảm bảo chất lượng, hiệu quả sử dụng tài nguyên và lao động, có giá trị gia tăng cao và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0.

Thứ năm, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, vai trò tiên phong và sáng tạo của Công đoàn các cấp trong bảo vệ quyền lợi của NLĐ. Đặc biệt là trong quá trình thực hiện các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; tăng cường vai trò phản biện, giám sát của các tổ chức chính trị, xã hội; phát huy sự năng động, hiệu quả của nhà đầu tư, doanh nghiệp và các cấp, các ngành trong phát triển KCN, KKT.

Việt Nam đang trong bối cảnh phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các yếu tố đầu vào như: Lao động giá rẻ, tài nguyên dồi dào không còn là thế mạnh của Việt Nam, đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương cần quy hoạch KCN mới, xây dựng mô hình phù hợp mục tiêu thu hút các dự án quy mô lớn, công nghệ hiện đại, có tính bền vững. KCN phải tổ chức bài bản, quản trị thông minh về môi trường sạch, phát huy tất cả không gian.

TUỆ LINH